Theo các đại biểu, một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc trong dân là việc định giá đất. Trong định giá đất đai, một số địa phương thường dùng các tiêu chí như: đất vàng, đất dọc đường chính, đường phụ, đất sát mặt đường, đất sâu trong ngõ… để định ra giá theo các hệ số K khác nhau. Cách làm này khiến người dân không chịu giao đất ngay mà chờ giá đền bù được cao hơn.
Theo Luật sư Lê Đức Tiết, điều chỉnh giá đất nên được tiến hành định kỳ 5 năm một lần; đồng thời việc xác định giá đất nên giao cho tổ chức độc lập chuyên trách khảo sát và đệ trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và công bố niêm yết rộng rãi để nhân dân được biết. Nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì mục đích kinh doanh thì theo giá thỏa thuận và theo quy luật cung cầu của thị trường.
“Với cách làm này sẽ đảm bảo việc xác định giá đất mang tính dân chủ, công khai, hợp lý và đảm bảo ổn định xã hội hơn cách làm cũ vì nó sẽ góp phần giảm bớt khiếu nại trong dân”- Luật sư Tiết giải thích.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để hỗ trợ tốt cho dân khi bị thu hồi đất quan trọng là phải tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập mới cho dân. Người nông dân được đền bù nhưng không có việc làm thì chẳng mấy chốc tiêu hết tiền đền bù, đó là chưa kể đến việc phát sinh nhiều tiêu cực khác.
Theo các đại biểu, người dân cần được hướng dẫn thành lập các hợp tác xã kiểu mới, các công ty sản xuất, kinh doanh dịch vụ tư nhân; hướng dẫn pháp luật để họ biết sử dụng quyền làm chủ của dân là những vấn đề cốt lõi của việc hỗ trợ cho dân. Cơ quan nhà nước phải thực sự trở thành những cơ quan phục vụ dân trên thực tế.
Để làm được việc này không nên khoán trắng cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mà tất cả các bộ, ngành của Trung ương, địa phương đều phải góp tay vào, trước mắt là đề cao và phát huy tác dụng của “bốn nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cho người bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó, việc biên soạn các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có liên quan đến nhiều bộ, ngành, bởi vậy nếu không có cách làm hợp lý, các đại biểu lo ngại những quy định của Luật này khi đi vào thực tế sẽ khó tránh khỏi tình trạng bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp…