Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Cần xem lại việc bồi thường tái định cư cho người dân

(PLO) - Như Báo PLVN đã phản ánh, năm 2013 UBND huyện Khánh Vĩnh ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân tại thị trấn Khánh Vĩnh để thực hiện Dự án mở rộng đường 2-8 nối dài (đoạn từ Trường Sao Mai đến đường Cầu Lùng - Khánh Lê) làm ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của các hộ dân…
Hộ bà Trần Thị Lương bị giải tòa 1/2căn nhà, toàn bộ nhà xây tường 20 nhưng chỉ được tính tường 10 và tự tháo dỡ nhưng không được hỗ trợ công tháo dỡ theo quy định.
Hộ bà Trần Thị Lương bị giải tòa 1/2căn nhà, toàn bộ nhà xây tường 20 nhưng chỉ được tính tường 10 và tự tháo dỡ nhưng không được hỗ trợ công tháo dỡ theo quy định.
Bồi thường kiểu nhập nhèm?
Sau khi thu hồi đất, phá dỡ di chuyển công trình trên đất để lấy mặt bằng thực hiện việc thi công đoạn đường 2-8 nối dài, các hộ dân đã có đơn khiếu nại cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện Khánh Vĩnh không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân, trong đó hầu hết là người dân tộc thiểu số. 
Theo các hộ dân, diện tích đất của họ bị thu hồi đều có nguồn gốc từ những năm 1980, một số hộ mua lại của các hộ dân ở trước đó, có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), đã xây nhà ở ổn định, không có tranh chấp. Tuy nhiên khi thu hồi, UBND huyện Khánh Vĩnh lại bồi thường với đơn giá đất nông nghiệp và hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi bằng 60% giá đất ở liền kề. Việc bồi thường, hỗ trợ phá dỡ nhà cửa cũng không đúng với giá trị xây dựng theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa. 
Trường hợp hộ bà Trần Thị Lương bị giải tòa 1/2 căn nhà, toàn bộ nhà xây tường 20, nhưng chỉ được tính tường 10 và tự tháo dỡ nhưng không được hỗ trợ công tháo dỡ theo quy định. Theo đơn giá đền 
bù xây dựng của UBND tỉnh Khánh Hòa phải là 2.957.000 đồng/m2, nhưng các hộ dân ở đây chỉ được tính đơn giá 2.409.000 đồng/m2. Hộ ông Hoàng Quang Hỏa có tổng diện tích sử dụng 397,2m2, bị thu hồi 235,2m2, diện tích còn lại 162m2, nhưng chỉ được đền bù giá đất nông nghiệp và hỗ trợ 60% giá đất ở liền kề. Trong khi hầu hết các hộ đều làm nhà ở nằm tiếp giáp mặt đường, do đó hộ nào bị thu hồi lớn hơn 200m2 thì được công nhận 200m2 đất ở, diện tích còn lại đền bù đất ở liền kề và hộ nào bị thu hồi dưới 200m2 cũng phải được tính là đất ở, nhưng khi UBND huyện Khánh Vĩnh thu hồi diện tích đất ở, nhà ở của các hộ dân chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ bằng 60% giá đất ở liền kề.
Bắt dân phải nộp tiền sử dụng đất và tiền chuyển nhượng
Tìm hiểu sự việc trên, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất và Phòng TN&MT huyện Khánh Vĩnh, cán bộ ở đây cho rằng:“Việc thu hồi đất của các hộ dân hai bên đường 2-8 nối dài đã được UBND huyện Khánh Vĩnh bồi thường hỗ trợ đúng theo quy định, việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi bằng 60% giá trị đất ở liền kề là có lợi cho các hộ dân. Sau khi huyện thực hiện việc cấp lại sổ đỏ do có biến động về đất, huyện sẽ lại ghi nhận 200m2 đất ở vào sổ đỏ cấp mới. Như vậy, các hộ dân vẫn có lợi khi được bồi thường và vẫn đủ diện tích đất ở 200m2. Việc thỏa thuận bồi thường hỗ trợ đã được họp và thống nhất với các hộ dân…”.
Tuy nhiên, khi trao đổi với các hộ dân, họ đều cho rằng không có cuộc họp bàn thống nhất thu hồi đất ở và bồi thường giá đất nông nghiệp và hỗ trợ 60% giá đất ở liền kề nào như cán bộ huyện Khánh Vĩnh nói. “Nếu UBND huyện Khánh Vĩnh có đề cập đến vấn đề này, chúng tôi cũng không đồng ý, vì diện tích đất xây nhà ở của chúng tôi nhà nào nhiều thì xây hết 100m2 đất còn không thì cũng chỉ sử dụng đến 50m2 đất xây nhà để ở. Nhà nước thu hồi đất nào thì bồi thường bằng giá trị đất đó. Diện tích đất ở còn lại bao nhiêu thì cấp lại sổ đỏ bấy nhiêu. Việc bồi thường của UBND huyện Khánh Vĩnh gây thiệt hại cho các hộ dân chúng tôi và đền bù, hỗ trợ như vậy là trái pháp luật”, ông Hoàng Quang Hỏa bức xúc.
Cũng như ông Hỏa, một hộ dân có đất bị thu hồi cho biết: Nếu UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng bồi thường, hỗ trợ là đúng và sẽ cấp lại sổ đỏ 200m2 đất ở là không đúng, bao biện cho việc làm sai trái của mình. Như hộ ông Hỏa, sau khi bị thu hồi còn lại có 162m2, huyện Khánh Vĩnh có cấp lại cho ông đủ 200m2 đất thổ cư hay không? Đáng lẽ gia đình ông Hỏa phải được bồi thường bằng giá đất ở đô thị theo vị trí 1, đường loại 1.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hộ bà Trần Thị Lương bị thu hồi 42,7m2, nhưng thực tế bị lấy 70m2 và đất có nguồn gốc sử dụng trước ngày 15/10/1993 thuộc trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên,  khi cấp lại sổ đỏ, không hiểu sao UBND huyện Khánh Vĩnh lại buộc bà Lương phải nộp và ghi nợ tiền sử dụng đất, để rồi khi nhận tiền bồi thường bà bị trừ 9.223.200 đồng. Hộ ông Phạm Quang Vĩnh khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã trừ 2.251.050 đồng tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của gia đình ông, việc làm này là trái pháp luật. 
Theo quy định tại Điều 84 Luật Đất đai năm 2003: Đất ở đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị. Do đó, việc UBND huyện Khánh Vĩnh bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ bằng 60% giá đất thổ cư là trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người bị thu hồi đất.
Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị thu hồi đất xây dựng đường 2-8 nối dài, thiết nghĩ UBND huyện Khánh Vĩnh nên xem xét lại việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân theo đúng quy định pháp luật nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ dân, tránh khiếu kiện kéo dài.

Đọc thêm