Đến hẹn lại lên, cả lớp đều… giỏi?!

(PLVN) - Một năm học đặc biệt khi kéo dài tới tận 15/7 mới kết thúc, chậm hơn so với các năm trước khoảng 2 tháng. Một năm học mà học sinh nhiều nơi được nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cả 3 tháng, học sinh học trực tuyến và học trên truyền hình. Dù gần như cả học kỳ II là học trực tuyến, song nhiều nơi đánh giá năm học vẫn thành công, số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến không nhiều thay đổi so với năm học trước... 
Mỗi đứa trẻ, mỗi con người cần bình tĩnh trên hành trình cuộc đời.  Ảnh minh họa
Mỗi đứa trẻ, mỗi con người cần bình tĩnh trên hành trình cuộc đời. Ảnh minh họa

Về việc bức ảnh một học sinh lẻ loi khi không được nhận giấy khen, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đúng học sinh ngày càng học giỏi hay chuyện “lạm phát” giấy khen vẫng đang tồn tại nơi trường học?

Bọn trẻ giỏi thật, hay ảo? 

Cộng đồng mạng chia sẻ, xôn xao bàn luận về một bức ảnh chụp tại một lớp học tiểu học, điều đặc biệt trong bức ảnh đó là cả lớp học tất cả đều có giấy khen, chỉ duy nhất một học sinh không được. Tuy nhiên đây không phải lần đầu xảy ra những chuyện tương tự. Năm học trước (2018 - 2019) tại một lớp học của một trường THCS (ở TP Vũng Tàu)- nơi có 42/43 học sinh giỏi trong một lớp, chỉ duy nhất một học sinh tiên tiến, cũng nhận được chú ý của dư luận.

Nhưng từ bức ảnh, phơi bày nhiều vấn đề trong giáo dục như về bệnh thành tích, hình thức ở trong trường học. Thành tích, hình thức ở đây hoàn toàn không phải vì học sinh. Chuyện phần lớn học sinh trong lớp toàn giỏi, toàn được giấy khen, trường lớp toàn tỷ lệ giỏi, xuất sắc chót vót không phải là chuyện lạ trong giáo dục nhiều năm qua. Đến mức đã có trường hợp ở Vũng Tàu, người thân lên tiếng phản đối vì con cháu mình nói chuyện không thành câu mà đi học vẫn xếp loại giỏi. 

Việc em không được nhận giấy khen, chưa hẳn là điều gì ghê gớm, chẳng hề quyết định đến con đường sau này của em. Nhưng với một học trò nhỏ, bối cảnh đó, cảm xúc của em ra sao dường như chính là sự vô cảm của cô giáo…

Nếu bức ảnh trên là có thật, cả lớp được giấy khen, mình em không có, nhiều người mong bố mẹ em sẽ biết cách nói chuyện với em. Nói để em hiểu về sự khác biệt; nói để em biết con có những thế mạnh khác không ở những lĩnh vực, tiêu chí của giáo viên, của trường; hay nói để con biết chúng ta không sống vì những tờ giấy khen, không phải lúc nào cũng chờ vào lời khen ngợi...

Cũng có ý kiến ngờ vực có thể đây là hình ảnh ghép và nhiều người cũng mong là ảnh ghép, dù rằng câu chuyện không phải là hiếm gặp. Có ý kiến cho rằng, nhân văn là phải giúp đứa trẻ tự đánh giá đúng được bản thân, tự tin với những giá trị mình có và giúp con chấp nhận thực tế rằng các bạn xung quanh hoàn toàn có thể giỏi hơn, xuất sắc hơn mình ở khía cạnh khác nào đó.

Có như vậy khi trẻ con vào đời mới không bị ảo tưởng, chứ không phải nhân văn theo kiểu “cháu nào cũng có Cup”, “cháu nào cũng có giấy khen” là một kiểu cào bằng…

Thực tế, hiện nay ngoài việc “hào phóng” ban phát giấy khen học sinh sau một năm học, tại nhiều trường học ở thành phố cũng tổ chức rất nhiều cuộc thi, câu lạc bộ và có chấm thi, tổ chức trao giải, giấy chứng nhận cho học sinh để phụ huynh “mát mặt” lên mạng xã hội để khoe. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng thúc ép con đi thi các cuộc thi để cốt có giải, cộng điểm trong chuyển cấp...

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, một lớp học mà chỉ có một vài em không được tiên tiến, hoặc cả lớp giỏi mà có một hai em chỉ tiên tiến cho thấy không đúng thực chất, kể cả học trường chuyên, lớp chọn. Một lớp học, bao giờ cũng có học sinh giỏi, khá và cả trung bình, khá và giỏi hết là bất thường.

Biểu hiện của “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục từ lâu nay dù nỗ lực nhưng vẫn chưa xóa được. Bệnh thành tích không phải bây giờ, mà đã có từ trước và đến nay càng phổ biến, hàng năm đều tăng số lượng học sinh khá, giỏi. Chất lượng ảo, chưa đúng thực chất còn tạo ra hệ lụy, các em không học tốt thật sự vẫn được khen, thưởng đã mất dần ý chí ham học, phấn đấu…

Bình tĩnh trên hành trình của mình!

Có thể nói, từ xa xưa, loài người đã biết sử dụng khen thưởng để khuyến khích những tập thể và cá nhân có thành tích, đóng góp xuất sắc cho xã hội, cộng đồng; đồng thời có hình phạt nhằm để răn đe, ngăn chặn những hành vi đi ngược lại lợi ích xã hội hoặc ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Einstein từng nói: “Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc”. Vì vậy, khi khen thưởng học sinh, nhà trường và giáo viên cần tìm ra được một mặt mạnh nào đó của các em để khen. 

Và việc khen thưởng không nhằm mục đích so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu việc khen thưởng gây ra sự so đo trong học sinh thì sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực, tự ti, khoảng cách cho những em không được khen thưởng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đã viết một bức tâm thư khích lệ tinh thần em. Nguyên văn lá thư xúc động của PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp như sau: “Em học sinh KHÔNG được giấy khen yêu quý,

Khi xem bức ảnh này, thầy thực sự bị sốc. Thầy buồn không phải vì em không được giấy khen mà vì người chụp ảnh, vì nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi (theo đúng nghĩa thực chất). Với tình cảm và trách nhiệm của một người làm giáo dục, thầy viết thư ngỏ này cho em.

Thầy mong em đừng buồn vì không được giấy khen. Đối với thầy, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Những bạn được giấy khen không hẳn thông minh hơn em. Em đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen. Các bạn đó hơn em ở kết quả học tập, nhưng có thể thua em ở lĩnh vực khác. Nếu em tặng cho các bạn đó cái bắt tay, cái ôm chúc mừng chân tình thì thật tuyệt.

Con người ta ai cũng thông minh em ạ. Thầy tin rằng, em cũng thông minh. Điều quan trọng là hãy tự nhìn lại năm học qua để thấy bản thân mình đã cố gắng học tập chưa, đã gặp những khó khăn gì và khi gặp khó khăn đã biết hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi cha mẹ chưa”…

Do đó, việc một đứa trẻ không có giấy khen, nghiêm trọng hay không là tuỳ từng cha mẹ. Tôi biết nhiều cha mẹ có thể shock nhưng không biến nó thành nghiêm trọng. Có những cha mẹ sẽ đau đầu vật vã. Ngược lại, sẽ có những cha mẹ nói với con về quyền được thất bại và tìm hướng giải quyết cho phù hợp mà thôi.

Chị Thu Hà, một chuyên gia tâm lý kể rằng, con chị học trường quốc tế: “Có lần Xu còn được bằng khen vì đã chào hỏi bác lao công trong trường. Có lần thì được bằng khen vì giúp đỡ một bạn mới vào. Mình rất thích những bằng khen về đạo đức và thái độ sống như thế. Ở Mỹ, với những trường đại học về xã hội thì các bằng khen như Golden Heart, Friendly... được các Giáo sư tuyển sinh đánh giá rất cao, thậm chí còn hơn cả bằng khen về Toán nữa”.  

Các con biết trân trọng cả những cố gắng nhỏ của mình và của người khác, trân trọng sự khác biệt, bình tĩnh trên hành trình của mình. Ai mà chẳng có mặt tốt đẹp, phong độ của ai chẳng có lúc lên lúc xuống. Và điểm xuất phát, rồi tốc độ, gia tài và hành lý... của mỗi người là khác nhau. Thế mới là cuộc đời”...

Dường như bệnh thành tích trong không chỉ ngành giáo dục vẫn còn quá dài, khi xã hội bằng cấp đo đếm con người qua những tấm bằng. Thế nên, những đứa trẻ vẫn được lớn lên bởi những giấy khen, những cuộc thi tràn lan, thay vì đích đến là một con người tự tin, không ảo tưởng, ấm áp và độ lượng trong từng phút giây của cuộc sống… 

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT:

Không so sánh học sinh này với học sinh khác!

Bức ảnh nếu có thật, giáo viên đang làm sai hướng dẫn và sai quan điểm của Bộ GD-ĐT trong đánh giá học sinh. Đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu phê bình, nhắc nhở cũng không phê bình trước lớp mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này vô cùng nhạy cảm. Điều này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên…

Ông Thái Văn Tài cũng cho biết, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, được xã hội đồng thuận và dần đi vào thực chất.

Cụ thể là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Hiện, Bộ GD-ĐT đã dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học; hình thức khen thưởng trong dự thảo Thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Đọc thêm