Đến hẹn, lại “săn sale”!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc mua sắm online ngày càng trở nên hấp dẫn với mọi người, không chỉ bởi sự tiện nghi hay hàng hóa phong phú. Mà thu hút mạnh mẽ, bằng những chương trình săn sale, “siêu khuyến mãi” được tổ chức mỗi tuần, mỗi tháng. Để từ đó trở thành một thói quen nhằm “giữ chân” người tiêu dùng, khiến họ lệ thuộc, thậm chí “nghiện” nặng việc mua sắm.
57% số người mua hàng online có niềm “đam mê” săn sale. (ảnh minh họa – nguồn: Internet)
57% số người mua hàng online có niềm “đam mê” săn sale. (ảnh minh họa – nguồn: Internet)

“Chốt đơn” thâu đêm, suốt sáng

Nguyễn Xuân Quỳnh (24 tuổi) sinh sống ở quận Tây Hồ - Hà Nội, là một người có kinh nghiệm săn sale lâu năm. Thông thường, cô sẽ chi tiêu mạnh tay vào các đợt khuyến mại lớn trong năm: “Vào cuối năm, đầu năm, chào hè, chào thu, sẽ có những đợt giảm giá sâu, rất nhiều sản phẩm được giảm từ 50% - 60% so với giá gốc”.

Xuân Quỳnh bị thu hút bởi quần áo, mỹ phẩm, đồ trang điểm và một số thứ lặt vặt khác như túi xách, giầy dép. Mỗi đợt săn sale như vậy, cô phải thức từ đêm, thậm chí mất cả ngày hôm sau vì: “Nếu không nhanh tay, sẽ bị người khác đặt mất”. Với tâm lý, mua không dùng lúc này, thì lúc khác, mỗi đợt săn sale “thả ga” như vậy, Quỳnh tốn trung bình từ 20 - 30 triệu đồng.

Khác với Nguyễn Xuân Quỳnh, anh Trần Vĩnh Phú (27 tuổi, sống tại Hà Nội) lại có niềm đam mê mua sách. Mỗi khi đến những ngày trùng nhau như; mùng 3 tháng 3, mùng 4 tháng 4, mùng 5 tháng 5 hoặc một số dịp đặc biệt khác, anh lại lên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee,… để mua hàng.

Tạp chí Current Addiction Reports cho biết, đặc điểm của hành vi mua sắm bất thường đó là; sự vui thích không nằm ở món đồ được mua mà ở bản thân hành vi mua sắm đó, liên tục mất kiểm soát trong hành vi chi tiêu, cảm thấy bứt rứt và khó chịu khi không được mua sắm.

Vĩnh Phú cho biết: “Vào những dịp giảm giá “mạnh” như đầu tháng 3 vừa rồi, tôi đã thức thâu đêm để chọn những cuốn sách ưng ý đang được giảm giá”. Trung bình mỗi quyển sẽ giảm 40% - 50% so với giá gốc, vì yêu thích đặt sách, nên Phú đã mạnh tay “chốt” đơn hơn một triệu đồng cho khoảng hai mươi cuốn sách.

Không chỉ giới trẻ, mà ngay cả những người trung tuổi cũng bị thu hút mua sắm online. Thậm chí, số tiền họ chi ra còn nhỉnh hơn so với những thanh niên đang ở độ tuổi hai mươi. Hoàng Thảo Vân (46 tuổi, sống ở Hà Nội), cho biết, chị không chỉ mua sắm các đồ trong nước mà còn đặt hàng ở các shop của nước ngoài. Vì chị có niềm đam mê với một số thương hiệu nổi tiếng như Chanel, H&M, Prada,…

Cho nên, cứ vào cuối năm và đầu năm, đúng những dịp sale ở nước ngoài, chị và bạn bè lại rủ nhau vào đặt: “Mua hàng nước ngoài, phí vận chuyển rất tốn kém, nên mấy chị em trong công ty gom đơn với nhau. Như vậy, vừa được giảm giá nhiều, lại vừa có thể chia sẻ phí ship”. Mỗi đợt săn sale, chị em trong công ty của Thảo Vân lại mất cả một ngày, thậm chí vài ngày, chẳng “làm ăn” được gì, chỉ chú tâm vào việc săn hàng khuyến mại với lý do: “Chậm một chút, là chẳng còn món đồ mình ưa thích”.

“Tình yêu” với việc mua sắm online còn “lan tỏa” đến cả những người đã về hưu. Bắt kịp với xu thế hiện đại, rất nhiều người 60 – 70 tuổi, cũng thành thạo lướt facebook, “chốt đơn” qua các livestream trên mạng xã hội. Đó là trường hợp của ông Phạm Thanh Xuân (65 tuổi) hiện sinh sống ở Hải Phòng, ông cho biết mỗi ngày, mình đều xem livestream của các shop bán ví da, thắt lưng, tranh ảnh,... Lâu dần, thấy giá cả rẻ, hàng được quảng cáo đẹp nên đặt mua: “Tôi dần bị cuốn vào “thú vui” mua sắm này lúc nào không hay”. Có những ngày, vợ ông phải ra nhận hàng cho chồng đến vài ba bận. Số tiền cho mỗi lần chốt đơn của ông rơi vào khoảng 800 – 1 triệu đồng.

Mọi lứa tuổi hiện nay đều có thể bị thu hút bởi việc săn hàng online. (ảnh minh họa – nguồn: Internet)

Mọi lứa tuổi hiện nay đều có thể bị thu hút bởi việc săn hàng online.

(ảnh minh họa – nguồn: Internet)

Kết quả từ cuộc khảo sát 24.000 người dùng Việt trên Shopee cho thấy, 57% người dùng cho rằng thường bị hấp dẫn trước các ưu đãi và mức giá tốt nhất. Trong số 57% người tham gia khảo sát nằm trong nhóm người dùng thích “Săn hàng giá tốt”, có 87% mua sắm online ít nhất 2 lần/tháng.

“Tôi mua sắm, nghĩa là tôi tồn tại”

Một thực trạng đáng buồn, hiện nay, nhiều người gần như bị lệ thuộc vào việc mua hàng online. Trần Vĩnh Phú cho biết: “Mỗi ngày, tôi đều xem trong giỏ hàng của mình, để biết được hôm nay có món hàng nào ưng ý bất chợt giảm giá hay không?”. Đối với Vĩnh Phú, anh cảm thấy buồn “khủng khiếp” nếu bị tuột mất những món đồ ngẫu nhiên được giảm giá mạnh vào một ngày nào đó: “Khi bạn tôi mua được cuốn sách với giá giảm 80%, tôi đã tiếc đến hai tuần liền, vì mình đã quên không “check” giỏ hàng ngày hôm đó.”

Đối với Nguyễn Xuân Quỳnh, ngày săn sale trùng với những ngày thanh toán nợ nần vào các tháng sau đấy. Cô cho biết, với mức lương của một nhân viên bảo hiểm, việc mua sắm lên đến 20 – 30 triệu đồng hoặc nhiều hơn, khiến cô phải sử dụng thẻ Visa hoặc áp dụng hình thức mua trả góp. Hiện nay, tổng số tiền Xuân Quỳnh đang nợ thẻ tín dụng, bạn bè và các trang mua sắm phải lên đến 80 triệu đồng: “Tôi hối hận nhất, có một lần, mình đã chốt đơn đặt cọc mua một chiếc xe máy đang được giảm giá 30%”. Vì một phút ngẫu hứng đặt mua, nên hiện giờ, cô phải trả gấp đôi tiền gửi xe, do bán xe cũ thì tiếc, bán xe mới thì giá chẳng bằng lúc cô mua.

Nghiện mua sắm để lại rất nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng. (ảnh minh họa – nguồn: Internet)

Nghiện mua sắm để lại rất nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng. (ảnh minh họa – nguồn: Internet)

Mua sắm không những gây nợ nần, mà trở thành “nỗi ám ảnh” với nhiều gia đình. Như chị Hoàng Thảo Vân, với sở thích “shopping” quá nhiều, mỗi đợt săn sale, chị phải tốn đến hàng trăm triệu cho những bộ quần áo, túi xách, giầy dép, nước hoa đắt đỏ. Việc này, trở thành niềm “ác cảm” đối với chồng chị, anh thường trách mắng vợ đã mua quá nhiều. Thậm chí, đỉnh điểm, hai người từng cãi nhau suốt một tuần, vì những đơn hàng của chị được giao đến liên tiếp. Chị tâm sự: “Hiện giờ, tôi chỉ dám cho shipper gửi hàng qua công ty hoặc nhà bạn bè, để hai vợ chồng khỏi xích mích”.

Đối với ông Phạm Thanh Xuân, mua sắm online đã khiến ông bị lừa nhiều lần. Ông chia sẻ, những cô người mẫu hoặc chủ cửa hàng khi livestream toàn đưa ra đồ thật, chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt. Nhưng khi nhận về, ví da là hàng nhái, thắt lưng “hàng hiệu” thì chưa dùng đã đứt móc. Thậm chí, một lần, ông đặt mua vàng qua mạng, chính nhân viên giao hàng (shipper) còn phải khuyên: “Cháu nói thật, chủ thuê thì cháu giao. Chứ làm gì có vàng thật, chú mua rồi chỉ mất công hoàn trả”. Mặc dù vậy, nhưng ông Xuân vẫn “mê” xem livestream và mua đồ qua mạng, vì: “Nghe họ nói rất thú vị, mẫu mã quảng cáo lại đẹp. Mười lần mua thì cũng có vài lần hàng đúng như mong muốn của tôi mà!”.

Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022, nước ta có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Trong đó, các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất lần lượt là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)…

Thống kê cho thấy có đến 78% người mua hàng trực tuyến là qua các website thương mại điện tử, 42% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… và 47% qua các ứng dụng mua hàng trên điện thoại di động. Đặc biệt, có đến 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động là công cụ đặt hàng, 48% sử dụng máy tính để bàn hay laptop.

Tỉnh táo trước việc mua hàng giá rẻ

Các nhà bán lẻ, trang mua sắm trực tuyến, có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí "gài bẫy" bằng chiêu quảng cáo. Nếu đã tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ mua được món hàng yêu thích với mức giá giảm sâu đáng kinh ngạc. Nhưng trong một vài trường hợp, với “tinh thần mua sắm” quá cao thì sẽ có những khoản tiền bị tiêu không đúng chỗ.

Sara Skirboll - chuyên gia mua sắm của RetailMeNot đưa ra lời khuyên dành cho người tiêu dùng là thay vì mở thêm các trang web mới nhằm phục vụ giải trí, thư giãn trên trình duyệt vào bất cứ khi nào cảm thấy buồn chán hay bồn chồn, hãy tự đặt ra quy định cho bản thân về vài khung giờ được phép mua sắm trực tuyến trong một tuần.

Sarah Pennells, chuyên gia tài chính tiêu dùng tại công ty tài chính Royal London khuyên rằng: “Đừng mua thứ gì đó vì nó rẻ, nếu bạn không cần nó, không thực sự muốn hoặc không có khả năng mua nó thì đó chỉ là một sự lãng phí tiền bạc”. Sarah khuyên các khách hàng nên dành một phút suy nghĩ, xem nếu mua một món đồ thì sẽ tiêu tốn bao nhiêu giờ làm việc.

Đọc thêm