Chén tân xuân hay “chén đắng”?
Trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, trung bình mỗi ngày có 2–3 ca ngộ độc rượu. Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, trong số các trường hợp có biểu hiện ngộ độc nhập viện điều trị có 160 trường hợp được xác định là ngộ độc rượu, bia.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định: “Số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên Đán và những ngày lễ hội mừng xuân. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methenol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên đang gây ra nguy hiểm khôn lường cho người dùng”.
Mới đây, một thiếu nữ 19 tuổi ở Sơn La được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau chầu rượu chúc tết. Được gia đình đưa đi cấp cứu, nhập viện hôm 7/2, xét nghiệm cho thấy cô gái trẻ không có methanol trong máu, tức không bị ngộ độc cồn công nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có thể bệnh nhân hôn mê và rơi vào tình trạng nguy kịch do uống quá nhiều rượu. Bệnh nhân phải thở máy và điều trị tích cực.
Người nhà cho biết con gái đi chúc Tết cùng bạn bè và uống rượu mừng năm mới, sau đó hôn mê ngay tại chỗ. Đến 9 tiếng đồng hồ không thấy cô tỉnh dậy, bạn bè mới gọi bố mẹ thiếu nữ đến đón và đưa đi cấp cứu. May mắn bệnh nhân hồi phục dần và vừa được xuất viện.
Cô gái trẻ là một trong số nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong những ngày nghỉ Tết. Theo các bác sĩ, phụ nữ thần kinh yếu hơn nam giới; khi say thường rơi vào trạng thái kích động và không kiểm soát được hành vi của mình.
Giống như nam giới, phụ nữ uống nhiều rượu có thể gây biến chứng về tiêu hoá, gan mật, thần kinh... Trong dịp Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong đó phần lớn là bệnh nhân ngộ độc rượu thông thường, hoặc do uống quá nhiều rượu gây ngộ độc.
Các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu bia. Ngày 11/2, thống kê của Bộ Y tế cho thấy so với Tết năm ngoái, năm nay tổng số ca khám và cấp cứu tăng 11%. Trong đó, say xỉn rượu bia là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hơn 50.000 ca tai nạn giao thông. Trong hơn 6.000 ca cấp cứu do đánh nhau, các bệnh viện cũng ghi nhận có rượu, bia là nguyên nhân khiến 611 người đánh nhau vào viện cấp cứu trong dịp Tết.
Loại thức uống được không ít đàn ông Việt coi là “đầu câu chuyện” ngày Tết này cũng khiến gần 900 ca ngộ độc. Ngoài ra, có hơn 45.000 ca khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông khiến gần 17.000 trường hợp phải vào viện điều trị và gần 200 trường hợp tử vong tại bệnh viện hoặc trên đường đi cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, rất nhiều ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, bị đa chấn thương, chấn thương sọ não nhập viện khi trong người vẫn còn nồng nặc hơi men, kích thích, nói lảm nhảm…
Đừng vin vào văn hóa để biện bạch
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được Bộ Y tế tiếp tục trình Quốc hội. Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2018, dự thảo này đã gặp phản ứng gay gắt từ phía các doanh nghiệp, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu.
Không ít ý kiến, trong đó có các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp lại “vin” vào cớ rượu là một nét “văn hóa”, “truyền thống” lâu đời của ông cha, thậm chí còn cho rằng rượu có tác dụng đối với sức khỏe để phản đối một số điều luật cũng như tên gọi của Luật.
Luồng quan điểm này khăng khăng, rượu bia không có tác hại mà phải uống đến mức “lạm dụng” thì mới có tác hại, do đó nên lấy tên gọi là Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Cụm từ “lạm dụng rượu bia” có thể khiến nhiều người dân hiểu sai là chỉ phòng chống việc lạm dụng, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng rượu bia.
Nếu uống thường xuyên, tích lũy nồng độ cồn thì sẽ gây ra nghiện, nhiều biểu hiện tay chân run rẩy, sảng rượu... Lúc này thì phòng ngừa không còn tác dụng nữa. Uống rượu bia chỉ cần quá chén mà chưa cần lạm dụng thì đã có thể gây tai nạn cho mình và người khác, hoặc gây rối trật tự, bạo hành…”.
Vì thế cần phải kiên quyết đối với dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, tức là phải có những điều luật với chế tài mạnh thì mới có tác dụng răn đe về mặt xã hội và chúng ta mới phòng ngừa được các tai nạn trong tương lai có thể xảy ra.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra các lễ hội, các cuộc gặp gỡ bạn bè nhân dịp đầu xuân năm mới. Nếu còn tình trạng lạm dụng rượu bia, chắc chắn vẫn sẽ có những ca ngộ độc rượu nhập viện hoặc là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, tiền bạc của gia đình bệnh nhân đồng thời đã sẽ tạo thêm áp lực cho các y, bác sĩ tại bệnh viện.
Người ngộ độc rượu thường có các dấu hiệu: thở nhanh và thở sâu, quan sát giống như khó thở (dấu hiệu quan trọng); có biểu hiện nhìn mờ, trường hợp nặng bị mù; đau đầu, chóng mặt; nôn, đau bụng; hôn mê; co giật; tử vong. Uống rượu nhiều, uống không kiểm soát không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn là nguyên nhân của hơn 200 bệnh khác nhau. Chính vì thế nên hạn chế tối đa bia rượu, trong trường hợp phải uống nên chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, xuất xứ đảm bảo.
Việc lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu, bia.