Đến thăm “thánh địa” sản xuất nước hoa hồng Ấn Độ

(PLO) -Suốt hơn 400 năm qua, kể từ thời đại của Hoàng đế Jahangir, thành phố Kannauj của Ấn Độ đã biết cách chưng cất hoa hồng để sản xuất ra nước hoa thượng hạng, nhưng ngày nay, ngày công nghiệp này đang lụi tàn…
 
Lối vào Kannauj, thành phố tinh chế nước hoa hồng Damask danh bất hư truyền của Ấn Độ
Lối vào Kannauj, thành phố tinh chế nước hoa hồng Damask danh bất hư truyền của Ấn Độ

Nước hoa nhân tạo đã đẩy các nhà chưng cất nước hoa rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và bị buộc phải đóng cửa – e rằng những mùi hương tự nhiên này có nguy cơ biến mất mãi mãi.

Nghề cha truyền con nối

Du khách khi đến với thành phố Kannauj có khi bỏ lỡ những dấu hiệu của cái khẳng định cho ngành công nghiệp chủ chốt của thành phố này. Nhưng xen giữa các xe hơi, xe tải và những cửa tiệm vỉa hè là những chiếc xe đẩy lèn chặt những sọt hoa và chúng nối đuôi nhau chui qua những cái cổng nhỏ của đô thị cổ.

20 năm trước, có khoảng 700 nhà chưng cất nước hoa ở thành phố Kannauj, ngày hôm nay còn không đầy 100. Những nhà xưởng chưng cất các loại nước hoa dựa trên dầu hoa, từ những loài hoa như hoa hồng, hoa nhài và hoa móng tay thông qua một kỹ nghệ chưng cất bằng hơi nhiệt. Chính quy trình sản xuất cầu kỳ và tinh xảo này mà làm gia tăng mùi hương của nước hoa, nhưng cũng tốn kém thời gian và cả nguồn lực để làm ra chúng. Phải cần tới 4 tấn hoa hồng tươi (hái bằng tay) cũng chỉ để sản xuất ra 1 kg tinh dầu hoa.

Cho các cánh hoa hồng tươi Damask vào ủ trong các chum đất
Cho các cánh hoa hồng tươi Damask vào ủ trong các chum đất 

Trước lúc bình minh, những bông hoa hồng Damask tươi đẹp đã được hái bằng tay trần trên các cành phủ đầy gai của chúng, sau đó được chuyển tới các lò chưng cất để sản xuất nước hoa ngay trong ngày. Tại các lò, hoa hồng tươi được đổ vào các khạp đồng lớn (tiếng địa phương là Dheg) với một lượng nhỏ nước lạnh.

Dưới các khạp đồng này là một lò đốt, giúp nước trong khạp đồng sôi trong vòng 4 đến 6 giờ đồng hồ. Nhiệt nóng của nước sôi làm phát tán các tinh dầu trong hoa hồng, đọng lại và chảy xuống những cái ống tre dồn đến bể chứa trung tâm. 

Chưng cất nước hoa là một cái nghề lắm sự công phu, nếu cái khạp đồng quá nóng thì mùi tinh dầu sẽ ám khói, nên khâu đánh giá nhiệt trong khạp đồng cũng rất quan trọng. Những bí mật chưng cất nước hoa vì thế không lộ ra bên ngoài mà truyền thừa từ cha sang con trai, và lưu truyền cho các thế hệ khác.

Theo ông Vev Bhav Pathak - quản đốc trẻ của lò chưng cất Muna Lal & Các con trai, thì nhu cầu tinh dầu hoa hồng đang cạn kiệt do giá cao nằm ở sự khan hiếm loại gỗ đàn hương. Dầu gỗ đàn hương chính là một dạng nước hoa, được dùng để pha trộn với dầu hoa hồng từ ngay trong các ống tre hứng chảy ra ở các khạp đồng.

Nghệ nhân đang lấy đất sét bịt kín miệng chum ủ hoa hồng
Nghệ nhân đang lấy đất sét bịt kín miệng chum ủ hoa hồng 

Cũng theo ông Vev Bhav Pathak, nạn phá rừng đã khiến chính phủ Ấn Độ cấm chặt cây gỗ đàn hương, khiến cho loại gỗ này trở nên “đắt buốt óc”. Lò chưng cất Muna Lal & Các con trai giờ đây cũng phải sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc paraffin rẻ hơn làm cơ sở cho dầu hoa, nhưng việc thay đổi mùi hương này đã gây phản ứng cho khách hàng – những người từng yêu thích tinh dầu đàn hương truyền thống. 

Hoàng đế Jahangir (1569-1627) đã có một bài viết trong cuốn tự truyện của mình mang tiêu đề Tuzuki Jahangiri rằng “Không có mùi hương nào đạt đến bình đẳng xuất sắc như hoa hồng…nó kích hoạt tinh thần và làm tươi tắn linh hồn”. Để sản xuất 1 kg tinh dầu hoa hồng (Ruh gulab) đòi hỏi cần gấp đôi lượng cánh hoa hồng tươi (8 tấn). Ngay tại lò chưng cất Muna Lal & Các con trai, giá sỉ cho 1 kg tinh dầu hoa hồng là 18.000 USD.

Ở Ấn Độ, có một số vị khách hàng giàu có vẫn mua tinh dầu hoa hồng  nhưng khách hàng nội địa lớn nhất của thành phố nước hoa Kannauj là ngành công nghiệp thuốc lá nhai. Dầu hoa hồng nguyên chất là một sản phẩm tự nhiên và rất an toàn khi được tiêu thụ bằng đường miệng, chỉ cần 1 giọt nhỏ dầu hoa hồng là đủ cho một lượng lớn thuốc lá.

Nhà vua Jahangir, người Ấn Độ đầu tiên nghĩ ra cách chưng cất hoa hồng thành nước hoa
Nhà vua Jahangir, người Ấn Độ đầu tiên nghĩ ra cách chưng cất hoa hồng thành nước hoa 

Ngoài Ấn Độ, một trong những thị trường nước hoa lớn nhất là Trung Đông, nơi mà nước hoa được chưng cất trong khạp đồng được đánh giá rất cao, có nhiều khách hàng rất muốn sở hữu nước hoa. Năm 2014, doanh số nước hoa hồng bán ở Ả Rập Xê Út đã đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD: trung bình 1 khách hàng xứ Ả Rập chi tiêu ước khoảng 700 USD/tháng để mua tinh dầu hoa hồng.  

Nỗi lo tuyệt tích nghề truyền thống

Mô tả về tinh dầu hoa hồng nguyên chất, khách hàng Hussah al-Tamimi, một quý cô xứ Cô-oét trạc tam tuần, tỏ vẻ hào hứng nói: “Mùi hương của nó khiến cho tôi có cảm giác như đang lạc bước vào vườn hồng, hay là cái mùi thơm dịu như thể tôi đang có mặt trong một cửa hàng bán hoa hồng. Nó rất tinh tế, một thứ mùi rất thiên nhiên”. 

Một trong những lý do khiến cho tinh dầu hoa hồng được người Hồi giáo (kể cả ở Ấn Độ và Trung Đông) nức nở khen ngợi, là nước hoa được chưng cất hoàn toàn từ chất liệu thiên nhiên và có thể phun trực tiếp lên cơ thể. Tinh dầu hoa hồng ở khu vực vùng Vịnh được đánh giá cao khi chúng để lâu năm, được các bậc cha mẹ tặng cho cô dâu chú rể trong ngày cưới cùng với trầm hương và vàng. 

Đến từ Cô-oét, chị Dalal al Sane, 31 tuổi, vui vẻ khoe: “Khi cha tôi muốn rẩy nước hoa lên tay mẹ tôi trong đám cưới của họ, ông đã đi du lịch tới Ấn Độ để tìm mua cho mẹ thứ nước hoa tốt nhất. Một số loại nước hoa mà mẹ tôi đang có ngày hôm nay, sẽ lại cho chúng tôi khi chúng tôi lấy vợ, lấy chồng”.

Công nghệ chưng cất nước hoa tinh xảo
Công nghệ chưng cất nước hoa tinh xảo

Nhưng ngay cả đàn ông cũng mê đắm nước hoa, dầu hoa hồng được xem là mùi của phái mạnh ở khu vực vùng Vịnh, sau đó phụ nữ thấy thích và bắt chước sử dụng theo. Chị Dalal al Sane giải thích: “Cha tôi hay phun nước hoa lên tay khi ông chào gia đình tại nhà, thường là phun lên ngón cái và ngón trỏ, phun như vậy nước hoa sẽ đọng lại trên tay khi ông ấy bắt tay với những người khác”. 

Mặc dù các thương gia Ả Rập đã buôn bán mùi hương gia vị và nước hoa trong suốt hàng thế kỷ, nhưng cũng phải đến đầu thập niên 1900 thì nước hoa Ấn Độ mới được buôn bán lần đầu tiên ở Cô-oét. Cửa hàng nước hoa đầu tiên ở Cô-oét có tên là Atyab Al Marshoud, được mở bởi ông chủ Sulaiman al Marshoud vào năm 1925, người này thường xuyên tìm tới các xưởng chưng cất nước hoa tại Ấn Độ cùng với ông thân sinh của mình.

Giờ đây người con của thương nhân Sulaiman là Waleed đang nối nghiệp cha, và tiếp tục duy trì mối quan hệ làm ăn có từ thời ông nội mình với các nhà chưng cất Ấn Độ. Ngày nay các cửa hàng nước hoa đã tràn ngập Cô-oét. Dầu hoa hồng từ Bungary và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá cao, nhưng chỉ tinh dầu hoa hồng từ thành phố Kannauj được thừa nhận là độc đáo nhất – 1 Tola (dụng cụ đo lường thời cổ tương đương 11,5gram) dầu hoa hồng được bán với giá 200 Dina Cô-oét (khoảng 650 USD) ngay tại cửa hàng  Atyab Al Marshoud

Sản phẩm cao cấp đòi hỏi chất lượng tinh khiết, và một số khách tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mức giá đó. Thương nhân Waleed Al Marshoud nhấn mạnh: “Tinh dầu hoa hồng càng khó đạt được thì nước hoa càng giá trị”. Không rõ thành phố Kannauj sẽ đủ khả năng cung cấp dầu hoa hồng được bao lâu nữa.

Sản phẩm nước hoa hồng Damask được bày bán
Sản phẩm nước hoa hồng Damask được bày bán

Ông Pushpraj Jain, chủ nhân lò chưng cất hương liệu Pragmati, giải thích: “Nhu cầu dùng nước hoa chưng cất từ khạp đồng đang dần bị teo lại. Ngày hôm nay, người ta đang chìm đắm trong các dòng nước hoa hiện đại, và tôi đang cải tiến để bắt kịp với xu hướng này”.

Bên cạnh đó, còn có mối lo ngại về sự biến mất của dầu hoa hồng trong tương lai ở thành phố Kannauj. Lò chưng cất Muna Lal & Các con trai không hề hoài nghi về chất lượng sản phẩm của đơn vị mình, người phát ngôn ở đây dẫn giải: “Sự khác nhau giữa nước hoa tổng hợp và nước hoa tự nhiên cũng như việc nấu thức ăn bằng lò vi sóng và nồi nấu bằng bếp củi”…/.

Đọc thêm