Trong những chuyến điền dã vùng cao, đôi khi tôi ngẩn ngơ trước hình ảnh những thiếu nữ dân tộc bên chiếc cọn nước. Thiếu nữ e ấp tuổi mười tám, đôi mươi điệu đà, duyên dáng đứng cạnh cọn nước, như chiếc bánh xe khổng lồ, bền bỉ quay, lấy nước, ập òa reo vui suốt đêm ngày thực sự là hình ảnh nên thơ khiến không ai có thể cầm lòng.
Cả nghìn bức ảnh đẹp đẽ như thế đã được các thợ săn ảnh chớp được, làm giàu thêm kho tàng ảnh nghệ thuật của mình. Thử hỏi vì đâu lại có hình ảnh đẹp và giản dị đó, mỗi người chúng ta phải quay về cuộc sống sinh hoạt của người Thái, người Mường, người Dao, người Tày, người Nùng... để tìm lời giải đáp.
Người vùng cao Hòa Bình nói rằng, cọn nước có thể đưa nước lên cao tới 8 mét, và nhờ có sự tiện lợi này, người ta có thể dẫn nước từ suối về đến chái nhà, để tiện cho sinh hoạt. Còn ở các thửa ruộng bậc thang, cọn nước là vật dụng chủ yếu để dẫn nước, làm nên những vụ mùa bội thu. Cọn nước được dùng quanh năm, nhưng bước vào mùa vụ mới, người dân thường tiến hành chỉnh sửa, hoặc làm mới cọn nước của gia đình để bắt đầu một mùa “vận hành” mới.
Phần lớn người dân tộc vùng cao, đã sử dụng cọn nước không nhớ nổi cọn nước có từ bao giờ, chỉ biết khi họ được sinh ra, người còn thấp hơn cây chuối non sau nhà thì đã thấy nó quay chậm chạp, đều đều và tạo ra tiếng nước chảy róc rách. Thế nhưng, kỹ thuật làm cọn nước thì họ nắm rất chắc, dù việc chọn nguyên liệu và cách thức làm hết sức công phu.
Tất cả vật liệu đều được lấy từ rừng, trước hết phải chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của cọn. Tiếp đó chọn những cây vầu già thân thẳng, nhỏ làm nang cọn. Tùy kích thước của cọn mà lựa số nang và độ dài, ngắn của nang cho phù hợp. Một chiếc cọn trung bình có từ 36 đến 40 nang, mỗi nang dài chừng 1 đến 1,5 mét. Người ta cũng lấy thêm nứa đan thành một tấm hình chữ nhật để làm cánh quạt cho cọn, đồng thời dùng những cây vầu già nhỏ dài để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay.
Kinh nghiệm dân gian cho rằng trục cọn, nang cọn và cánh quạt thường được làm bằng cây đã để khô. Mỗi lớp cọn buộc cố định hai chạc làm giá đỡ cọn. Một chiếc cọn tốt là sau khi làm xong, thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ nhàng để dễ vận chuyển lắp đặt và chuyển dời khi cần thiết, lại phải cân đối quay đều, tải nước tốt. Vì vậy người làm cọn phải có óc tưởng tượng tốt, có kinh nghiệm và tính kiên trì, tỉ mỉ trong khi thực hiện.
Nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ Sầm Văn Bình đã chỉ ra: “Những vòng xoay của cọn nước chứa đựng bao tìm tòi, trăn trở, gửi gắm bao ước vọng đổi đời, cha ông bước lên vững chãi với niềm say mê sáng tạo và khẳng định bản lĩnh làm chủ trên quê hương xứ sở của mình. Nếu như nói rằng công cụ bằng đồng ra đời gắn với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng thì cũng có thể nói rằng cọn nước chính là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng núi.
Cọn chính là một nét bản sắc văn hoá của đồng bào miền núi phía Bắc. Bên chiếc cọn thân thương, đã có bao đôi lứa nên vợ nên chồng sau những đêm trăng hẹn hò. Cọn cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết bản trên, làng dưới thêm thắm đượm. Mỗi khi mùa vụ đến, bà con lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về”.
Với người vùng cao, chiếc cọn nước cũng có tên, có tuổi. Tên của chiếc cọn nước thường gắn liền với tên khúc suối hay tên người khai sinh ra nó. Cho nên hình ảnh những chiếc cọn nước rất tự nhiên đã ám ảnh tuổi thơ của biết bao thế hệ. Mỗi chiếc cọn được sinh ra, người dân thêm một niềm vui có nước cho cánh đồng và thêm tự hào về bức tranh quê tiếp tục được điểm xuyết những nét chấm phá độc đáo không dễ có ở những vùng miền khác.
Cọn nước thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của đồng bào miền núi trong chinh phục thiên nhiên. Không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, cọn dùng sức nước để vận hành guồng đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Đã có lần, tôi đi dọc sông Vằng Kiu (huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn) và cảm nhận được sự cần thiết của những chiếc cọn trong việc lấy nước tưới cho những thửa ruộng khô hạn của người dân nơi đây. Và khi đã lấy được nước, tôi thấy khuôn mặt của người dân tươi rói với những nụ cười thoải mái. Điều đó như báo hiệu một mùa no ấm, sung mãn sẽ về với bà con