Hết thời tự do vi phạm vì phạt kiểu “gãi ngứa”
Số công trình xây dựng không phép, sai phép, sai thi công, qui hoạch thường chiếm hơn 60% số vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ở Thủ đô, trong đó ở các quận nội đô thì tỷ lệ này còn ở mức hơn 80%, thậm chí 90% (như trong quý I/2014).
Bên cạnh đó là hàng tỷ đồng phải tiêu tốn để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình sai phạm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian, kiến trúc, văn minh đô thị, hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước, tính nghiêm minh của luật pháp.
Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô qui định: “HĐND TP.Hà Nội được qui định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ qui định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng”.
Với cơ sở pháp lý quan trọng này, HĐND TP đã quyết định xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết với chế tài mạnh, tăng tính răn đe để thiết lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đô thị.
UBND TP lý giải, từ cân nhắc về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm, công trình vi phạm gây ra trong lĩnh vực xây dựng ở nội thành, UBND TP lựa chọn nâng mức tiền phạt đối với một số nhóm hành vi trong hoạt động xây dựng về điều kiện khởi công công trình; xây dựng không phép, sai phép, sai qui hoạch, thiết kế, biện pháp thi công được duyệt; tổ chức thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây lún nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật; không thực hiện ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của người có thẩm quyền.
Không phải ngẫu nhiên UBND TP lựa chọn các hành vi này để nâng mức xử phạt gấp hai lần so với qui định của Chính phủ. Căn cứ từ thực tiễn, đó là những hành vi vi phạm phổ biến, điển hình trong hoạt động xây dựng, khó khắc phục, xử lý do phức tạp và tốn kém.
Hơn nữa, những hành vi này gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn mà mức xử phạt theo Nghị định 121/2013 cũng “chưa đảm bảo tính răn đe” như trường hợp công trình xây dựng vượt 4-5 tầng, hàng nghìn mét vuông xây dựng trong khi giá giao dịch mỗi mét vuông đã gần trăm triệu đồng nhưng hành vi này chỉ bị phạt từ 20-30 triệu đồng (theo Nghị định 121/2013) thì sẽ khó ngăn chặn các hành vi cố ý xây thêm tầng, cơi nới trái phép sau này, nhất là trong khu vực nội đô.
“Đây là quyết tâm của TP trong việc răn đe, xử lý đối với những hành vi vi phạm có tính điển hình, gây bức xúc trong dư luận, mất mỹ quan đô thị và trật tự xây dựng ở nội thành Hà Nội” – UBND TP khẳng định về sự cần thiết để HĐND quyết cho xử phạt bằng hai lần mức tiền phạt đối với hành vi VPHC tương ứng trong Nghị định số 121/2013.
Chế tài mạnh ngăn “nọc” của văn hóa “độc”
Trên cơ sở tính chất, hậu quả nghiêm trọng, mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống, văn hóa, thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh và việc bảo tồn các giá trị văn hóa của Thủ đô, UBND TP cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng 40/195 hành vi trong lĩnh vực văn hóa để trình HĐND cho phạt gấp hai lần so với qui định trong Nghị định 158/2013 để đảm bảo môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh cho Thủ đô mà không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân tại các quận nội thành.
Đa số các hành vi vi phạm được “tuyển” vào danh sách phải phạt cao hơn qui định của Chính phủ đều có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân vì hệ lụy của chúng thường làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, nếp sống đạo đức xã hội và làm méo mó lối sống của giới trẻ, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Nhiều hành vi dễ bị lợi dụng để truyền bá văn hóa phẩm độc hại, lối sống đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục như các hành vi trong biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu…; những hành vi vi phạm qui định về nếp sống văn hóa hay bị trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của người dân, làm cho con người mù quáng, mất phương hướng, dễ bị kẻ xấu dẫn dụ có các hành vi sai trái.
Các hành vi thuộc nhóm vi phạm về điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng cũng là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết này. Theo UBND TP, hành vi kinh doanh trò chơi điện tử có tác động không hề nhỏ đến đời sống văn hóa của công chúng, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, dễ gây hiệu ứng trở thành “con nghiện” và buộc các “con nghiện” tìm cách thực hiên các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm pháp luật hình sự để “thỏa mãn cơn nghiện” như nhiều vụ trẻ chưa thành niên có hành vi cướp của, giết người, thậm chí sát hại cả người thân để có tiền chơi game gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Ngay cả hành vi không bảo đảm ánh sáng của vũ trường, nhà hàng karaoke cũng sẽ phải chịu mức phạt cao vì thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp ánh sáng mờ ảo ở các vũ trường, nhà hàng karaoke là điều kiện cho các hoạt động không lành mạnh, làm suy đồi đạo đức và lối sống của con người được diễn ra thuận tiện nên các tệ nạn xã hội chủ yếu xảy ra ở những cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường không lành mạnh, không bảo đảm đủ ánh sáng.
Cùng với đó, Dự thảo Nghị quyết cũng nhắm đến các hành vi dùng phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm như tổ chức múa thoát y, các hoạt động mang tính đồi trụy… tại các vũ trường, nhà hàng karaoke để phạt cao nhằm răn đe, ngăn chặn vi phạm…
Tại thời điểm hiện tại, Dự thảo Nghị quyết mới chỉ điều chỉnh 40 hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, song “Nghị quyết của HĐND TP có thể sửa đổi, bổ sung thêm các hành vi khác cho phù hợp điều kiện phát triển của Thủ đô nếu có sự thay đổi về qui định pháp luật, về đời sống văn hóa, các điều kiện kinh tế - xã hội” – UBND TP đề xuất.
* Phạt tiền đối với nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng đối với công trình đã bị người có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình như sau:
a) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị.
b) Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
(Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội qui định mức tiền phạt đối với một số hành vi VPHC trong lĩnh vực xây dựng).
* Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại vũ trường, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác, nhà hàng ăn uống, giải khát, nhà hàng karaoke.
(Khoản 4 Điều 14 Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội qui định mức tiền phạt đối với một số hành vi VPHC trong lĩnh vực văn hóa).