Ngày 16/1, ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) đã thông qua nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Phát triển Kinh tế số: Định hướng và giải pháp chính sách”. Đề tài do UEH chủ trì thực hiện, là phần quan trọng trong Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025”.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đóng góp cho sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vào ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đề tài không chỉ phân tích thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam, mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm định hình chính sách, tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi số quốc gia, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
|
GS. TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH, Chủ tịch Hội đồng. |
Đề tài xác định, hạ tầng số là “xương sống” của nền kinh tế số và cần đẩy nhanh quá trình xây dựng mạng lưới internet tốc độ cao, phổ cập công nghệ 5G, phát triển các trung tâm dữ liệu quốc gia đạt chuẩn quốc tế. Việc hiện đại hóa hạ tầng số không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp số như thương mại điện tử, tài chính công nghệ (fintech), mà còn hỗ trợ kết nối và ứng dụng số hóa trên toàn quốc, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Đây được xem là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân lực số cũng được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số. Đề tài nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo chuyên gia công nghệ số trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân là giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đảm bảo tính bao trùm và đồng đều trong chuyển đổi số. Đề tài đề xuất tích hợp kỹ năng số vào chương trình giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, đồng thời phát triển các chương trình đào tạo thực tiễn phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở. |
Cũng trong đề tài, hành lang pháp lý được xem là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy kinh tế số. Hành lang pháp lý cần linh hoạt, minh bạch và đồng bộ nhằm hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo. Đề tài khuyến nghị cải tiến chính sách quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ, và xây dựng khung pháp lý thử nghiệm công nghệ mới (sandbox). Những giải pháp này không chỉ đảm bảo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế, mà còn tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Hải Quang - Trường ĐH Công thương TP HCM đánh giá, đây là một đề tài công phu, tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Đề tài không chỉ phân tích thực trạng trong nước mà còn tham khảo kinh nghiệm phát triển kinh tế số từ một số quốc gia. Ngoài ra, nghiên cứu còn dự báo bối cảnh quốc tế và những tác động đến Việt Nam, đảm bảo kết cấu chặt chẽ, logic khoa học, và mang ý nghĩa thực tiễn cao.
|
GS.TS. Võ Xuân Vinh, Chủ nhiệm đề tài. |
GS. TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH, Chủ tịch Hội đồng đã đưa ra nhận xét tích cực về đề tài. Ông đánh giá cao chất lượng nghiên cứu, tính logic trong cấu trúc và ý nghĩa thực tiễn của đề tài, khẳng định đề tài đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Kết thúc cuộc họp, Hội đồng nhất trí thông qua đề tài và đánh giá cao giá trị thực tiễn cũng như ý nghĩa khoa học của báo cáo. Sản phẩm báo cáo kiến nghị được xác định sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV. Trong thời gian tới, đề tài sẽ tiếp tục được hoàn thiện và tiến hành nghiệm thu ở cấp Trung ương để đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi chính thức đưa vào áp dụng.
|
Các thành viên Hội đồng. |
Kinh tế số được định hình là một trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số tiên phong trong khu vực vào năm 2045.
Hội đồng đánh giá với sự tham gia của GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Hải Quang - Trường ĐH Công thương TP HCM, TS. Ngô Minh Hải - Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, TS. Bùi Hồng Đăng - Trường ĐH Công thương TP HCM, PGS.TS. Hồ Viết Tiến - UEH, PGS.TS. Từ Văn Bình - UEH và TS. Nguyễn Văn Tân - Trường ĐH Lạc Hồng.