Mỗi người cần là phiên bản tốt hơn của chính mình
Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS) mới đây, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đã có những chia sẻ sâu sắc về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và vai trò không thể thay thế của con người trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, ở thời điểm hiện tại, thế giới đang thay đổi quá nhanh. Vì thế, nếu không xây dựng khả năng tự học suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng ta sẽ trở thành người “vô dụng” trong tương lai. Ông lấy dẫn chứng ngay tại thời điểm này, Việt Nam có khoảng 2,7 triệu công nhân ở các khu công nghiệp rơi vào nguy cơ mất việc. Tại nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã sử dụng robot để thay thế con người. Hay một trong những nhà máy hiện đại nhất Việt Nam cũng đang sử dụng hơn 1.000 robot để lắp ráp ô tô. Không chỉ công nhân, những người có thể bị robot thay thế trong 5 - 6 năm nữa còn là những người được học hành, đào tạo bài bản, từng có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, nếu không chịu cố gắng và thay đổi. Đó là các nhân viên văn phòng, hành chính nhân sự. Thậm chí, 85% người làm kế toán có thể rơi vào nguy cơ mất việc trong tương lai.
Đối với ngành Giáo dục, trong vòng 7 năm nữa, giáo viên cũng sẽ chịu áp lực rất lớn vì bị AI và robot thay thế. “Không một giáo viên nào có thể quản lý học sinh tốt hơn AI. Chẳng hạn với bài giảng của AI, cứ 3 phút bài giảng sẽ dừng lại 1 lần. Nếu học sinh không trả lời được câu hỏi, bài giảng sẽ quay lại từ đầu. Hay kết thúc bài giảng sẽ có phần kiểm tra, nếu không đạt trên 70%, học sinh cũng phải học lại từ đầu. Để học được hết bài không còn cách nào khác, học sinh phải cố gắng tập trung”, ông Tiến nói. Ông khẳng định đây là thực tế đang diễn ra ở Việt Nam chứ không phải ở đâu xa xôi trên thế giới. Do vậy, ông Tiến cho rằng việc trở thành phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết, giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài.
Thực tế, đứng trước nguy cơ không ít nhân viên ngân hàng có thể mất việc trong tương lai, nhiều người “trong cuộc” cho rằng AI hay robot không thể thay thế được con người trong việc chăm sóc khách hàng. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Ngọc Anh bắt đầu công việc giao dịch viên ở ngân hàng TMCP V. Trong suốt 13 năm, chị đã xây dựng và duy trì mối quan hệ, chăm sóc hàng trăm khách hàng thân thiết, nắm giữ số dư huy động và dịch vụ lớn của đơn vị, xếp hàng TOP trong hệ thống. Chị Ngọc Anh chia sẻ, có những khách hàng dù được ngân hàng đối thủ chào mời, chăm sóc và hứa hẹn lợi ích lớn hơn nhưng nhiều năm nay vẫn duy trì tiền gửi ủng hộ chị vì “quý”. Cũng có những khách hàng bỏ qua những ngân hàng cách nhà chỉ vài bước chân, vẫn duy trì giao dịch chỗ chị Ngọc Anh vì “quen” và “thoải mái”. “Tôi tin robot làm được nhiều việc, nhưng không thể tạo ra được cảm xúc tin yêu cho khách hàng”, chị Ngọc Anh nhận xét. Những cô gái ngồi quầy giao dịch không chỉ đơn thuần làm nghiệp vụ thu, chi, hạch toán, mở sổ tiết kiệm hay tài khoản... Họ chính là điểm kết nối với khách hàng thông qua việc lắng nghe, chia sẻ và đôi khi là hỗ trợ về mặt cảm xúc. Nhờ đó, ngân hàng mới có khả năng giữ chân được khách hàng huy động, bán được các sản phẩm dịch vụ khác như tài khoản, thẻ, thanh toán quốc tế, bảo hiểm,...
Cùng quan điểm, Anh Giang - Giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng TMCP tại Hà Nội phân tích, hiện nay mô hình kinh doanh trực tiếp của các nhà băng chưa thể thay thế nhân sự tiếp xúc khách hàng như giao dịch viên,... bằng robot hay trí thông minh nhân tạo, bởi nhiều lý do. Đó là, lượng khách hàng giao dịch thuộc thế hệ 8x trở về trước hiện nay đang là lực khách hàng chính, cũng là những người đã có nền tảng tài chính tốt. Tâm lý của thế hệ này cơ bản đều có nhu cầu tương tác xã hội cao. Người già hay nói chuyện ốm đau, phụ nữ ưa nói chuyện con cái, đàn ông thích nói chuyện đất đai, chứng khoán,... hoặc đôi khi không cần dông dài, nhìn các “cô gái xinh đẹp” ngồi quầy là đã đủ vui.
Và cho dù ở lứa tuổi nào thì tâm lý con người đều có nhu cầu được thấu hiểu và quan tâm. Bằng giao tiếp xã hội, nhân viên ngân hàng mới tạo ra được những mối quan hệ và xây dựng tình cảm để giữ chân khách hàng cũng như bán chéo các sản phẩm dịch vụ như thẻ, tài khoản, bảo hiểm... Một điều quan trọng là hiện nay máy móc hay AI chưa có khả năng giải quyết, xử lý vấn đề linh hoạt, uyển chuyển như con người. Nguyên tắc của máy là input cho ra output nhưng ghi nhận input như thế nào là cả một vấn đề. Ngay cả đối với con người, trước cùng một sự việc giống nhau diễn ra trước mắt nhưng do khả năng cảm nhận, sự tinh tế và thấu hiểu của từng người khác nhau sẽ đưa ra những nhận định khác nhau. Dẫn đến phương án giải quyết vấn đề khác nhau.
Hơn nữa, đối với khách hàng nói chung, khi sử dụng dịch vụ đều sẽ có cảm giác thích được phục vụ, mà đứng trước máy móc và AI hiện nay, mọi người sẽ đều trở nên bình đẳng. Có một xu hướng rất rõ của các nhà băng hiện nay là xây dựng chính sách chăm sóc đặc biệt dành cho các khách hàng VIP, khách hàng ưu tiên - đối tượng mang lại thu nhập lớn cho ngân hàng với nhiều chương trình ưu đãi, chăm sóc đặc biệt. Theo đó, nhân sự phụ trách mảng khách hàng này cũng được tuyển chọn rất kỹ càng, có tiêu chuẩn về ngoại hình, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng nghiệp vụ và khả năng giao tiếp tốt.
Cuối cùng, liên quan đến các giao dịch tiền nong, hẳn khách hàng nào cũng cần tới sự yên tâm. Chẳng may trong quá trình giao dịch với máy móc, có sự cố hoặc lỗi xảy ra, khách hàng sẽ phải xử lý như thế nào? Hệ thống có ghi nhận lại không? Tìm ai giải quyết? Giải quyết như thế nào và bao giờ xong? Rất nhiều nghi ngại mà nếu thay bằng một giao dịch viên hay một kiểm soát viên ngồi quầy sẽ yên tâm hơn rất nhiều.
Người trẻ cần học và không ngừng tò mò
Theo ông Hoàng Nam Tiến, nếu như những con robot trước đây phải huấn luyện rất cẩn thận mới có thể làm được việc thì ngày nay, robot cũng có khả năng đặc biệt là tự học. Chúng có thể quan sát và học được tất cả những thứ tốt đẹp nhất của con người, thậm chí học được cả từ những sai sót. Những con robot này có thể làm tốt hơn con người rất nhiều lần và có thể làm việc 24/24 giờ, 7 ngày/tuần. Giá thuê những con robot này cũng chỉ khoảng 2,5 USD/giờ. “Do vậy, chỉ có việc học mới là nền tảng của thành công”, ông Tiến khẳng định.
Ông Tiến lý giải, điều đầu tiên mà con người cần duy trì chính là “sự tò mò về thế giới”. Theo ông, các công cụ như AI, Chat GPT hay Gemini có khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin cực kỳ nhanh chóng, vượt xa con người. Tuy nhiên, chúng không thể tự phát sinh sự tò mò, điều vốn là bản năng của con người. Sự tò mò chính là động lực để con người khám phá và tạo ra những điều mới mẻ. “Chúng ta phải luôn tò mò về thế giới này. AI, Chat GPT, Gemini có thể tìm kiếm thông tin rất giỏi, có thể tốt hơn con người rất nhiều, nhưng nó không thể tò mò về những thông tin đấy, không biết tò mò về thế giới này”.
AI từ việc điều khiển giao thông cho đến theo dõi người dân thông qua hệ thống camera giám sát, những gì từng chỉ tồn tại trong trò chơi giờ đây đang dần trở thành hiện thực. (Ảnh: Shutterstock) |
Điều thứ hai, ông nhấn mạnh rằng, trí tuệ nhân tạo đang chứng minh rằng nó đang bắt chước sự sáng tạo rất giỏi, nhưng nó không biết sáng tạo. Các thuật toán dù tinh vi đến đâu vẫn chỉ là kết quả của việc bắt chước và tổ hợp thông tin đã có, trong khi sáng tạo của con người xuất phát từ những ý tưởng nguyên bản và cảm hứng.
Cuối cùng, ông Tiến đề cập đến “trí tuệ cảm xúc” (EQ), một yếu tố mà máy móc không thể thay thế. Theo ông, trí tuệ cảm xúc giúp con người thấu hiểu, đồng cảm và xây dựng mối quan hệ, điều mà AI hoàn toàn thiếu. Trí tuệ cảm xúc không chỉ giúp chúng ta tồn tại mà còn tạo ra giá trị thực sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ông khẳng định.
Cùng đó, ông nhấn mạnh rằng dù công nghệ phát triển mạnh mẽ đến đâu, việc cầm một cuốn sách trên tay vẫn mang lại những giá trị không thể thay thế. “Đọc sách là sự chiêm nghiệm của mỗi cá nhân và AI không thể thay thế chúng ta làm việc đó”, ông Hoàng Nam Tiến nói. Bởi đọc sách là hoạt động không thể thiếu để bồi dưỡng tâm hồn và làm giàu có vốn tri thức trong mỗi cá nhân: “Biết đủ là một dạng trí tuệ hạnh phúc và thành công không đến từ việc có nhiều hơn mà đến từ việc là hài lòng với những gì bạn đang có”. Qua đó, ông chỉ ra rằng AI không thể rút ra được một câu nói nào đó bản thân tâm đắc. Công nghệ AI như ChatGPT chưa đạt tới trình độ hiểu và chiêm nghiệm sâu sắc những giá trị ẩn tinh thần chứa trong từng câu chữ.
“Rất nhiều người trong số chúng ta đang làm marketing, làm nhân sự, đào tạo, tuyển dụng đang bị những người giỏi sử dụng AI thay thế chúng ta. AI chưa bao giờ cướp việc của chúng ta, chỉ những người biết sử dụng AI sẽ thay thế chúng ta”, ông Tiến nhận định. Vậy làm thế nào để con người tồn tại và làm chủ thế giới mà không sợ sự lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo? Ông Tiến cho rằng, đó chính là sự kiến tạo, thay đổi của con người. Con người trong kỷ nguyên mới phải có những năng lực mới như: tư duy sáng tạo, tư duy dữ liệu, hiểu biết công nghệ, tư duy hệ thống, AI - Big Data, tiếng Anh…
Do đó, việc tự học suốt đời là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là những người trẻ. Trong đó, tư duy độc lập và năng lực phản biện là hai phẩm chất quan trọng nhất. Đây là hai yếu tố giúp con người trở nên khác biệt, không bị phụ thuộc vào những công nghệ tối tân mang lại. “Tôi tin rằng, thế hệ Gen Z và những thế hệ sau này sẽ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. Các bạn sẽ làm chủ được công nghệ và biến AI, robot trở thành ôsin, giúp việc cho mình trong thời kỳ mới”, ông Tiến nói.