Tâm tình của người con xa Tổ quốc
Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ ngày đặt chân về bờ, và hiện đã sang tới Ucraina, nhưng anh Ngô Văn Hải (SN 1967) vẫn chưa nguôi cảm xúc về chuyến đi Trường Sa kéo dài 11 ngày (18-28/4/2016) của mình. Những ngày đầu khi sang tới Ucraina, những dòng tin nhắn liên lạc về nước của anh hoàn toàn chỉ viết không dấu, thậm chí ngắt câu, xuống dòng cũng lỗi.
"Cày cục" mãi gần 10 ngày trời, anh mới "rón rén" gửi cho chúng tôi đoạn viết đầy cảm xúc của anh về cảm nhận sau chuyến đi, với lời "thanh minh" rất dễ thương: "Mình qua bên này mấy chục năm rồi, khu vực mình ở không có nhiều đồng bào người Việt, nên cũng lâu lắm rồi không viết bằng tiếng Việt có dấu. Phải ngồi lục lại trí nhớ và xem lại bảng chữ cái mãi, mỗi ngày mình viết được vài dòng, gần 10 ngày mới được như vậy đấy".
Những chuyến xuồng liên tục cưỡi sóng đưa khách trên tàu KN 490 vào ra thăm các điểm đảo. |
Và anh viết rằng: "Là một trong số những đứa con đã nhiều năm xa quê hương, hơn nữa lại là một người đặc biệt yêu mến Trường Sa, tôi vẫn thường ao ước có một lần được đặt chân đến tiền tiêu thiêng liêng của đất nước. Và sự may mắn tuyệt vời đã đến với tôi vào những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lần đầu tiên được đi biển, lại đến một nơi ý nghĩa như thế này nên trong tôi dậy lên vô vàn cảm xúc. Đặc biệt tôi đã thực sự xúc động khi lần đầu tiên đứng trước nơi những người con đã hy sinh thân mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Anh Ngô Văn Hải (Việt kiều Ucraina) nói rằng được tới với Trường Sa là sự may mắn và hạnh phúc mà anh từng mơ ước. |
Mỗi lần xuồng cập đảo là một lần tín hiệu từ đất liền tới gần với Trường Sa. |
Thực ra, nói là đoàn kiều bào ra thăm động viên các chiến sỹ, nhưng tôi lại cảm thấy hình như họ động viên lại mình thì đúng hơn, vì đi đến đâu chúng tôi cũng nghe các chỉ huy đảo và các chiến sỹ nói rằng: “Các anh, các chị, các cô, chú, bác hãy yên tâm. Chúng tôi ở ngoài này dù phải hy sinh, nhưng chúng tôi quyết tâm bảo vệ biển đảo và thềm lục địa của chúng ta đến cùng”.
Những lời nói này của các chiến sỹ khiến chúng tôi cảm thấy thêm ấm lòng và càng tin tưởng hơn vào tinh thần bất khuất của những người con kiên trung sẵn sàng xả thân để bảo vệ đất Mẹ yêu thương".
Còn Trần Thị Hồng Liên (Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại bang Tây Úc, Úc) có một thói quen kỳ lạ là thường xuyên lang thang khắp các mạn boong tàu KN 490, vào khoảng thời gian bất kỳ trong ngày.
Đêm rất muộn, có thể bắt gặp cô gái có dáng cao ráo này lui cui trên mũi tàu. Tảng sáng hôm sau, đã thấy Liên loay hoay ở trên boong chỉ huy. Trong tay cô không bao giờ thiếu chiếc máy ảnh.
Trần Thị Hồng Liên với những người lính hải quân trên đảo Sinh Tồn. |
Giọt mồ hôi trên gương mặt của những người lính trẻ đang canh giữ cột mốc Sinh Tồn hôm nay. |
Giọng văn viết gọn rất Tây, hóa ra ngoài việc đi thăm Trường Sa, thì Liên "tự thú"rằng: "Ngoài “sứ mệnh” mang Trường Sa tới gần đất liền hơn, người viết còn có một mục tiêu khác trong chuyến đi này là thu vào ống kính muôn trùng nước non.
Bởi vậy, ca bin chỉ huy tàu là nơi người viết thường lui tới để có được tầm quan sát tốt nhất, cũng như hỏi thăm các anh em thủy thủ về những gì có thể thấy trên đường và khi nào sẽ đi qua để chuẩn bị ống kính.
Dù câu hỏi được đưa ra vào lúc tờ mờ sáng, giữa ban trưa hay buổi xế chiều thì người viết luôn nhận được hướng dẫn chu đáo kèm nụ cười trìu mến của anh em".
Đã thành một Trường Sa trong cõi nhớ
Đoàn hành trình có 67 Việt kiều, thì bà Trương Kim Anh (SN 1948) là người đầu tiên bật khóc, nghẹn lời khi được mời phát biểu đầu tiên khi đứng trên Đá Lớn B, điểm đảo đầu tiên sau 48h hành trình liên tục mà hành khách được ghé thăm: "Tôi xin cúi đầu kính phục trước anh em chiến sỹ trên đảo".
Bà Trương Kim Anh, Việt kiều Mỹ, trên nhà giàn DK1. |
Chuẩn bị cơm trưa trên đảo Sinh Tồn. |
Người phụ nữa năm nay đã 68 tuổi, nguyên là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nguyên cố vấn đối ngoại cộng đồng người châu Á của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ này tỏ ra luôn là một người có trí nhớ tuyệt vời và kiến thức uyên thâm về luật pháp quốc tế, nên là người chuyên đặt ra những câu hỏi khó đối với các cán bộ, chiến sỹ Hải quân.
Vậy rồi, như bà kể lại, chính Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái là người đã khiến bà ngưỡng mộ. Thiếu tướng Thái sau khi nghe rất nhiều câu hỏi từ bà, đã mời bà gặp riêng, và trong buổi nói chuyện thân tình mà bà "không tiện kể chi tiết" đó, đã hoàn toàn thuyết phục bà kể cả kiến thức chuyên môn sâu về luật pháp biển quốc tế, sự am hiểu về Trường Sa, cũng như cách một người chỉ huy Hải quân hiểu những người lính canh giữ biển, đảo của mình cần những gì.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái trong buổi tưởng niệm những cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã hy sinh để bảo vệ nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. |
Đoàn công tác trong buổi lễ tưởng niệm. |
"Những ngôi nhà kiên cố hôm nay bà con kiều bào đang ngồi đây là những ngôi nhà thế hệ thứ 4. Như vậy mới biết các công trình ở các điểm đảo đã được cải thiện tốt hơn nhiều năm trước rất nhiều", Thiếu tướng Thái kể lại.
Đi xa hơn, ông nhờ các kiều bào có thể mở rộng các nguồn lực, các mối quan hệ, kêu gọi chất xám của kiểu bào để mở rộng các kho dữ liệu, bởi "các thềm san hô ở nhiều điểm đảo đang có dấu hiệu suy thoái. Có thể do biến đổi khí hậu, do chúng ta hoặc tác động của một ai đó khiến san hô, chẳng hạn như ở Cô lin - Len đao... thì ngày càng trắng xóa".
Phạm Trung Kiên, thành viên đoàn kiều bào về từ Singapore đang ghi sổ lưu niệm ở Đá Lớn B. |
Những chàng trai của đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc rời nhà giàn DK1/17, sau khi lắp đặt xong các thiết bị. |
Ông gợi ý: "Hoặc như các kiều bào về từ Mỹ, có thể luôn là một đại sứ sau chuyến đi này, để có thể có tiếng nói trực tiếp đến các thành viên quốc hội Mỹ, bởi đến nay ngay chính nước Mỹ cũng chưa chính thức tham gia Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982, chẳng hạn".
Trong chuyến ra biển cùng KN 490 lần này, có ông Nguyễn Phương Hùng (SN 1945), luôn lỉnh kỉnh bộ đồ nghề gồm máy ảnh, máy quay phim cùng chiếc điện thoại smart phone. Ít người biết, đến trước 2011, ông từng là một nhà báo chống chính quyền, Nhà nước CHXHCN Việt Nam "có hạng" ở hải ngoại, cho đến khi ông về Việt Nam lần đầu tiên năm 2011, rồi tự nhận ra rằng ông đã mất đi 36 năm "phí phạm" với tầm nhìn "thiển cận", như ông từng nói.
Luôn với thiết bị, đồ nghề gắn chặt bên mình, trong lần thứ 3 đến với Trường Sa này, ông Hùng tác nghiệp gần như không mệt mỏi so với tuổi tác của ông, khi xuống cập chân mỗi điểm đảo là đã thấy ông vừa quay vừa đọc thẳng vào máy: "Kính thưa quý vị và quý đồng bào, tôi đang có mặt tại đảo... Những hình ảnh các vị đang xem được phóng viên KBCHN ghi hình trực tiếp để chứng minh rằng...".
Và rồi ông phát biểu ngay tại Đá Lớn B: "Bất cứ lúc nào Tổ quốc cần, Lãnh sự quán kêu gọi, chúng tôi nguyện đem thân xác mình, của cải và sức lực để ủng hộ Tổ quốc".
Lá bàng vuông, quà của lính đảo gửi tới những tiếng hát từ đất liền tới với đảo Sinh Tồn. |
Ở Cô-lin, điểm đảo được ví như "đôi mắt thép" nơi tiền tiêu Tổ quốc. |
Chuyến đi Trường Sa này đã là thông điệp quá rõ ràng mà chúng tôi đã trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy về biển đảo của Việt Nam luôn vững vàng, để mang điều đó về Mỹ", ông Lê Văn Minh nói với phóng viên khi tàu KN 490 sắp kết thúc cuộc hải trình, vừa thả neo ở cửa biển Vũng Tàu chiều 27/4/2016.
Hình ảnh này chụp tại đảo Sơn Ca. Nhiều kiều bào đã ôm chặt lấy những người lính trẻ, vì họ đã được đi, để biết và hiểu thêm nhiều về Tổ quốc. |
Đôi mắt rưng rưng trước khi rời mỗi điểm đảo, bà Tạ Thị Kim Liên (Việt kiều Đức, SN 1963) kể lại rằng: "Tôi đã ôm hôn hầu hết các chiến sỹ và nghĩ rằng đó là con trai tôi".
Còn anh Ngô Văn Hải (Việt kiều Ucraina) thì thuật lại: "Gần 2 tuần sau chuyến thăm Trường Sa, trong tâm trí tôi vẫn in đậm hình bóng những ngôi nhà giàn, những người chiến sỹ rắn rỏi luôn ngày đêm ôm súng bảo vệ biển trời đất Mẹ. Hồn tôi vẫn hướng về nơi đó, nơi quê hương yêu dấu, nơi tôi yêu như yêu chính bản thân mình, gia đình mình."
(Còn tiếp)