Lời một người ở xa
Khi dòng nước ngọt đầu tiên chảy ra từ chiếc máy lọc nước ở DK1/17, dường như vị ngọt đã quá nhiều hơn sự sung sướng chảy òa, bởi đã 5 tháng nay trời không mưa ở bãi Phúc Tần.
Nguyễn Trung Kiên, thành viên đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc thuật lại khi đưa những tấm pin mặt trời, giàn rau xanh và chiếc máy hút độ ẩm tạo nước ngọt lên được cột mốc chủ quyền cheo leo ở thềm lục địa phía Nam: "Phải mất đến 2 tiếng đồng hồ, xuồng công tác đi vào rồi lại đi ra đến 4 lần mới cập mạn được chân nhà giàn, và những món quà ấy mới “bay” lên nhà giàn được đầy đủ và an toàn.
Đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc cùng với những cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/17. |
Giây phút nghẹn lời khi chúng tôi cùng các anh em nhà giàn kéo thành công những thiết bị nặng hàng trăm kg từ mặt biển lên độ cao hàng chục mét chỉ bằng sức người và một sợi dây ròng rọc. Sau tiếng đồng thanh "Zô ta – kéo" hệt như tiếng hò kéo pháo Điện Biên năm xưa, sau những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo, sau những giây phút hồi hộp đến tột độ khi dây ròng rọc bị tuột khỏi tầm kiểm soát và hàng rơi tự do trong giây lát…. là những nụ cười, những ánh mắt hân hoan, những niềm vui và hạnh phúc của cả chúng tôi - những người trao quà,và các anh – những người nhận quà.
Những mầm rau ươm trước trên tầu đã bị sóng biển mặn chát gằn gào làm héo úa trong quá trình di chuyển bằng xuồng. Chiếc máy hút độ ẩm không khí để tạo nước đã bị xước vài chỗ do phải “bay” lên nhà giàn, máy phát điện dùng năng lượng mặt trời cũng được nhà giàn “tô” thêm vài đường “kẻ mắt” bởi được “bay” trong sóng gió.
Nhưng tất cả đều hoàn thiện. Dàn rau hoạt động tốt; máy phát điện đã tận thu được ánh mặt trời tạo những dòng điện đầu tiên; máy hút độ ẩm đã cho những ca nước đầu ngọt lịm".
Tàu KN 490 đưa đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa tháng 4/2016. Ảnh: Văn Chính. |
Đó là ấn tượng của những người con đất Việt hiện đang ở Hàn Quốc, khi tiếp cận được Nhà giàn Dk1/17, bởi một năm trước, trên chuyến hành trình ra Trường Sa, họ đã phải khóc trên ca-bin khi sóng quá lớn, xuồng chuyển tải không thể tiếp cận chân Nhà giàn dù tàu đã neo xong.
Những bạn trẻ như Trần Hải Linh, Nguyễn Trung Kiên hay Phạm Hải Chiến... đã phải rơi nước mắt khi chỉ có thể tiếp cận và chia sẻ những lời ca, tiếng hát với những người lính đang trực ở nhà giàn qua sóng bộ đàm.
Thưởng thức ca nước đầu tiên được tạo ra từ chiếc máy hút độ ẩm không khí tạo nước ngọt trên nhà giàn. |
Chiều 26/4/2016, anh Phan Bá Bính (SN 1966), Việt kiều về từ Áo, tay lúi húi dúi vội gói quà mà anh thay mặt kiều bào ở Áo mang về Trường Sa, khi tàu KN 490 đã neo ở bãi Phúc Tần, nhưng sóng lừng khiến việc tiếp cận nhà giàn quá nguy hiểm, khiến số lượng khách có thể lên bị hạn chế: "Mang giúp anh lên đó, trao tận tay cán bộ, chiến sỹ tấm lòng của bà con ở Áo", khi đôi mắt anh sắp ầng ậc nước.
Thủ trưởng đoàn công tác số 6 - 2016 đã có một quyết định dứt khoát: "Ưu tiên những kiều bào có thể đảm bảo sức khỏe xuống xuồng chuyển tải, để mang quà lên". Toàn bộ những phóng viên đồng loạt lùi lại, cởi áo phao.
Khoảnh khắc tiếp cận "điểm sống và điểm chết". |
Những bước chân bước vội lên xuồng chuyển tải, mang theo những món quà mà họ đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó. Tiếng máy xuồng gào thét cưỡi sóng, lao về phía nhà giàn DK1/17, DK1/18.
Đã gần 30 năm nay, anh Bính xa Tổ quốc. Lần đầu tiên, anh được tới Trường Sa. Cũng lần đầu tiên, anh được tới với nhà giàn. Là một doanh nhân, thành viên Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Áo, quê ở Nghệ An, đã rất lâu rồi anh không phải làm việc nặng tay.
Cùng với túi quà mà anh mang theo về từ Áo, những kiều bào khác đã kịp dúi nhờ anh cầm thêm một chiếc bì xác rắn to, trong đó đựng thịt hộp, những bó rau tươi nhất còn gìn giữ được sau gần chục ngày hành trình trên biển, và những vật dụng cá nhân thiết thực nhất, mà các chị, các mẹ đã gói ghém rất kỹ.
Tay xách nách mang, chân anh bước vội xuống xuồng chuyển tải, khi những cánh tay trên boong KN490 vẫy chào chúc anh vượt sóng an toàn.
Nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam như "tổ chim" giữa trùng khơi. |
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (Trưởng đại diện của Tổ chức Quỹ cựu chiến binh Mỹ, Việt kiều Úc) từng băn khoăn tự hỏi tại sao lính nhà giàn luôn được "ưu tiên" đến vậy khi các chuyến tàu công tác tới đây?
Những con sóng bất chợt lừng lên, ở các bãi Phúc Tần, Ba Kè..., trên những chòi canh cao 30-35 so với mực nước biển, từ mặt nước xuống tới mặt san hô chừng 20m-25m, từ mặt san hô xuống đáy được cắm sâu 30m-40m những cọc ống, để dựng nên các nhà giàn canh thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, khẳng định những cột mốc chủ quyền, là nơi những người lính hải quân đang canh thềm lục địa, rất khó để tiếp cận do điều kiện sóng cực kỳ bất thường.
Với độ dốc thẳng đứng của các bậc thang leo ngược, nhà giàn không phải nơi dành cho những người yếu tim, sợ độ cao khi tiếp cận từ mặt biển, trên những chuyến xuồng chuyển tải luôn bập bềnh lên xuống phụ thuộc vào độ cao của sóng.
"Điểm sống và điểm chết"
"Chúng tôi mãi mãi khắc ghi tấm gương hy sinh anh dũng của thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó chính trị nhà giàn DK1/3. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng (...).
Phút lặng người khi tưởng niệm những cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã nằm lại ở thềm lục địa phía Nam tại bãi Phúc Tần, chiều 26/4/2016. |
Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8/1998 (...) với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng (...) nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ chiến sỹ bị hất tung xuống biển (...) chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng đã gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền" để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước đại dương", Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái gạt vội lên mắt trong buổi lễ tưởng niệm các đồng đội hy sinh vì nhà giàn chiều 26/4/2016. khi nhắc tới hàng chục cái tên từng nằm lại ở những bãi cạn ở thềm lục địa phía Nam.
Chuẩn úy Nguyễn Văn An quê quán ở Ninh Bình, vùng đất điệp trùng núi non trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, cùng quê với Đại tá, Chính ủy căn cứ 696 vùng 2 hải quân Đinh Văn Dũng. Ngày chia tay trước khi ra canh giữ nhà giàn vài tháng trước của năm 1998 định mệnh đó, anh An thực ra đã có một sự chọn lựa khác, một công việc khác.
Ngày đó, anh An mới cưới vợ. Ngày ra biển, trong buổi cơm muộn với anh Dũng, An nói rằng đi xong chuyến này để hoàn thành xong nhiệm vụ với Tổ quốc, là ra quân về lo việc nhà.
An mới cưới vợ trước khi ra biển chuyến cuối, và với điều kiện liên lạc thời đó, anh An không biết rằng vợ anh đã mang trong mình giọt máu thân thương của anh trước khi anh ra tới nhà giàn.
Những người đồng đội đang tưởng nhớ đến nhau. |
Chiều ngày 26/4/2016, trên bãi Phúc Tần, Đại tá Đinh Văn Dũng không giấu được đôi mắt đỏ hoe khi kể lại với anh Phan Bá Bính rằng, mãi tới 12 năm sau (2010), anh Dũng mới có thể đề nghị hỗ trợ xây dựng cho vợ con anh An một ngôi nhà riêng để trú mưa tránh nắng.
Ngày khánh thành, trời đang nắng bỗng đổ mưa như trút nước, nhưng khi lễ xong, trời Ninh Bình lại nắng như chưa từng có mưa. Ngày đại tá Dũng đưa một đoàn công tác ra tới Phúc Tần sau đó không lâu, sóng lừng lên khủng khiếp. Sau khi thầm khấn, chuyến công tác mà anh chỉ huy đã an toàn tuyệt đối, cập nhà giàn an toàn.
"Bước chân lên cầu thang nhà giàn, là điểm chết và điểm sống. Chỉ một giây ngần ngại, sóng lừng lên, chưa kịp rời thuyền chuyển tải là sóng sẽ ném bạn vào chân nhà giàn. Anh chỉ có duy nhất một sự chọn lựa khi đến với nhà giàn: hoặc rời thuyền, trèo lên ngay theo thang, hoặc đừng bao giờ vịn tay vào bậc cầu thang. Không có sự chọn lựa nào khác để sống sót khi thuyền cập chân nhà giàn, máy đã tắt, đang nương theo cơn sóng", đại tá Đinh Văn Dũng lý giải.
Để có những nhà giàn vững chãi giữa trùng khơi hôm nay, rất nhiều các anh đã hòa thân mình vào sóng biển. |
Trên độ cao 30m-35m so với mặt nước biển ở nhà giàn, trước mọi bão tố, phong ba, câu luôn được ghi rõ để in hằn vào quyết tâm của những người lính hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc: "Sẵn sàng hy sinh".
Trên diện tích chỉ vài chục mét vuông, hàng chục chiến sỹ, cán bộ luôn sẵn sàng đứng sát bên nhau trước mọi thử thách. Họ không có một sự lựa chọn nào khác là phải đối mặt với mọi khắc nghiệt tới từ thiên nhiên, trên cái "tổ chim" cheo leo đó.
"Đến được với nhà giàn luôn là những người may mắn", lời Chính ủy căn cứ 696 Đinh Văn Dũng. Sóng, gió và độ cao dựng đứng của các nhà giàn luôn không dành cho những người yếu tim. |
"Các đồng chí thượng úy Phạm Tảo, Trần Văn Là, chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền.... dã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình tìm kiếm, cứu vớt đồng đội mà không một chút ưu tư, suy tính.
Còn biết bao tấm gương cao đẹp của các đồng chí mà hôm nay chúng tôi chưa nói hết, kể hết được. Gương hy sinh của các đồng chí đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Hải quân", lời Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái vang lên trước khi vòng hoa tưởng niệm thả xuống trên biển ở bãi Phúc Tần.
Ở nơi đó, những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam đã lấy chính thân mình, lấy chính tên mình viết nên cột mốc chủ quyền Tổ quốc ở thềm lục địa phía Nam này.
DK1 là cụm Dịch vụ Kinh tế - khoa học -kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Trên khu vực biển Đông, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn. Khu vực biển DK1 có đáy là một bãi thoải từ bờ kéo ra đến độ sâu 200m. Từ độ sâu 200m trở ra, độ sâu của đáy biển biến đổi nhanh và có độ dốc rất lớn.
Có 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi Vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh. Các bãi này hình thành, phát triển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, cùng hướng phát triển của các cụm đảo trong quần đảo Trường Sa.
(Còn tiếp)