Vì sao chậm bàn giao trụ sở cũ?
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương nằm tại nội đô trên địa bàn 5 quận là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội). Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương di dời. Ngoài ra, hàng loạt trường học, bệnh viện, nhà máy khác cũng nằm trong quy hoạch phải di dời khỏi nội đô.
Hiện, nhiều đơn vị sau khi đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng vẫn “ôm” đất ở trụ sở cũ, không chịu “nhả” lại cho Hà Nội để thực hiện các công trình công cộng, cây xanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, trong 9 cơ quan đã được bố trí đất, chuyển trụ sở (gồm các Bộ: Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và môi trường (TN&MT), Khoa học và Công nghệ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc) thì 7 đơn vị vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ, trong đó có các Bộ: TN&MT, Khoa học và Công nghệ...
Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan Trung ương quản lý xong đến nay địa điểm này được chuyển cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sử dụng. Như vậy, đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được khu đất nào từ các bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, nhiều cơ quan lấy lý do chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, tức cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không nên đã xảy ra tình trạng chậm bàn giao trụ sở cũ.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm trễ di dời trụ sở là do nhu cầu vốn ngân sách để xây dựng trụ sở mới rất lớn nhưng chưa được bố trí đầy đủ; chưa có phương án huy động nguồn lực xã hội để xây dựng.
Bên cạnh đó, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Hà Nội với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.
Di dời trụ sở có giảm tải dân số?
Theo ông Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô thì sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang rất thiếu, đồng thời kéo theo khoảng 100.000 người di chuyển ra khỏi khu vực nội đô. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành thì kế hoạch di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học trong nội đô mới sớm đạt được kết quả.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Đặc biệt, không nên sử dụng diện tích trụ sở cũ để xây dựng văn phòng, chung cư. Bởi như vậy sẽ càng gây áp lực lớn đối với hạ tầng nội đô.
Theo các chuyên gia quy hoạch, cần thực hiện theo nguyên tắc không thu hút thêm dân số, lao động so với trước khi trụ sở được di dời. Cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải hạ tầng cho khu vực nội đô, tạo quỹ đất xây dựng không gian xanh, thoáng cho nội đô như công viên, quảng trường…
Trụ sở ban, ngành Hà Nội di dời cũng “vướng”
8 sở, ngành của Hà Nội được xây dựng tại khu liên cơ Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Tuy nhiên, vừa chuyển sang làm việc được vài tháng thì mới đây có hai đơn vị xin được chuyển lại trụ sở cũ làm việc. Cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất được tiếp tục sử dụng trụ sở cũ tại 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), còn Sở TN&MT đề nghị được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 18 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa). Lý do các sở này đưa ra là để phục vụ công việc được tốt hơn. Trong khi một số người dân đến trụ sở liên cơ làm việc thì phàn nàn thiếu không gian để xe, hạ tầng chật chội.