Đi du lịch kết hợp thưởng thức nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công khai thác các giá trị nghệ thuật đặc sắc trở thành những sản phẩm du lịch hút khách. Còn tại Việt Nam, mô hình du lịch trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật vẫn còn khá non trẻ, là “mảnh đất” đầy tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết.
Dân ca Quan họ làm nên một nét đặc trưng của du lịch Bắc Ninh. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Dân ca Quan họ làm nên một nét đặc trưng của du lịch Bắc Ninh. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống vào du lịch

Câu chuyện gắn kết giữa du lịch và nghệ thuật, đặc biệt các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhằm phát huy hiệu quả mối quan hệ đôi bên cùng có lợi đã được ngành Văn hoá và Du lịch tính tới nhiều năm qua. Bên cạnh việc quảng bá các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc và đất nước, sự kết hợp này còn đem lại nguồn lợi kinh tế từ du lịch. Cụ thể, thông qua các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, du lịch địa phương có thêm sản phẩm đặc sắc, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Thông qua hoạt động du lịch sôi nổi, các loại hình nghệ thuật, nghệ sĩ có cơ hội để tiếp cận đông đảo khán giả, giới thiệu và lan toả văn hoá truyền thống, đồng thời có thêm nguồn thu để tái đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị.

Có thể nói, trải dài suốt dải đất hình chữ S từ đất mũi Cà Mau đến nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, mỗi vùng, miền đều có những loại hình văn hóa đặc trưng, có thể trở thành một loại hình du lịch nghệ thuật đặc thù để hấp dẫn du khách thập phương. Đơn cử, xứ Kinh Bắc nổi tiếng với dân ca Quan họ. So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví, giặm, tuồng, cải lương... thì hát Quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất, tuổi thọ khoảng hàng ngàn năm. Theo đó, du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ cũng chính là điểm khác biệt, là thế mạnh nổi bật của tỉnh Bắc Ninh, với trên 300 làng dân ca Quan họ thực hành để du khách đến ghé thăm và thưởng thức, tìm hiểu về Quan họ miễn phí.

Nếu về Phú Thọ để nghe hát Xoan thì tại đây cũng có nhiều câu lạc bộ hát Xoan do các nghệ nhân tâm huyết gìn giữ, truyền thụ hồn cốt của loại hình âm nhạc từ xa xưa này. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ cũng luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn di sản hát Xoan gắn với phát triển du lịch. Tỉnh đã xây dựng nhiều tour du lịch gắn với hát Xoan tại thành phố Việt Trì với sự tham gia của nhiều nghệ nhân đến từ 4 phường Xoan gốc như: kết hợp tham quan Đền Hùng với trải nghiệm hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn - nơi phát tích nguồn Xoan cổ; thưởng thức hát Xoan tại Đình Hùng Lô gắn với tham quan và trải nghiệm đặc sản làng nghề…

Đi vào miền Trung, có thể nhắc tới một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay, đó chính là ca Huế trên sông Hương. Có người từng nói rằng nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Vì thế, du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú thưởng ngoạn những đền đài lăng tẩm Huế, đều mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để thưởng thức những làn điệu ca Huế ngọt ngào sâu thẳm trên dòng sông thơ mộng.

Bước tới vùng Tây Nguyên cũng có loại hình nghệ thuật độc đáo “có một không hai” - cồng chiêng Tây Nguyên - giữa núi rừng bạt ngàn. Ghé vào miền Tây Nam Bộ lại có đờn ca tài tử. Đã từng có thời điểm, hoạt động đờn ca tài tử rộ lên trong các khu du lịch, du thuyền, nhà hàng, quán ca cổ… ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt sau khi loại hình này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013.

Không chỉ những vùng đất có “đặc sản” riêng về các loại hình biểu diễn nghệ thuật, những trung tâm du lịch trong nước cũng tổ chức các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp để phục vụ du khách. Đơn cử, đến vùng đất di sản Hội An, Quảng Nam, du khách có thể trải nghiệm thưởng thức những câu hò điệu lý, những điệu múa dân gian cùng với loại hình âm nhạc truyền thống biểu cảm của sáo, nhị, bầu… vừa mang đặc trưng văn hoá miền trung vừa mang âm hưởng riêng của Hội An. Các show diễn thực cảnh như Ký ức Hội An (Hội An), Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội) được đầu tư rất công phu, tỉ mỉ, với hàng trăm diễn viên tham gia trình diễn, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật dân tộc vào cảnh quan địa phương, tạo nên màu sắc trải nghiệm độc đáo, gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách.

Có thể thấy, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc có thể nâng tầm các tour du lịch thành những sản phẩm đặc biệt, hấp dẫn, mới mẻ hơn, kéo theo lượng khách đổ về đông hơn. Trong khi đó, nhu cầu từ nhiều du khách đi tham quan, khám phá vùng đất mới kết hợp với thưởng thức loại hình nghệ thuật hay chương trình biểu diễn của nghệ sĩ họ yêu thích, là tiềm năng khó thể bỏ qua. Bên cạnh việc đi du lịch để thưởng thức nghệ thuật, tham gia gia sự kiện nghệ thuật, du khách còn chi tiêu cho chỗ ở, giải trí và đồ ăn thức uống khi họ đến thành phố, đóng góp cho ngành du lịch tại điểm đến.

Biểu diễn múa rối nước là sản phẩm nghệ thuật hút khách của Thủ đô. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Biểu diễn múa rối nước là sản phẩm nghệ thuật hút khách của Thủ đô. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Cần phát huy thế mạnh của từng địa phương

Nếu được quan tâm đúng mức và đầu tư bài bản cho hoạt động du lịch, chắc chắn hình ảnh du lịch gắn với các loại hình nghệ thuật truyền thống có thể trở thành thương hiệu hấp dẫn của từng điểm đến tại Việt Nam. Để hiện thực hoá điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Văn hoá và Du lịch cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của những người sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh du lịch.

Ví dụ điển hình có thể kể tới nỗ lực của Thủ đô Hà Nội đưa nghệ thuật truyền thống vào hoạt động du lịch. Đó là loại hình biểu diễn múa rối nước tại các điểm đến như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, điểm biểu diễn rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long, phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh)… đều có sức hút nhất định với du khách, đặc biệt du khách nước ngoài. Trong đó, Nhà hát Múa rối Thăng Long là điểm đến thành công nhất khi từng giữ kỷ lục “là nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước liên tục 365 ngày trong năm trong thời gian lâu nhất”.

Để phát huy giá trị các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống khác, ngày 6/12/2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3206/QĐ-BVHTTDL về việc “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Bộ cũng giao Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai các nội dung: Tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh và nghệ thuật đương đại, nghệ thuật truyền thống gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch.

Theo thông tin từ cuộc họp giữa lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn với đại diện 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ để triển khai quyết định trên, có hai nhóm sản phẩm nghệ thuật được xây dựng. Thứ nhất là sản phẩm sân khấu thực cảnh diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long với thời lượng khoảng 60 phút, huy động sự hợp lực của các tác giả, đạo diễn tên tuổi cùng lực lượng nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ. Thứ hai là các chương trình biểu diễn sân khấu có thời lượng từ 40 - 45 phút được tổ chức tại các địa điểm chung quanh phố cổ. Tiêu biểu như: Nhà hát Cải lương Việt Nam dự định thực hiện chương trình biểu diễn tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm) dựa trên hình thức sân khấu tương tác bốn mặt; hay Nhà hát Tuổi Trẻ với ý định sẽ tận dụng không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông để kể câu chuyện về Hà Nội…

Như vậy, có thể thấy, nhiều địa phương ở Việt Nam đã và đang có những định hướng, chiến lược phát huy các thế mạnh để phát triển du lịch nghệ thuật. Nhưng đáng tiếc, đến nay dường như vẫn chưa có nhiều chương trình nào thật sự “bùng nổ” trở thành “lực hút” đông đảo du khách cả trong và ngoài nước. Phần lớn các chương trình nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng, chỉ là một phần trải nghiệm trong các tour du lịch khác tại địa phương. Muốn thu hút du khách đến thưởng thức nghệ thuật, yếu tố hay, hấp dẫn, mới mẻ vẫn chưa đủ. Ví dụ, khách du lịch quốc tế khi tham gia trải nghiệm nghệ thuật thường không chỉ thưởng thức mà còn muốn có thêm hiểu biết về loại hình đó. Để phục vụ họ cần có những hệ thống thuyết minh song ngữ, đa ngữ, cùng với tương tác thú vị, giàu tính trải nghiệm. Tuy nhiên, các chương trình nghệ thuật hướng đến du khách ở nước ta hầu như chưa bảo đảm được yếu tố này. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề còn ở chỗ phải kiến tạo môi trường kết nối chặt chẽ giữa những người làm văn hóa và người làm du lịch.

Đọc thêm