Kể từ năm 2012, khi Campuchia với tư cách là nước chủ nhà cản trở hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước Asean họp tại đó thông qua tuyên bố chung khiến cho lần đầu tiên trong lịch sử Asean có hội nghị bộ trưởng ngoại giao thường niên kết thúc mà không có tuyên bố chung, đã hình thành một cách ngẫu nhiên nhận thức về tiêu chí đánh giá hội nghị có thành công hay không ở chỗ có thông qua được tuyên bố chung hay không. Theo đó thì hội nghị bộ trưởng ngoại giao vừa rồi của các nước Asean được đánh giá là có kết quả vì cuối cùng cũng đã thông qua được tuyên bố chung.
Trên danh nghĩa thì như vậy, nhưng nếu nhìn vào thực chất thì lại không hẳn được như vậy. Bản tuyên bố chung thông qua ở Viên Chăn cứu vãn được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Asean nhưng đồng thời không che đậy được thực tế là nội bộ Asean vẫn bất đồng sâu sắc trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Một vài nước thành viên Asean, đi đầu xem ra vẫn lại là Campuchia, trên thực tế đã bảo vệ lợi ích của Trung Quốc chứ không phải lợi ích chung của Asean. Các nước này không những không bị Trung Quốc trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia thông qua đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông mà còn dường như đã chẳng khác gì bị mờ mắt trước sự tranh thủ có bài bản của Trung Quốc. Vì thế, họ đã xem nhẹ trách nhiệm của họ đối với Asean nói chung và đối với một số thành viên Asean nói riêng.
So với thời điểm năm 2012, chuyện liên quan đến khu vực Biển Đông năm nay đã rõ ràng hơn rất nhiều cả về chính trị lẫn pháp lý quốc tế. Tòa án trọng tài thường trực của LHQ (PCA) trong phán quyết về vụ kiện của Philipin đã bác bỏ hoàn toàn mọi yêu sách mà Trung Quốc đã nêu ra ở khu vực Biển Đông.
Phán quyết này của PCA đã bóc trần tính phi pháp và ý đồ đen tối của Trung Quốc trong những hành động đã làm ở khu vực Biển Đông. PCA đã xác lập cơ sở pháp lý quốc tế ở khu vực Biển Đông.
Vậy mà cả phán quyết của PCA lẫn sự đề cập đến Trung Quốc đều vắng bóng trong tuyên bố chung của hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Asean vừa qua ở Lào. Nhìn riêng từ giác độ này thì không thể nói hội nghị này đã thành công trên phương diện này.
Asean lại một lần nữa dĩ hòa vi quý, vì bảo tồn sự đoàn kết thống nhất nội bộ mà lẩn tránh trách nhiệm phải thể hiện thái độ và quan điểm chung về những gì mới xảy ra ở khu vực và liên quan đến khu vực. Nguyên tắc hoạt động lâu nay của Asean là đồng thuận và ở hội nghị này đã một lần nữa cho thấy sự đồng thuận ấy đã cản trở bước tiến chung của Asean.
Trên thế giới, có lẽ không có tổ chức hợp tác và liên kết khu vực nào thấm thía tình cảnh trở thành con tin của chính nguyên tắc hoạt động của mình như EU. Không phải trong tất cả các chuyện, nhưng trong nhiều chuyện, EU áp dụng nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối khi quyết định, tức là mọi thành viên đều có quyền phủ quyết. EU đã nhiều lần phải trả giá rất đắt cho tình cảnh này. Nếu muốn khắc phục nó thì EU phải làm cả cuộc cách mạng thực thụ về nhận thức, pháp lý và thể chế.
Việc này rất khó, khó đến nỗi tới tận bây giờ nó vẫn bất khả thi đối với EU. Nhưng nếu không tiến hành cuộc cách mạng này thì tính bất cập và lỗi thời càng bộc lộ rõ và gây tác động càng tai hại đối với EU. Cũng chính vì thế mà Brexit, tức là nước Anh ra khỏi EU, đánh dấu bước chuyển giai đoạn đối với EU.
Bài học mà EU thấm thía là tổ chức chỉ có thể mạnh và có tương lai khi các thành viên đóng góp một cách đầy trách nhiệm cho sự phát triển chung của tổ chức chứ không chỉ nhằm vào có lợi dụng tổ chức cho lợi ích của họ và của các đối tác riêng của họ…