Dì làm giả giấy tờ, vu khống cháu chiếm đoạt tiền từ thiện?

(PLO) - Đang là sinh viên đại học, Vũ Ngọc Dương (SN 1987, ngụ phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị dì họ làm giả giấy tờ, vu khống chiếm đoạt tiền tài trợ của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo huyện Đông Anh. Sau hai phiên tòa, chàng trai bị kết án 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 
Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương
Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương

Gần 5 năm, cuối tháng 3/2016, Dương nhận quyết định đình chỉ điều tra. Nhưng nửa năm nữa trôi qua, gia đình Dương không nhận thêm phản hồi nào của cơ quan chức năng.

“Bỗng dưng” bị tạm giam

Ông Vũ Ngọc Long (SN 1962, cha Dương) kể gia đình chỉ có người con trai độc nhất nên dành hết tình yêu thương. Dương theo học khoa tài chính ngân hàng của một trường đại học, từ năm thứ ba đã làm cộng tác viên tại một ngân hàng. 

Thời gian này, nam thanh niên thường sang nhà vợ chồng chú họ tên Nguyễn Văn Hiển (SN 1983) và Dương Diệu Thu (SN 1981, ngụ quận Ba Đình) trò chuyện. Trong dịp sang nhà ngoại ăn tân gia, ông Hiển cho Dương vay 50 triệu đồng, lãi suất 3 ngàn đồng/triệu/tháng để tiêu xài, mua xe máy. Việc này bố mẹ Dương không biết.

Đến ngày 1/8/2009, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi Dương vay lên tới 133 triệu đồng. Đến hẹn nhưng thấy cháu không có khả năng trả nợ, bà Thu nhắn tin hẹn gặp ông Long nói chuyện, cho biết việc Dương vay tiền, nếu không trả sẽ đưa ra pháp luật. 

Ông Long thắc mắc tại sao vợ chồng em họ cho cháu vay nhiều tiền như trên lại không thông qua gia đình, nên không đồng ý trả nợ thay. Từ đó hai bên mâu thuẫn.

Bẵng đi một thời gian, gia đình Dương hay tin Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo huyện Đông Anh làm đơn tố giác Dương về hành vi chiếm đoạt 100 triệu đồng. Ngay sau đó, Công an huyện Đông Anh dẫn Dương về Công an phường Thổ Quan, đọc lệnh bắt giữ. Cả gia đình ông Long ai nấy đều bất ngờ. 

Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 7/2011, Dương bị Công an huyện Đông Anh tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài sản. Tại CQĐT, nam sinh viên khai không quen biết cán bộ Hội chữ thập đỏ nào.

Thậm chí khi người tố cáo đưa ra đơn xin gia nhập Hội được cho là của Dương, thanh niên này vẫn khẳng định không hề làm những giấy tờ trên, cũng không nhận tiền của Hội chữ thập đỏ, mà chỉ vay của vợ chồng chú họ 50 triệu đồng.

Tại bản tường trình, Dương trình bày: Cuối tháng 10/2010, có 3 người tự giới thiệu công tác tại Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo huyện Đông Anh đến nhà đưa một số giấy tờ, trong đó có đơn xin tình nguyện gia nhập Hội và mặc nhiên cho rằng Dương là thành viên trung tâm. 

“Tôi rất bất ngờ với những thông tin trên vì chưa biết đến trung tâm nhân đạo nào, cũng không tham gia hội nhân đạo nào. Sau đó, ba người trên mời tôi sang trung tâm với lý do tôi giữ tiền của hai công ty ủng hộ trung tâm. Tôi không đồng ý vì không biết chuyện gì xảy ra”, Dương khai tại CQĐT.

Sau đó vài ngày, hai trong ba người lần trước lại đến gặp Dương mời sang trung tâm làm việc, nếu không sẽ trình báo công an. Lúc này Dương cho biết rất bức xúc vì tự nhiên bị “vu oan giá họa”, còn muốn công an làm rõ sự việc trả lại danh dự cá nhân. 

Sau khi con trai bị tạm giam, ông Long làm đơn nộp tiền bảo lãnh và nộp 300 triệu đồng nhưng công an yêu cầu ông Long viết giấy nộp tiền với nội dung “khắc phục hậu quả”. Ngày hôm sau, CQĐT đưa ra 3 tờ giấy vay nợ với tổng số tiền 197 triệu đồng.

Không đồng tình, ông Long đề nghị giám định chữ kí trong các giấy vay nợ. Kết quả giám định của Phòng kĩ thuật hình sự Công an TP Hà Nội kết luận các giấy tờ trong hồ sơ tố cáo là của Dương.

Vu khống cháu để đòi nợ?

Đến ngày 21/11/2012, Dương bị TAND TP Hà Nội tuyên mức án 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo kháng án kêu oan nhưng TAND Tối cao tại Hà Nội sau đó giữ nguyên bản án sơ thẩm. 

Bị cáo liên tục kêu oan. Gia đình Dương đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. 

Mãi đến tháng 11/2014, VKSND Tối cao mới có công văn gửi tòa án, Công an Hà Nội đề nghị tạm hoãn thi hành án với Dương (thời điểm này Dương đã ngồi tù 4 tháng). Từ đó chàng trai mới có cơ hội minh oan.

Kết luận điều tra sau đó đã làm rõ, vụ việc xuất phát từ việc Dương vay của vợ chồng ông Hiển, bà Thu 50 triệu đồng nhưng chưa trả. Không đòi được tiền, bà Thu cấu kết với Nguyễn Thị Thanh Vân thực hiện hành vi làm giả giấy tờ tài liệu, vu khống cho Dương chiếm đoạt tiền tài trợ của Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh - nơi bà Thu đang công tác với mục đích đòi lại số tiền người cháu đã vay.

Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương và bản tường trình của Dương tại CQĐT.

Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương và bản tường trình của Dương tại CQĐT.

Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Vân đã tạo dựng được một bộ hồ sơ giả gồm hai phiếu chi, mỗi phiếu chi 50 triệu đồng, tổng cộng là 100 triệu đồng của 2 công ty tài trợ tiền cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, có chữ ký nhận tiền của Dương.

Các đối tượng cũng làm giả các giấy tờ pháp nhân chứng minh Dương là tình nguyện viên của Trung tâm. Sau đó, Trung tâm này đã làm đơn tố cáo Dương.

Khi điều tra lại vụ án này, CQĐT VKSND Tối cao đã gửi toàn bộ giấy tờ mà các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây lấy làm căn cứ kết tội Dương đến Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng để trưng cầu giám định lại. Kết quả, đây là giấy tờ giả, không phải do một người viết ra.

Sau đó, bà Thu và bà Vân đã khai nhận hành vi làm giả giấy tờ tài liệu. Các đối tượng đã nộp lại 122 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. 

Bi kịch nối tiếp

Trao đổi với PV, ông Long cho biết việc con trai vướng vòng lao lý khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Ngày con trai bị bắt, người thân hàng xóm đều bất ngờ xen lẫn ngờ vực. Ông Long phải chạy đi nhiều nơi thanh minh, làm đủ đơn thư kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng:

“Từ nhỏ, cứ mỗi lần sinh nhật, Dương lại được cho một khoản tiền tiết kiệm. Đến khi lớn, số tiền Dương có khoảng 50 triệu nên đi mua chiếc xe SH cũ, không ngờ đó là xe trộm cắp. Sau đó, Dương trả lại nhưng cũng bị phạt 24 tháng tù treo.

Chính vì vậy, sau này quá trình điều tra tôi kêu oan cho Dương, nhiều cán bộ cho rằng bố bênh con. Nhưng tôi tin rằng cháu không chiếm đoạt tiền của người khác”, ông Long trải lòng.

Ông cho biết, thời gian đó, vợ chồng ông mỗi ngày đến bữa cơm đều tưởng không nuốt nổi. Nhắc đến tình cảnh lúc ấy, người cha lặng người, đôi mắt đỏ hoe. Nhiều ngày làm đơn kêu cứu, có hôm ông túc trực ở trụ sở Công an huyện Đông Anh đến 2h sáng để nộp đơn.

Trong thời gian được tại ngoại, Dương thường xuyên đau ốm khiến cả gia đình lo lắng. Nhưng việc cán bộ thi hành án thường xuyên đến nhà thúc giục khắc phục hậu quả khiến thanh niên này bất mãn bỏ nhà đi lang thang. 

“Cháu nó bỏ đi bốn ngày, để lại bức thư viết: “Con ra đi nếu cứ quy tội mà bắt thì con sẽ không bao giờ trở lại nữa. Sau này cháu nói chỉ muốn tìm đến cái chết”, người cha tâm sự.

Niềm tin con trai vô tội của người cha có lúc tưởng chừng đã cạn khi lần lượt HĐXX tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng Dương phạm tội và tuyên án. Chưa kể nỗi đau khi nhiều người thân lần lượt qua đời. 

“Việc Dương nhận tội do bị dụ là gia đình quen biết nhiều, chỉ cần kí đơn sẽ được tha nên chị tôi uất quá mà qua đời”, ông Long nói. Quá trình làm đơn xem xét giám đốc thẩm, người cha yêu cầu giám định lại chữ viết và khẳng định nếu Dương sai thì sẵn sàng bắt con đi tù. Còn nếu Dương đúng thì yêu cầu trả lại sự trong sạch.

Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, đến ngày 11/3/2016, gia đình ông Long nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương. Bi kịch rằng bà ngoại Dương cũng vì mừng quá mà lên cơn trụy tim, sau 3 tuần cấp cứu thì qua đời.

Ông Long cho biết từ khi con trai vướng vòng lao lý, Dương phải rời bỏ giảng đường, trở nên mặc cảm. Hàng ngày, anh chỉ quanh quẩn trong nhà phụ giúp việc nhà, chăm sóc ông bà. 

Trao đổi với PV, Dương cũng như gia đình bày tỏ nguyện vọng các cơ quan chức năng sớm trả lời dứt điểm vụ việc để chàng trai sớm trở lại cuộc sống như những người bình thường.

Đọc thêm