Di sản công nghiệp và cách tiếp cận mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong những ngày “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023”, dòng người xếp hàng dài chờ với tâm trạng háo hức để được tham quan bên trong Tháp nước Hàng Đậu, trải nghiệm văn hóa trên tàu, thưởng lãm các sáng tạo nghệ thuật tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Hơn 200 người của các nhóm thiết kế sáng tạo đã “đánh thức” di sản công nghiệp bằng cách tiếp cận mới với một không gian nghệ thuật độc đáo, hòa nhịp cùng dòng chảy cuộc sống đô thị đương đại.
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh Trọng Hiếu
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh Trọng Hiếu

Nhiều cảm xúc bất ngờ, thú vị khi dạo chơi trong không gian của tháp nước cổ

Từ ngày 17 - 26/11/2023, “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023” có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Vườn hoa Vạn Xuân, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm…

Với “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023”, nhóm thiết kế dự án mong muốn cải tạo Tháp nước Hàng Đậu - di sản có tuổi đời gần 130 năm gắn với bao sự kiện lịch sử của Thủ đô Hà Nội thành một không gian nghệ thuật đặc sắc. Triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.

Lấy ý tưởng chủ đạo là nước, coi nước như một di sản quý giá, thông qua “Không gian sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương muốn truyền tải thông điệp về những vấn đề liên quan đến nước trong môi trường đô thị; để cho chính công trình kiến trúc cổ Tháp nước Hàng Đậu cất lên tiếng nói đưa đến những thông điệp thực sự có giá trị, thể hiện tầm quan trọng của nước trong cuộc sống của chúng ta.

Cấu tạo bên trong Tháp nước Hàng Đậu gồm 12 khoang, có 8 khoang lớn phía ngoài và 4 khoang nhỏ hơn nằm bên trong. Các nhà thiết kế sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật đưa vào 6 khoang chính. Mỗi khoang lại sử dụng tần số âm thanh khác nhau được thu trực tiếp từ những giọt nước để tạo nên sự kết nối giữa con người với thế giới tự nhiên. Nhóm thiết kế đã rất sáng tạo khi sử dụng toàn bộ chất liệu tái chế của xã hội đô thị để tạo nên không gian sắp đặt, nó như một góc nhìn hiện đại phản ảnh một xã hội đang phát triển.

Phối cảnh 3D bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Không gian trưng bày bao gồm: Hệ sắp đặt âm thanh - tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, hệ sắp đặt ánh sáng với những hình ảnh nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.

Đây là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước rất độc đáo, tái hiện lại âm thanh của nước trong tự nhiên. Nhóm thiết kế đã phải thử nghiệm rất nhiều tần số của những giọt nước, đồng thời điều chỉnh liên tục từng nấc cao độ nhằm chọn ra đúng âm thanh mang tần số chữa lành, xoa dịu cảm xúc con người theo tâm lý học. Việc lựa chọn loại mic, loa để phát tiếng nước tự nhiên nhất cũng thử thách những nhà sáng tạo và đơn vị thi công rất nhiều.

“Không chỉ về mặt âm thanh, nhóm thiết kế cũng chú trọng về trải nghiệm thị giác của khán giả khi chọn sử dụng vật liệu tái chế từ rác thải đô thị, tạo nên những chiếc đĩa màu lơ lửng, sắc màu sống động, bay bổng trong không gian triển lãm. Đây cũng là điểm ý nghĩa mà nhóm thiết kế muốn truyền tải thông điệp về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên” - họa sĩ Nguyễn Đức Phương - một thành viên của nhóm thiết kế chia sẻ.

Nhóm thiết kế phải sử dụng giải pháp sắp đặt phù hợp, vừa tạo nên sự hài hòa giữa tác phẩm và không gian, vừa giữ được nét đẹp và sự nguyên trạng của di sản kiến trúc này. Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu” đã mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều cảm xúc bất ngờ, thú vị khi dạo chơi trong không gian của tháp nước cổ.

Trải nghiệm mới khi thưởng lãm di sản Tháp nước Hàng Đậu. (Ảnh: BTC)

Trải nghiệm mới khi thưởng lãm di sản Tháp nước Hàng Đậu. (Ảnh: BTC)

Giới trẻ háo hức với “chuyến tàu di sản”

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của Lễ hội năm nay - có tiềm năng trở thành tổ hợp văn hoá sáng tạo mới vô cùng hấp dẫn giới trẻ của Thành phố Hà Nội. Chuyến tàu đặc biệt mang tên “Hành trình di sản” khởi hành từ Ga Hà Nội, Ga Long Biên, cầu Long Biên lịch sử bắc qua dòng sông Hồng để đến với Nhà máy xe lửa Gia Lâm khiến nhiều hành khách, du khách rưng rưng. Đây là chuyến tàu đặc biệt kết nối các di sản tưởng chừng đã bị lãng quên trong nhịp sống hiện đại. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức tuyến tàu hỏa từ Nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà Ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để thưởng thức Lễ hội. Tổng Công ty Đường sắt đã tăng cường các toa tàu nghệ thuật độc đáo với sự tham gia của các nghệ sỹ trên các toa tàu, tạo nên ấn tượng cho những người trải nghiệm.

Các triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - “Đánh thức” di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Trên tàu trưng bày các tác phẩm của triển lãm Chuyển động ngoại biên với những sáng tác được gắn cố định lên mặt kính của các ô cửa sổ tàu.

Trên tàu trưng bày các tác phẩm của triển lãm Chuyển động ngoại biên với những sáng tác được gắn cố định lên mặt kính của các ô cửa sổ tàu.

“Kiến trúc, nhà máy và vẽ lại giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thiết kế, gồm 05 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần kiến tạo giá trị văn hóa mới mẻ.

Pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của Nhà máy. “Bến chờ” có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của nhà ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…

Pavilion kiến trúc và nghệ thuật tại “Phân xưởng nóng” do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - Toob studio thực hiện sẽ trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tính tương đối” của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, nhóm tác giả mong muốn đem lại cảm giác vô tận khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau.

Các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng với chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “âm cảnh ga Hà Nội” là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc.

Lê Hồng Anh, 23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn hóa chia sẻ: “Em thấy hào hứng và xúc động khi lần đầu tiên được trải nghiệm “chuyến tàu di sản” này. Được trải nghiệm cộng đồng với các hoạt động xung quanh chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm với sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “âm cảnh Ga Hà Nội”, em thấy đó là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc”.

Trong 10 ngày, “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023” thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Lễ hội là hoạt động thường niên của Thành phố Hà Nội nhằm triển khai “Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội khẳng định sức sống và nguồn lực sáng tạo của “Thành phố vì hòa bình”; kết nối các nhà thiết kế sáng tạo trẻ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ… cho phát huy các nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng sáng tạo, qua đó cùng gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về Hà Nội hiện tại và khát khao cho Hà Nội tương lai.

Với cách tiếp cận mới “đánh thức” các di sản công nghiệp văn hóa và số lượng lớn những người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội sẽ khám phá, trải nghiệm nhiều di sản của mảnh đất nghìn năm văn hiến độc đáo. Đây là một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch trong sự liên kết với phát triển di sản văn hóa thời 4.0.

Đọc thêm