Di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trong mắt các chuyên gia quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 8 năm, Việt Nam mới có thêm một di sản được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới: Di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Không chỉ là “tuyệt phẩm” của Việt Nam, trong con mắt của các nhà nghiên cứu quốc tế, Di sản mới cũng sở hữu hàng loạt giá trị nổi bật toàn cầu.
Một số hệ sinh thái tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Một số hệ sinh thái tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

Bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650ha, vùng đệm là 34.140ha.

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc TP Hải Phòng, nơi sở hữu nhiều danh hiệu quốc gia, quốc tế quan trọng như: di tích quốc đặc biệt vịnh Hạ Long; di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; Vườn Quốc gia Cát Bà; vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; Khu bảo tồn biển; Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (năm 1994 và 2000).

Khu vực này sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, là điểm cuối trong quá trình tiến hoá karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái (HST) liền kề và là môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý, nước non trùng điệp, thanh bình. Nơi đây cũng được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản giá trị cần được gìn giữ, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển trái đất.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 HST biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: HST rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; HST hang động; HST rừng ngập mặn; HST bãi triều; HST rạn san hô; HST đáy mềm; HST hồ nước mặn. Các HST này đại diện cho quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động, thực vật.

Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là điểm cư ngụ của 4.910 loài động, thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực đề cử. Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60 - 70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Di sản mới trong mắt của chuyên gia quốc tế

Theo đại diện Sở Ngoại vụ Hải Phòng, thông qua thư giới thiệu của IUCN, Ban Quản lý Di sản Thiên nhiên quần đảo Cát Bà đã ký kết và đón tiếp đoàn chuyên gia về địa mạo, địa chất và đa dạng sinh học từ New Zealand, Hà Lan, Đan Mạch tư vấn giúp xác định khoanh vùng di sản; xác định những giá trị nổi bật toàn cầu; thu mẫu động, thực vật; định hướng xây dựng kế hoạch quản lý cho Di sản mới.

Nhờ có sự chung tay của các chuyên gia quốc tế, Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh cùng với các đơn vị tư vấn đã hoàn thiện dự thảo hồ sơ khoa học đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

Qua thời gian dài tìm hiểu, các chuyên gia quốc tế đã phát hiện vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà có nhiều loại thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long (Cycas tropophylla), khổ cử đài tím (Chirita drakei), cọ Hạ Long (Livistona halongensis), ngũ gia bì Hạ Long (schefflera alongensis), hài vệ nữ hoa vàng (Paphiopedilum concolor)... Các loài cây lá mọng hoặc trông xù xì như xương rồng Euphorbia antiquorum (Euphorb.), huyết giác Dracaena cambodiana (Liliac.), chi tuế Cycas sp. (Cycad.) và dây leo không lá tiết căn Sarcostemma acidum (Apocyn.) mang lại cho thảm thực vật ở đây một dáng vẻ chống chịu hạn của thực vật sa mạc.

Cũng trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà, một bồn trũng gần bến tàu Việt Hải bị che phủ phần lớn bởi một đầm lầy nước ngọt với các tán cây hỗn hợp. Men theo đường vào làng, thảm thực vật rừng nhường chỗ cho những cánh đồng lớn với cây lau sậy Phragmites karka (Poac.). Mặc dù có tầm quan trọng thứ yếu và nhỏ bé về mặt kinh tế, nhưng mỗi đầm lầy nước ngọt dường như có những đặc điểm khác nhau, nhiều đầm còn hoàn toàn nguyên sơ, một số là nơi cư ngụ cho những loài đặc biệt như Combretocarpus, đây là điểm hiếm có tại các vùng đất ẩm ướt nước ngọt.

Các chuyên gia đánh giá, với tiêu chí (vii) về cảnh quan, vịnh Hạ Long hoàn toàn đáp ứng tiêu chí như đã được xác nhận ghi danh vào năm 1984. Đề cử mở rộng để gộp quần đảo Cát Bà cũng chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với các vách dựng đứng nhô lên trên biển nằm dọc bờ Đông và Đông Nam của đảo Cát Bà sẽ bổ sung giá trị cho di sản hiện hữu là vịnh Hạ Long xét theo tiêu chí đề cử này.

Đối với tiêu chí (viii) về địa mạo, địa chất, các chuyên gia quốc tế xác định vịnh Hạ Long cũng hoàn toàn đáp ứng tiêu chí như đã được xác nhận qua việc tái đề cử và được Ủy ban Di sản thế giới chấp thuận vào năm 2000. Vịnh Hạ Long thể hiện rõ ràng là một trong những điển hình bao quát nhất, được thừa nhận rộng rãi nhất thế giới về tháp karst bị biển nhấn chìm và là một trong những khu vực quan trọng nhất về karst Phong Tùng (cụm đỉnh chóp nón) và Phong Lĩnh (các đặc điểm tháp bị cô lập).

Qua việc mở rộng để gộp quần đảo Cát Bà vào, tổng thể Di sản mới sẽ gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch). Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm, còn quần đảo Cát Bà sẽ bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào Di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều, mà một số rất hiếm, thậm chí là độc đáo. Hơn nữa, nằm rải rác trong khu vực là 138 hồ nước mặn, chiếm 1/3 tổng số hồ nước mặn trên thế giới, là nơi lưu giữ những loại cổ xưa, quý hiếm, có giá trị lớn trong việc nghiên cứu khoa học. Việc mở rộng Di sản sang quần đảo Cát Bà sẽ củng cố thêm các giá trị và tính toàn vẹn theo tiêu chí (viii) về địa mạo, địa chất, hoàn tất nốt câu chuyện về các hệ thống karst ngập chìm trong phạm vi một Di sản mở rộng.

Quan điểm của các chuyên gia quốc tế về hai tiêu chí nói trên cũng trùng lặp với quan điểm của Ủy ban Di sản thế giới. Do đó, với những giá trị nổi bật toàn cầu, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được 21/21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.

Sau khi được công nhận, công tác quản lý Di sản mới được xem là một thách thức khi trở thành Di sản liên vùng chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trao đổi về điều này, ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng cho hay: Dù không có một ban quản lý chung nhưng Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ có thống nhất về việc quản lý, bảo vệ giá trị di sản, thông tour tuyến và cả giá cả dịch vụ du lịch.

Theo ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hoá huyện Cát Hải, ngay từ khi Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ đề cử Di sản, hàng loạt các dự án trọng điểm đã được triển khai tại huyện Cát Hải để phát triển du lịch trên địa bàn: trồng hoa hai bên tuyến xuyên đảo Cát Bà; nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ ngã ba Núi Xẻ đến Bến Bèo; xây dựng cổng chào trung tâm du lịch Cát Bà… “Đến nay, khi Di sản được vinh danh, chúng ta cũng đối mặt với hàng loạt các vấn đề liên quan đến rác thải, chất thải phát sinh từ tàu du lịch, hoạt động đánh bắt hải sải, lâm sản trái phép… cần phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Bày tỏ cảm xúc phấn chấn khi vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư xã Việt Hải, huyện Cát Bà trong thời gian tới, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, đồng thời khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng của Việt Hải để phục vụ cho du lịch, đặc biệt là thế mạnh về du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.

Đọc thêm