Dị tật thai nhi và những bi kịch

(PLVN) - Tuần qua, thêm một lần nữa chúng ta bàng hoàng trước thông tin, bà nội thú nhận đã pha thuốc diệt chuột và tiêm cho cháu ruột 11 tháng tuổi uống. 
Cha mẹ cần có nhiều hơn những kiến thức về sinh sản, để tránh những hệ lụy đau lòng! (Ảnh minh họa)
Cha mẹ cần có nhiều hơn những kiến thức về sinh sản, để tránh những hệ lụy đau lòng! (Ảnh minh họa)

Trong lời khai ban đầu với cơ quan điều tra, nghi can Chử Thị Mỹ Lệ (51 tuổi, trú tại xã Tân Bình, TP Thái Bình) khai nhận vì thấy cháu nội bị ốm đau bệnh tật liên miên, hằng ngày nhìn thấy cháu khổ sở do các chứng tật bẩm sinh hành hạ nên trong lúc nông cạn đã muốn "giải thoát" cho cháu để cả cháu và bố mẹ đỡ khổ…

Bà nội thương con cháu, hay tàn độc?

Ngày 4/8, thông tin với báo chí, lãnh đạo Công an TP Thái Bình (Thái Bình) cho biết đơn vị này đang tiến hành điều tra nghi vấn nữ bác sỹ đầu độc cháu bằng thuốc diệt chuột. Được biết, cháu M. là con vợ chồng anh L.T.D, T.TD. (hiện sống tại Hà Nội, cháu nội bà Lệ). Cháu sinh non, từ khi sinh ra cháu đã bị bệnh bại não, hở hàm ếch thường xuyên ốm yếu.

Thời gian qua, cháu M. được bố mẹ gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Về bà Lệ (bà nội cháu M.), chính quyền địa phương cho biết hiện bà này đang là Phó trưởng Khoa sản- Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình), có mở thêm phòng khám Sản tại nhà riêng. 

Trước sự việc này, Luật sư Nguyễn An Thơm ( Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình về trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu sau này cũng là giải thoát cuộc đời khổ cực sau này.

Để thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm đã mua thuốc thuốc diệt chuột, pha vào sữa cho cháu ăn để nhằm mục đích cho cháu tử vong. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên tính mạng cháu bé được đảm bảo. Cho đến thời điểm hiện tại, tính mạng cháu bé vẫn đang nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Dưới góc độ pháp luật, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

Đáng lẽ ra, với lương tâm trách nhiệm của người Bác sỹ là cứu người và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại đang tâm sát hại cháu để cho rằng cứu giúp gia đình thoát khỏi gánh nặng phải chăm sóc trẻ không hoàn thiện về thể chất và tinh thần và giải thoát cho cuộc đời cháu.

Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Khoảng trống các môn Tâm lý học tội phạm, Tâm thần học?…

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Đức Hiển bày tỏ: Ai cũng có quyền được sống, với tội giết người, hành vi giết trẻ em là một trong những tình tiết tăng nặng bởi trẻ không có năng lực tự vệ, và cũng bởi trẻ em chưa tham gia vào quan hệ xã hội một cách đầy đủ, nó không có lỗi... Những bản tin tiếp theo cho thấy: Em bé bị bại não, bị tim bẩm sinh, bị hở hàm ếch và nhiều chứng bệnh khác. Con trai và con dâu đi làm xa và bà nội nhận nuôi cháu...

Sẽ rất dễ để buộc tội và kết án ở mức hình phạt cao với bị can: giết người trong trường hợp nạn nhân là trẻ em, nạn nhân là người lệ thuộc mình, không có khả năng tự vệ; giết người bằng thủ đoạn che giấu tội phạm (bơm thuốc chuột vào sữa); vì động cơ ích kỷ (từ chối chăm sóc). Tội phạm đã hoàn thành nhưng chưa đạt (nạn nhân không chết) là ngoài ý muốn của bị cáo. Tất cả những yếu tố buộc tội đều có thể được quy kết và bị cáo khó lòng cãi được, vì nó rất hiện thực.

Bà nội của cháu bé trên, sẽ bị xử lý theo Tội Giết người khi hành vi hiển hiện, tình tiết vận dụng cũng rõ ràng; bà nội là người có nhận thức cao (bác sĩ phó khoa sản) và không phải là mẹ đẻ của bé. Và sự đơn giản ấy, sẽ đặt những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, công tố viên, thẩm phán, luật sư) vào chỗ phải căng não và bản lĩnh để vận dụng luật và kiến thức khác dù để buộc tội hay gỡ tội? 

Ở tuổi 51, có vị trí công việc tốt, bà còn 5 năm công tác mới tới tuổi hưu, có phòng mạch tư. Thế nhưng bà vẫn nhận nuôi cháu cho con trai và con dâu dù bà không có nghĩa vụ ấy. Vì thế nên khó tin rằng đó là người bà độc ác. Phải chăng vì là bác sĩ sản khoa, bà nhìn thấy tương lai mịt mờ của đứa cháu, nỗi đau khổ của nó và ba mẹ, gánh nặng cuộc đời của đứa cháu và người thân nên muốn giải thoát như bà nói. Và bà chọn giải pháp tiêu cực nhất.

Thực tế, câu chuyện quá đau lòng. Cháu bé được cứu sống và sẽ tiếp tục sống một cuộc đời bất hạnh của nó. Và hành vi phạm pháp của bà nội đã vĩnh viễn khoá lại tương lai của một nữ bác sĩ sau một cuộc đời lao động. Và với gia đình họ, bên cạnh nỗi đau vì em bé không bình thường, giờ có thêm nỗi đau bà giết cháu.

Và tôi vẫn tin rằng, vụ án nghiêm trọng và hành vi quá rõ ràng này sẽ là một thách thức với người tiến hành tố tụng. Rất tiếc, các môn tâm lý học tội phạm, tâm thần học và tâm lý tư pháp lẽ ra ngày càng phải đầu tư như một bộ môn khoa học bổ trợ cực kỳ quan trọng, thì từ hơn 10 năm nay đã không còn được đặt đúng chỗ trong việc đào tạo Luật ở bậc Đại học nữa…

Đừng coi cuộc sống với người khuyết tật là vô giá trị!

Trước đó, sau ca mổ thành công tách cặp song sinh dính nhau ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Trần Văn Phúc (bệnh viện Sanh Pôn Hà Nội) đã có những chia sẻ trên trang cá nhân: Một số người hỏi tôi rằng, liệu đã đến lúc cần thiết phải đẩy mạnh sàng lọc dị tật thai nhi trước sinh, để ngăn chặn sự ra đời của những “đứa trẻ khuyết tật”.

Những người ủng hộ cho rằng, “đứa trẻ khiếm khuyết” không chỉ rắc rối vì dị tật bẩm sinh trong suốt cuộc đời, mà còn để lại gánh nặng kinh tế cũng như tinh thần vô cùng nặng nề cho cả gia đình và xã hội.

Ngược lại, những người chống phá thai cho rằng, việc từ chối sinh con tàn tật là một hành vi vô nhân đạo, bởi trong trường hợp đó, người phụ nữ mang thai đã phân loại đứa con của mình theo thang đo của sự hoàn hảo và quyết định đứa trẻ nào không có quyền được sống.

Bản thân tôi khi siêu âm dị tật thai nhi, đặc biệt với những dị tật nghiêm trọng sẽ luôn nhận được câu hỏi theo lẽ tự nhiên, rằng có nên giữ thai để sinh ra một “đứa trẻ khiếm khuyết” hay phá bỏ? Với tôi đó là những tình huống khó xử về đạo đức!

Cuối thế kỉ 19, khởi đầu từ học thuyết tiến hóa của Darwin, nhà khoa học người Anh Francis Galton đã tiến hành nghiên cứu so sánh sự khác biệt về hành vi giữa các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng. Trong tác phẩm “Thiên tài di truyền - Hereditary genius” công bố năm 1869, Galton đã đặt ra thuật ngữ “ưu sinh – eugenics”, với ý nghĩa "sinh ra tốt – well born" và đưa ra giả thuyết rằng nhân loại có thể được cải thiện bằng cách khuyến khích những người ưu tú nhất trong xã hội sinh thêm con.

Say sưa với kết quả di truyền học, Francis Galton đã đưa ra đề xuất có tính đột phá, đó là lí thuyết "ưu sinh" nổi tiếng. Galton cho rằng, cần phải sử dụng nguyên tắc tiến hóa của chọn lọc tự nhiên để cải thiện chủng tộc, đất nước cần “nhân giống chọn lọc” từ những cá nhân thành công để thúc đẩy sinh sản những công dân xuất sắc. Từ quan điểm ưu sinh, Galton khá coi thường các hoạt động từ thiện xã hội. Ông tin rằng việc giúp đỡ những người khuyết tật chỉ mang lại tác dụng ngược. 

Tôi cho rằng: với người khuyết tật, vấn đề cần quan tâm là điều kiện xã hội chứ không phải y tế; một xã hội công bằng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng cho phép người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng, giúp họ sống hạnh phúc và hoàn thành cuộc sống.

Hoa Kỳ là quốc gia có sự phát triển sớm nhất về nhân quyền của người khuyết tật, đảm bảo thai nhi dù có mắc dị tật nghiêm trọng đến thế nào chăng nữa vẫn có quyền được sinh ra, đứa trẻ không phải co rúm lại trong sự khinh miệt, chúng luôn nhận được sự khuyến khích để tự tin, không có sự phân biệt đối xử nào cả. Hoa Kỳ đã chi hơn 18% ngân sách giáo dục cho trẻ khuyết tật, để có những trẻ mắc hội chứng Down vẫn hoàn thành chương trình đại học, rồi có thể đi làm kiếm tiền.

Việt Nam chúng ta, làm thế nào để giải quyết vấn đề dị tật bẩm sinh, nếu đứa trẻ đã được sinh ra và bị khiếm khuyết, cha mẹ và xã hội đối xử thế nào? Đó vẫn còn là vấn đề hết sức nan giải.

Nếu đó là một khiếm khuyết tương đối nhỏ, đứa trẻ sinh ra có thể được chữa khỏi, hoặc mù và câm điếc, là những khuyết tật suốt đời nhưng không phải là khuyết tật đe dọa đến tính mạng, không đẩy cha mẹ hay đứa trẻ khuyết tật vào con đường bần cùng; thì tôi tin rằng vấn đề này không có điều gì phải quá băn khoăn và thai nhi có được quyền được sống. Ngay cả khi đứa trẻ tật nguyền bị cha mẹ bỏ rơi một cách tàn nhẫn, thì xã hội vẫn có nghĩa vụ nuôi dạy chúng khỏe mạnh nhất có thể, nên trẻ vẫn có quyền được sinh ra và được sống.

Nhưng nếu thai nhi mắc phải khuyết tật nghiêm trọng thì vấn đề sẽ không đơn giản. Trước viễn cảnh này, có một lựa chọn rất kinh tế mà không chịu sự chỉ trích về mặt đạo đức, theo tôi đó là làm tốt việc giáo dục giới tính và trang bị kiến thức sinh sản với các nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.

Khi có kiến thức, mỗi người sẽ biết làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ sinh những em bé dị tật, ví dụ như hôn nhân cận huyết thống, độ tuổi sinh đẻ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sinh đẻ, hoặc sâu hơn nữa như bệnh di truyền.

Nhưng tôi vẫn mong chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đến một xã hội làm sao mọi đứa trẻ đều có quyền được sinh ra, sống hạnh phúc và hoàn thành cuộc sống, cho dù đó là dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tôi cũng muốn mỗi công dân đến tuổi sinh đẻ được chuẩn bị đầy đủ kiến thức trước khi mang thai, chăm sóc sức khỏe đầy đủ theo chuẩn chất lượng trong khi mang thai, những tiến bộ công nghệ có thể giúp điều trị tốt hơn cho trẻ em bị khuyết tật trong quá trình mang thai và sau sinh.

Đọc thêm