Bi kịch do bạo lực bằng lời

(PLVN) - “Bạo lực bằng lời nói” - khái niệm này ít người biết nhưng một cuộc điều tra của nhà tâm lý học cho thấy, cứ mỗi 20 người lại có 1 người phải chịu bạo lực ngôn ngữ, mỗi 50 người lại có 1 người mắc bệnh tâm lý vì bạo lực ngôn ngữ, nhẹ thì có thể bị rối loạn, nặng thì có thể dẫn tới hành vi giết người và tự sát.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Nếu có 1 điều ước, con sẽ ước mình chưa bao giờ tồn tại”

Khoảng 10h ngày 1/8/2020, một nam thanh niên đi bộ trên hành lang phía đông mặt cầu Trần Phú bắt qua hạ lưu sông Cái nối hai tuyến giao thông Phạm Văn Đồng – Trần Phú thuộc địa phận hai phường Vĩnh Thọ và phường Xương Huân, TP Nha Trang. Khi đến đoạn giữa cầu, bất ngờ người thanh niên này leo qua lan can thép rồi gieo mình xuống dòng sông. Sau vài phút chới với, nam thanh niên chìm hẳn dưới dòng nước.

Một số người đến vị trí người thanh niên dừng lại trước đó đã tìm thấy thư tuyệt mệnh ghi trong tập vở học sinh được chắn gió bằng đôi dép nhựa màu đen. Theo nội dung thư thì nam thanh niên có tên là Trịnh Đình P., nguyên nhân tự vẫn là do bị cha chê trách khùng điên, bại não khi đeo kính mắt màu đen đi tập thể dục buổi sáng, rồi bị nghi ngờ cùng nhóm bạn lừa đảo khi kiếm tiền bằng trò chơi trên mạng.

Tháng 11/2019, em N.T.H.T. sinh năm 2003, ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã nhảy cầu Phủ 2, xã Cẩm Vịnh tự tử. Trước khi nhảy cầu tự tử, cô bé đã để lại một bức thư trong cốp xe đạp điện cùng điện thoại di động và đôi dép ở trên cầu.

Nội dung bức thư cuối cùng cô bé 16 tuổi để lại cho bố mẹ trước khi nhảy cầu tự tử khiến nhiều người xót xa: “Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng cho dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là một đứa vô dụng và tệ hại. Đáng ra con không nên xuất hiện trên trái đất này” .

Ở cây cầu Lư Phố bắc qua sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc, có cậu học sinh mới 17 tuổi tự tử ngay trước mặt mẹ của mình. Trước khi gieo mình tự vẫn, cậu ngồi trong xe ô tô của mẹ đi qua cầu. Nhưng sau một hồi lời qua tiếng lại với mẹ, mà cậu mở cửa xe, trèo lên thành cầu, gieo mình tự vẫn để lại người mẹ bàng hoàng. Đắng cay hơn là nguyên nhân khiến cậu có hành động ấy bắt nguồn từ mâu thuẫn với mẹ khi bà phát hiện ra con trai mình xảy ra chút mâu thuẫn với bạn học ở trường.

Bi kịch sẽ không diễn ra, nếu…

Nói về những vụ tự tử của con trẻ, nhiều quan điểm cho rằng đây thực sự là cú đánh chí tử với cha mẹ vì đứa trẻ tự tử đã không hiểu chuyện, trước khi chọn cái chết có từng nghĩ tới công sinh thành, nuôi nấng của mẹ cha hay không… Nhưng liệu đã có ai từng đặt câu hỏi: Có bao nhiêu đứa trẻ trong quá trình trưởng thành đã có vô số lần muốn nhảy xuống từ những chiếc cầu, chúng còn sống chỉ đơn giản là vì chưa dám? 

Có một sự thật rằng, cha mẹ chúng và những người xung quanh mãi mãi không thể nào biết trước khi nhảy cầu, đứa trẻ ấy đã phải trải qua những gì. 

Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, năm 2017, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 8-29%, tùy theo địa phương, giới tính. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện và điều trị.

Một nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh cấp THCS cho thấy 1/3 em thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân. Gần 5% từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành, hành vi tự tử nhưng được cứu sống…

Lý giải nguyên nhân có thể thấy, trong gia đình, bố mẹ thường đặt cho con cái rất nhiều kỳ vọng, hi vọng chúng có thể trở thành người lý tưởng như mình mong muốn, nhưng lại chưa từng hỏi qua cảm nhận của chúng, khiến áp lực tích tụ thời gian dài ngày càng lớn. Luôn hà khắc yêu cầu chúng làm bất cứ việc gì và bắt đầu la mắng khi chúng trót phạm sai lầm. 

Khi con cái gặp uất ức ở bên ngoài, thay vì việc đầu tiên của các bậc cha mẹ là quan tâm thì họ lại bỏ để đổ lỗi, trách phạt con như bà mẹ ở Trung Quốc đã khiến cho con trai 17 tuổi của mình phải nhảy cầu chỉ vì cậu bé có chút xích mích với bạn bè ở trường. Phải hứng chịu sự đối xử như vậy, những đứa trẻ vốn đã có tâm trạng lại thêm lần nữa bị công kích và bi kịch đã diễn ra. 

Roi vọt, chửi mắng không làm nên một đứa trẻ ngoan

Mỗi người chúng ta dù là trẻ em hay người lớn đều mong muốn mình được yêu mến, có chỗ đứng trong lòng người thân của mình. Cha mẹ nghiêm khắc với những hành vi sai trái của con là cần thiết, nhưng nếu thái quá, cực đoan sẽ gây ra hậu quả xấu. Nghiêm khắc rất cần thiết nhưng cần kết hợp với lòng khoan dung độ lượng, không nên cố chấp, áp đặt con.

Tác hại đầu tiên của việc đánh chửi thô bạo là dẫn đến quan hệ giữa cha mẹ và con xa cách dần, tình cảm gắn bó bị suy giảm. Một đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh chửi thô bạo sẽ khiến trẻ phải sống trong uất ức, bi quan, sợ hãi.

Roi vọt không làm nên một đứa trẻ ngoan. Đây là điều mà Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, chỉ có sự nghiêm khắc trong tình yêu thương cộng với sự nhẫn nại kiên trì dạy bảo con mới làm cho con tôn trọng cha mẹ, có niềm tin vào cuộc sống và trở thành công dân tốt.

Trong tất cả các mối quan hệ, sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Khi cha mẹ tôn trọng con thì chính cha mẹ cũng sẽ được tôn trọng. Mối quan hệ sẽ chỉ được duy trì bền vững nếu sự tôn trọng đến từ hai phía. 

Tiếc rằng, trong nhiều gia đình hiện nay, con cái dường như là nơi trút mọi bực bội, hờn ghen của cha mẹ. Cha mẹ cũng thường có thói quen và nếp nghĩ như những “bề trên”, nghĩa là các con bắt buộc phải nghe theo lời cha mẹ mà hiếm khi cho con cơ hội được bày tỏ bản thân. Làm thế, vô tình, chính cha mẹ khiến các con bị tổn thương. Có thể thấy, cách cư xử của cha mẹ phần nào ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của con và nghiêm trọng hơn nữa đã đẩy con trẻ đến cái chết. 

Thiết nghĩ, ở những câu chuyện trên, khi tâm trạng của con đang ở mức vô cùng thấp, nếu bố mẹ có kỹ năng đúng sẽ đem lại cho chúng thật nhiều yêu thương cũng như thấu hiểu, thì những bi kịch chắc chắn sẽ không bao giờ diễn ra.

Đọc thêm