Nhờ nông nghiệp công nghệ cao giống lúa Việt Nam lọt vào top ngon nhất thế giới
Cuối tháng 11/2020, tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2020 với chủ đề “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19” những con số đã được đưa ra: ngành nông nghiệp Việt Nam (bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) đang tạo ra khoảng 14% GDP, đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Hiện, hàng chục triệu hộ nông dân, khoảng 10.500 HTX nông nghiệp và hơn 33 nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp trên 70 triệu mảnh ruộng; Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà-phê, sắn đứng thứ hai, cao-su đứng thứ tư, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và rất nhiều mặt hàng khác nữa.
Việt Nam đã ban hành Luật Công nghệ cao (CNC) năm 2008 và thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 theo Quyết định 1985/QĐ-TTg ngày 17/12/2012. Hiện nay, cả nước có hơn 20 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng CNC được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã đi vào hoạt động. Hàng trăm tập đoàn lớn và công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích hơn 400 nghìn ha.
Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho ứng dụng CNC vào nông nghiệp từ các DN, địa phương, cũng như được thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cấp nhà nước, đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cao hàng nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng, triển khai.
Có thể nói, Nông nghiệp ứng dụng CNC là hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển CNC vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa đạt năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, theo quy định của pháp luật. Nhờ ứng dụng CNC mà xuất khẩu rau quả ba năm gần đây đã vượt cả xuất khẩu gạo, cũng như dầu mỏ và kéo dài thêm danh mục xuất khẩu nông sản chủ lực có triển vọng của nước ta.
Năm 2019, cả nước có 36 nghìn trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018. Các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực.
Sóc Trăng với hai giống lúa ST24 và ST25 trong đó, ST25 được giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines là điều kiện, mở ra một cơ hội rất lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Hiện tỉnh Sóc Trăng đang mở rộng diện tích gieo trồng, hiện đạt gần 178 nghìn ha, tăng 1,9 lần so năm 2014, trong đó diện tích sản xuất lúa ST đạt hơn 14.500 ha.
Đây cũng là lần đầu tiên các nước khu vực Đông - Nam Á có một giống lúa cải tiến ngắn ngày, năng suất cao được lọt vào top ngon nhất thế giới. Những giống lúa đạt giải ngon nhất thế giới 10 năm trước đây đều là những giống lúa mùa cảm quang, dài ngày, năng suất thấp, không có nhiều sản lượng để cung ứng ra thị trường và không đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân…
Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố nghiên cứu “Thách thức của ô nhiễm nông nghiệp: bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Phi-li-pin”. Bản nghiên cứu đã tổng hợp các số liệu sẵn có về nhiều chất gây ô nhiễm, cho thấy hiện trạng, lý do, hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp. Đồng thời nêu nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện quản lý chất thải vật nuôi, cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất, nhựa, thuốc thú y, thức ăn trong nông nghiệp, đem lại cơ hội nâng cao chất lượng và giá trị của nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển. |
Trong một bài viết của mình, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế phân tích, hiện Việt Nam đối diện với 4 điểm nghẽn trong đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao và thị trường khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; quy hoạch không gian và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều tồn tại, hạn chế; chưa có không gian đủ lớn hoặc tiềm lực đầu tư lớn trên diện tích nhỏ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thị trường tiêu thụ, hệ thống tiêu thụ chưa đủ mạnh và ổn định, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản công nghệ cao chưa rõ ràng.
Theo báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới, môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC không thể thiếu vốn đầu tư đa dạng từ nhiều nguồn, từ phía nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, từ nguồn tín dụng ngân hàng cả trung và dài hạn. Hiện nay, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chỉ khoảng gần 4.500 doanh nghiệp (chiếm 1,01% trong tổng số DN trên cả nước), trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Số dự án FDI vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 2,9% tổng dự án và chiếm khoảng 1% vốn…
Đặc thù của các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC là quy mô lớn, cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận không cao và có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng hạn chế về năng lực thế chấp hoặc chứng minh tính khả thi, thu nhập ổn định của dự án cần vay vốn.
Hơn nữa, cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng có tỷ trọng vốn trung và dài hạn thường thấp; đồng thời, các ngân hàng còn bị ràng buộc về tỷ lệ dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các nguyên tắc an toàn tín dụng khác, nên họ không có nhiều khả năng giành vốn cho vay trung và dài hạn. Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn thì rất ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư được, cho dù họ muốn và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này….
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các hệ thống các văn bản, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; tập trung chỉ đạo, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nghiên cứu, nhập khẩu và chuyển giao các CNC trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển.
Thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý CNC trong nông nghiệp; khuyến khích đột phá về tích tụ ruộng đất thông qua “dồn điền đổi thửa” và góp, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nâng mức hạn điền…; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC…
Đồng thời, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu của thị trường; các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân và giữa người dân nhằm hình thành mối liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phảm…; cần tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm, tỉnh nào cũng có khu nông nghiệp công nghệ cao, trong khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, dàn trải.
Bên cạnh đó, cần hệ thống pháp lý có chế tài đủ mạnh bảo vệ nhà đầu tư, nhà sản xuất, ràng buộc trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc nông sản; phải nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…