Đi tìm nhục thân thiền sư Từ Đạo Hạnh

(PLO) - Trong 3 pho tượng Phật, Thánh, Vua của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), pho tượng nào chứa nhục thân thiền sư? Hỏi khắp nơi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Gần 1.000 năm đã đi qua, chuyện về vị thiền sư nổi tiếng này vẫn thấm đẫm huyền thoại.   
 Chùa Thầy.
Chùa Thầy.

Hài cốt của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở đâu?

Chùa Thầy là vùng đất địa linh nhân kiệt, có kiến trúc “tiền Phật, hậu Thánh”. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải Am, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Phần chính của chùa Thầy gồm 3 tòa song song gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Tương truyền, động Phật Tích ở sau chùa là nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Chùa Thầy có tới 3 pho tượng Từ Đạo Hạnh. Một được đặt tại nhà tổ, một ở bàn thờ chính và một đặt trong khám thờ tại điện Thánh. Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh kiếp vua bằng đồng, kiếp phật bằng gỗ, còn bức tượng thiền sư kiếp thánh làm bằng gỗ bạch đàn, chân tay có khớp nối có thể cử động được. Trong đó, pho tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp thánh được làm theo hình thức tượng rối đặt trong khám thờ là đáng chú ý hơn cả.
Trong chùa Thượng (còn gọi là điện Thánh), chính giữa là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỉ 19, khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen còn lại từ đời Lý. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Hiện nay tượng được đội mũ hoa sen và khoác áo vàng. Tượng Từ Đạo Hạnh đặt trên một bệ đá hai tầng, được làm vào thời nhà Trần. Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu.
Bên phải chùa Thượng là tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp vua. Tương truyền Từ Đạo Hạnh sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng.
Bên trái có tượng Từ Đạo Hạnh trong kiếp thánh (Thánh Láng), ngồi trong một khám gỗ chạm trổ cầu kì. Tượng này có cốt bằng tre, có thể cử động. Tương truyền xưa kia mỗi khi mở cửa khám thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Sau một vị quan triều Nguyễn là Tuần phủ Sơn Tây Cao Xuân Dục đến thăm chùa thấy vậy nói rằng “Thánh thì không phải chào ai cả”, nên tháo hệ thống khớp nối, từ đó tượng ngồi yên.
Trước tượng Từ Đạo Hạnh ở chính giữa có một bàn thờ gỗ chạm trổ rất đẹp. Xưa kia nền đất còn thấp, người thắp hương vịn vào bàn thờ tạo thành một cái hõm rất lớn.
Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh
 Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh
Trong 3 pho tượng 3 kiếp phật, thánh, vua của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thượng, pho nào có nhục thân của thiền sư ở bên trong? Phóng viên đã mang câu hỏi này hỏi những nhà tu hành, những người làm việc tại chùa và những người bán hàng quanh chùa nhưng mọi người đều trả lời cả 3 pho tượng đều không có nhục thân thiền sư. Không ai biết hài cốt của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở đâu. Mỗi người kể câu chuyện về chùa Thầy theo thông tin mình góp nhặt được.
Thấm đẫm huyền thoại
Theo Phật lục ghi: “Chùa Phật Tích có khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng...”. PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, như vậy việc bó cốt làm tượng theo phương thức “tượng táng” (mà theo Phật giáo gọi là “nhục thân”) đã có từ thế kỷ XII ở Việt Nam. Và thi hài thiền sư Từ Đạo Hạnh vẫn được xác định là pho thiền táng, tượng táng sớm nhất của Việt Nam vào thế kỷ XII. Vậy hài cốt nhà sư ở đâu, đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Gần 1.000 năm đã đi qua, chuyện về vị thiền sư nổi tiếng này vẫn thấm đẫm huyền thoại. Ngay đến ngày Từ Đạo Hạnh viên tịch cũng mang đầy màu sắc ly kỳ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Nhâm Thìn, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3, 1112, bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự.
Đạo Hạnh dặn rằng “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải báo tôi biết trước”. Rồi Đạo Hạnh cầu khẩn với sơn thần, 3 năm sau phu nhân có mang, sinh con trai là (Lý) Dương Hoán...”.
Phu nhân Sùng Hiền hầu là Đỗ thị có mang, đến khi trở dạ mãi không đẻ được. Hầu nhớ lại lời dặn của Đạo Hạnh, sai vội đến báo. Đạo Hạnh vội thay quần áo chạy vào hang núi trút xác mà chết. Phu nhân liền sinh con trai, tức là Dương Hoán…
 Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lý Dương Hoán được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi cho ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), trở thành vua Lý Thần Tông. Ngày 26 tháng 9 năm 1138, Lý Thần Tông qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 22 tuổi. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Năm 1136 vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ ban cho Minh Không. Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.
Đầu thế kỷ 17, chùa Thầy được trùng tu, mở rộng. Theo phong thủy, chùa Thầy được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu (đầu rồng). Trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng). Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Chùa Thầy có một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của con rồng trước trồng hai cây gạo nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602.