Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3/2013 đến ngày 29/7/2014, Khanh thỏa thuận Hải để Hải ký tên, đóng dấu của Phòng tư pháp huyện mà không cần thông qua bộ phận một cửa của UBND huyện Thường Tín, Hà Nội theo đúng quy định.
Về giá cả, Khanh thống nhất sẽ trả cho Hải tiền chứng thực là 6.000 đồng/bản dịch và 1.000 đồng/ bản sao. Toàn bộ số tiền trên không được cả hai nộp vào Ngân sách huyện mà các bị cáo đã giữ lại để hưởng lợi cá nhân.
Vụ việc bị phát giác vào khoảng 0h10 ngày 29/7/2014, khi lực lượng chức năng thấy chiếc ô tô của công ty TNHH MTV Dịch thuật chuyên nghiệp PTI chở nhiều thùng các-tông, chứa giấy A4 đóng dấu khống của Phòng tư pháp huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ngay trong ngày, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã lập hồ sơ, điều tra. Trong đó có hơn 200 bản tài liệu nội dung dịch thuật, và có chữ ký của Hải và các dịch thuật viên, các bản tài liệu này đều có dấu của Phòng tư pháp huyện Thường Tín.
Ngoài ra, còn có hàng nghìn tài liệu của công ty trên có đóng dấu tròn của phòng tư pháp huyện này nhưng không có nội dung.
Tại tòa, Hải khai do vụ lợi nên khi Khanh đặt vấn đề, anh ta đã đồng ý nhận đóng dấu cho các tài liệu mà Khanh yêu cầu. Hải đã tự ý mang con dấu của Phòng Tư pháp về nhà riêng để tiện cho việc sử dụng, đóng dấu chứng thực theo "đơn đặt hàng" của Khanh.
Tuy nhiên, Hải không ký, đóng dấu vào tài liệu không có nội dung. Do công ty của Khanh có nhiều tài liệu sao y, dịch thuật, Hải đã đưa con dấu của Phòng tư pháp để nhân viên công ty đóng dấu giúp. Việc nhóm nhân viên này lợi dụng đóng khống vào các tài liệu trắng, Hải không biết.
Đại diện VKSND khẳng định, Khanh đã thu lợi bất chính từ việc này số tiền 160 triệu đồng; trong khi Hải thu lợi hơn 400 triệu đồng.
HĐXX xác định, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đối với ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến uy tín của UBND huyện Thường Tín nên đã quyết định tuyên phạt mỗi bị cáo 2 năm tù giam theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố./.