Cơ chế “xin - cho” sinh ra nhiều doanh nghiệp... “quái thai”

(PLO) - “Với cơ chế như hiện nay,  mấy “ông” doanh nghiệp thủy nông có thể ví như một dạng doanh nghiệp bị “quái thai”. Mang tiếng là doanh nghiệp nhưng không phải là doanh nghiệp. Nó có sinh ra lợi nhuận đâu, nó hoạt động theo cơ chế “xin - cho” thế thôi” -  cựu Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Nhơn nói với PLVN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cứ để người dân tự trả thủy lợi phí
Miễn, giảm thủy lợi phí là chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân, đồng thời có nguồn kinh phí để tu sửa công trình. Nhưng theo một số ý kiến,  phương thức chi trả theo hình thức gián tiếp (cấp bù qua doanh nghiệp) đã làm giảm vai trò của người dân trong dịch vụ cung cấp nước, thậm chí dễ sinh lãng phí, tiêu cực?
- Các chính sách Nhà nước ban ra cái cốt lõi là làm sao phát huy được nội lực, tạo ra được động lực để mà phát triển một cách bền vững. 6.000 – 7.000 tỷ đồng hàng năm ngân sách chi ra nói là để giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân qua cấp bù thủy lợi phí, theo tôi Nhà nước đừng hỗ trợ cho người dân theo con đường đó mà “anh” cứ để người ta tự trả thủy lợi phí, ngân sách không chi cái này mà nên đưa nó vào chương trình đầu tư điện, đường, trường, bệnh viện,… và các chính sách hỗ trợ thiết thực khác cho nông dân như cấp bù cho con cái họ được đi học chẳng hạn. Đến lúc Nhà nước cần phải xóa bỏ triệt để cơ chế cấp bù gián tiếp như hiện nay. 
Theo Nghị định 30 của Chính phủ, hoạt động dịch vụ thủy lợi buộc phải chuyển sang cơ chế thị trường.Việc cung ứng sản phẩm, trong đó có dịch vụ thủy lợi, sẽ thực hiện theo thứ tự: “đấu thầu”, “đặt hàng” rồi mới “giao kế hoạch”. Phải chăng do Chính phủ chưa “cởi trói” hoàn toàn khi vẫn thừa nhận phương thức “đặt hàng” và “giao kế hoạch”  là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên 90% các địa phương vẫn thực hiện theo cơ chế cấp phát, “xin -  cho”?
- Chính phủ có cơ chế để dịch vụ thủy lợi tới đây sẽ không thực hiện theo cơ chế giao kế hoạch mà chuyển sang đấu thầu, tôi cho rằng đó cũng chỉ là một biện pháp. Mà biện pháp đấu thầu này cũng như trong xây dựng cơ bản nó vẫn có “quân xanh, quân đỏ”. Đấu thầu sai phạm, tiêu cực đầy rẫy ra đấy.  
Về cơ chế thị trường trong dịch vụ thủy lợi, nói đâu xa, chúng ta cứ phải cứ thực hiện cơ chế thị trường của miền Nam trước đây. Trước năm 1975, ở miền Nam họ thực hiện theo cơ chế thị trường hoàn toàn.  Ông bơm nước cho dân sản xuất sẽ được hưởng 1/3 thành quả lao động. Coi như mấy ông cấp nước là đi bơm thuê cho dân. Cuối vụ thu được 90 tạ, ông bơm nước được nhận 30 tạ, ông trồng lúa được 60 tạ. Nói như vậy để thấy việc thu thủy lợi phí đã có từ nhiều năm trước, tuy có chỗ này, chỗ kia có ý kiến này khác nhưng hình thành có nền nếp và đang phát triển theo hướng lành mạnh, sau đó Nhà nước bỏ cơ chế này mà tiến hành cấp bù. 
Nhà nước thu của người dân nhưng Nhà nước sẽ trả cho họ, thậm chí trả cho họ nhiều hơn, nhưng trả vào chỗ khác.  6.000 - 7.000 tỷ đồng đó, nếu cần nhân đôi, nhân ba lên cũng được, nhưng nên trả vào chỗ khác, chứ tôi không trả theo hình thức “xin-cho”, trả vào chỗ mà người nông dân bất lực không đầu tư được ấy.  
Lấy thủy lợi nuôi thủy lợi...
Nhiều ý kiến cho rằng, chẳng có doanh nghiệp nào “sướng” như doanh nghiệp thủy lợi hiện nay, bởi họ chẳng cần phải toan tính gì nhiều mà chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”, khi hàng năm chỉ chờ hút “bầu sữa” ngân sách cũng đã đủ sống ngon lành, thưa ông?
- Về căn bản nói là đổi mới nhưng tôi chỉ mong đổi cách làm theo cái cũ mà chúng ta đã thực hiện mấy chục năm trước. Tức là các doanh nghiệp thủy lợi dựa trên mức thủy lợi phí rồi tự thu lấy mà chi. Sau khi cân đối thu - chi, trong trường hợp yếu kém chưa làm tốt được thì Nhà nước mới cấp bù, nhưng mà cấp bù thêm để đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình. Phải làm sao thực hiện theo phương châm “lấy nước nuôi nước, lấy thủy lợi  nuôi thủy lợi”. Không cần tới 30% như miền Nam trước đây, chúng ta chỉ cần thu được dưới 15% thủy lợi phí từ người dùng nước đã đủ để tái tạo vốn, tái đầu tư.
Đừng đổ tội cho mấy “anh” công ty thủy lợi. “Anh em” người ta cũng biết chứ có phải không biết đâu. Nhưng cơ chế sinh ra như thế, người ta phải thích nghi để tồn tại. Cơ chế “xin -  cho” là gốc rễ của vấn đề, quan trọng là ở người ban ra chính sách. Với cơ chế như hiện nay thì mấy “ông” doanh nghiệp thủy nông có thể ví như một dạng doanh nghiệp bị “quái thai”. Mang tiếng là doanh nghiệp nhưng nó không phải là doanh nghiệp. Nó có sinh ra lợi nhuận đâu, nó hoạt động theo cơ chế “xin – cho” thế thôi. Tôi tin rằng có cơ chế mới các doanh nghiệp tự khắc họ sẽ chuyển đổi ngay. 
Tư nhân hóa: nước phải sát giá thị trường
Theo ông, để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia vào quản lý khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, Nhà nước cần làm việc gì trước tiên?
- Cái đầu tiên cần thực hiện là xây dựng được giá nước đúng giá thị trường. Còn cái giá để căn cứ vào tính định mức cấp bù thủy lợi phí hiện nay chỉ là giá để cho các công ty thủy nông đủ sức tồn tại và vận hành, hoàn toàn nó không phải là cái giá để các công ty thủy nông chủ động để kinh doanh. 
Khi tư nhân hóa, giá nước phải xây dựng đúng giá thị trường. Một công trình thủy lợi cũng như mọi công trình xây dựng cơ bản khác, khi đã hoàn công đưa vào phát huy tác dụng phục vụ sản xuất thì trong giá thành sản phẩm của công trình (giá thành 1m3 nước tưới tiêu, một hecta ruộng đất được tưới tiêu …) phải đưa vào các yếu tố sau đây. 
Yếu tố thứ nhất: Chi phí sản xuất, tức là chi phí quản lý vận hành công trình. Khoản chi phí này bao gồm trả lương công nhân, cán bộ, tiền điện và các chi phí khác. Yếu tố thứ hai: Chi phí để tu sửa thường xuyên. Yếu tố thứ ba: Chi phí cho công tác sửa chữa lớn (khấu hao sửa chữa lớn). Yếu tố thứ tư: Khấu hao cơ bản.
Nguyên tắc chung là phải tính đủ, tính đúng cả 4 yếu tố nói trên. Nhưng đối với công trình thủy lợi do có đặc điểm riêng nên cần có sự hỗ trợ của ngân sách như sau:  Đối với cả 3 yếu tố đầu thì phải tính đủ, tính đúng. Chỉ hỗ trợ đối với yếu tố thứ tư ở các mức độ khác nhau, tức là chỉ hỗ trợ khi xem xét quyết định tỉ lệ khấu hao cơ bản. Việc giảm tỷ lệ khấu hao cơ bản sẽ góp phần làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm. Chẳng hạn quy định giảm tỉ lệ khấu hao cơ bản từ 3 – 4% xuống còn 1 - 2% thì đã là một sự hỗ trợ to lớn của ngân sách đối với các xí nghiệp thủy nông và ngành thủy lợi, hay nói đúng hơn đối với các hộ dùng nước.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi này! 
VĨNH LONG: Cổ phần hóa các công ty thủy nông 
Liên quan đến việc quản lý các công trình thủy lợi, hôm qua (2/6), trao đổi với PLVN bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, ĐBQH tỉnhVĩnh Long cho hay, ở địa phương ông, các công ty quản lý khai thác thủy nông đã chuyển thành công ty cổ phần,  tham gia khai thác thủy nông cùng các doanh nghiệp khác. 
Có nhiều đơn vị tham gia nhưng có một đơn vị chủ công đầu mối, các đơn vị cạnh tranh bình đẳng chứ không có độc quyền. Quản lý đầu mối hoạt động này là Chi cục Thủy lợi của tỉnh – cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát toàn bộ hoạt động liên quan đến thủy lợi trên địa bàn. Hàng năm được ngân sách nhà nước cấp bù từ thủy lợi phí. Khoản ngân sách này được quản lý tập trung trong hệ thống quản lý nhà nước từ Chi cục Thủy lợi. 
Trao đổi với PLVN, ông Thanh khẳng định việc hỗ trợ thủy lợi phí thông qua đầu tư hạ tầng là hoàn toàn tốt cho người dân, tránh thất thoát và sử dụng không đúng mục đích. “Tất cả nguồn đầu tư được hỗ trợ từ ngân sách và thủy lợi phí, dẫn giao về một đầu mối, một nguồn ngân sách tập trung, từ đó mới xác định địa chỉ đầu tư, tổ chức đấu thầu công khai, thực hiện theo chính sách chế độ liên quan…”- ông Thanh cho biết.

Đọc thêm