Bi kịch giữa đêm khuya
Khoảng 15h ngày 2/11/2013, anh Nguyễn Chí N. đến quán uống rượu cùng chị Ch. và một số người bạn. Chừng 21 giờ, anh N. điều khiển xe máy chở chị Ch. tiếp tục nhậu tăng hai tại một quán nhậu ở quận 6. Sau đó, hai người cùng vào... nhà nghỉ.
Khoảng 22 giờ 30 cùng ngày, cả hai ra về và lưu thông trên đường Vành Đai Trong thì gặp Nguyễn Văn An (SN 1987, ngụ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), là chồng Ch. đi tìm.
Phát hiện vợ đang ngồi sau xe của anh N., An tăng ga cho xe kè sát bên tay trái và yêu cầu anh N. dừng xe để hỏi chuyện. Nhưng do trước đó anh N. đã phát hiện An đuổi theo nên tăng ga bỏ chạy. Hai xe lưu thông sát nhau dẫn đến va chạm và cùng té ngã làm anh N. tử vong.
Trong quá trình điều tra, An khai nhận trong lúc chạy xe rượt đuổi không dùng chân đạp vào người hay xe của anh N, cũng không cố ý làm cho anh N. chết mà chỉ muốn đuổi kịp để căn vặn về việc tại sao lại chở vợ từ nhà trọ ra. An cũng ra đầu thú ngay sau khi gây án.
Trên những cơ sở này, VKS khởi tố, truy tố An về tội “Vô ý làm chết người”. Khi hồ sơ chuyển qua, Tòa cho rằng hành vi của An cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Bình Tân, VKS đề nghị xử An mức án 1 năm tù giam về tội “Vô ý làm chết người”. Luật sư bào chữa cho An nhấn mạnh, An là lao động chính trong gia đình và có con còn nhỏ. Riêng đối với người bị hại cũng có một phần lỗi đáng kể. Từ đó, luật sư đề nghị xử bị cáo với mức án thấp nhất và cho hưởng án treo.
Trong khi đó, luật sư phía bị hại lại cho rằng hành vi của An có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” hoặc tội “Giết người” và đề nghị điều tra thêm, xem xét lại tội danh đối với An cho phù hợp.
Riêng về trách nhiệm dân sự, do phía gia đình bị hại đưa ra yêu cầu đã được bị cáo đồng ý nên không có ý kiến gì. Sau khi cân nhắc, TAND quận Bình Tân tuyên phạt An 1 năm 6 tháng tù giam về tội “Vô ý làm chết người”.
Rắc rối chưa có hồi kết
Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, gia đình bị hại viết đơn kháng cáo về tội danh và đề nghị tăng tiền bồi thường. Vào giữa tháng 1/2015, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm. Ngồi trước vành móng ngựa, ánh mắt buồn bã, An cho biết mình không hề muốn anh N. phải chết, tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
Tuy nhiên, An cũng thừa nhận lúc đó bị cáo điều khiển xe với vận tốc 50km.
Vợ của anh N. cho rằng, lời khai của An là không đúng. Bởi, do An đạp vào xe nên anh N. té ngã chết chứ không phải do va quệt tay lái. Còn về trách nhiệm dân sự, tuy trước đây phía gia đình chị đã được gia đình An bồi thường thiệt hại hai lần với tổng số tiền là 160 triệu đồng nhưng nay vẫn tiếp tục yêu cầu An phải có trách nhiệm nuôi hai con của nạn nhân với số tiền mỗi tháng một cháu 1,5 triệu đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng An điều khiển xe máy chạy kè sát song song với xe của anh N. mới dẫn đến va chạm và dẫn đến hậu quả anh N. tử vong là không giữ khoảng cách an toàn nên hành vi này của An có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Phía VKS cho rằng, kiến nghị của Tòa sơ thẩm là đúng, cần hủy án, làm rõ thêm các tình tiết như giấy phép lái xe của bị cáo có hợp lệ không, khi gây tai nạn xe chạy với tốc độ cao hay không…
Do còn nhiều uẩn khúc không thể làm rõ, Tòa phúc thẩm quyết định hủy án, giao về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại./.