Địa chỉ đỏ cho người nặng lòng với sách

(PLO) - Ngoài những không gian sách như Đường sách Nguyễn Văn Bình, Thư viện Tổng hợp, người Sài Gòn yêu sách còn có thể chọn một địa chỉ đỏ nữa là tiệm sách miễn phí của ông Cần trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM). 
Bạn đọc tại tiệm sách của ông Cần
Bạn đọc tại tiệm sách của ông Cần

Tiệm sách ông Cần là một không gian mở hoàn toàn để những người nặng lòng với sách có thể trò chuyện, chọn cho mình cuốn sách hay và nhàn nhã đọc.

Niềm ước trong mơ

Đó là một tiệm sách nhỏ nằm trên cung đường với không gian tiệm sách chỉ vỏn vẹn có 10m2 nhưng lúc nào cũng đông khách. Nơi đây có hàng ngàn đầu sách giá trị, phong phú và đa dạng từ sách Phật pháp đến văn học, nghệ thuật, tâm lý, xã hội, ngôn ngữ và cả báo chí…

Ông chủ tiệm sách có họ và tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Cần (65 tuổi, quê gốc Long An). Từ nhỏ với niềm say mê đọc sách nên ông luôn nung nấu ước mơ sẽ có điều kiện mở một tiệm sách mini. Thể loại sách ông thích vẫn là Phật giáo, văn hóa, văn học, lịch sử.

Ông Cần bộc bạch: “Hồi nhỏ gia đình quá khó khăn nên có tiền mua một cuốn sách giáo khoa để học đã khó, nào dám mơ đến sách tham khảo. Vậy nên ông hay đi đọc ké, hoặc mượn sách bạn bè. Mê đọc sách và đọc nhiều đến nỗi mình trở thành “mọt sách” lúc nào không hay”.

Ông Cần nhớ lại: Thời gian đầu đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp với bao lo toan “cơm áo gạo tiền” cùng áp lực nuôi con cái ăn học, vất vả vậy nhưng mỗi lần tích lũy được khoản tiền riêng, ông tìm đến các tiệm sách cũ để chọn mua. “Sách giúp cho con người mở mang kiến thức, mang đến lợi ích rất nhiều trong công việc, gia đình và xã hội. Sách như người bạn tinh thần vô giá. Sách mang lại nhiều điều diệu kỳ...”, ông tâm sự say sưa.

Khi kinh tế gia đình dần trở nên sung túc cũng là lúc ông dành nhiều thời gian nâng niu thú mê sách của mình. Ban đầu chỉ những cuốn sách ông gom góp thời trai trẻ. Ông thấy tiệm mình ít đầu sách, xin gia đình thêm một khoản vốn nhỏ, lặn lội đến các tiệm sách bất kể xa hay gần để tìm những cuốn sách hay mang về. Dần dà, căn nhà ông xếp chồng những đống sách to tướng, che lấp cả lối đi. Căn nhà nhìn đâu cũng thấy sách, khắp nơi la liệt sách…

Sài Gòn cần những tiệm sách như thế!

Tiếng lành đồn xa, tiệm sách của ông ban đầu chỉ có những người già thích đọc kinh Phật hay Phật pháp. Vài năm trở lại đây, giới trẻ tìm đến tiệm ông ngày càng nhiều. Phần lớn họ đến đây tìm đọc miễn phí hoặc mượn về mà không cần biên phiếu. Nhiều người nói ông khùng nhưng ông tâm niệm: “Sách là tri thức của nhân loại, nếu lỡ họ quên mang trả lại thì nó cũng chuyền đến tay người khác thì cũng có ích”.

Theo đó, tiệm sách dù chỉ mở từ 15h đến 20h30 hàng ngày nhưng hôm nào cũng đông khách. Có hôm khách vì đam mê đọc sách quá nên ông cũng nhẫn nại cùng ngồi đọc sách chờ tới khuya mà vẫn vui vẻ. Những người đến tiệm tìm đọc sách đủ mọi thành phần, chức giới, ngành nghề; từ người già đã về hưu đến bậc trung niên, những anh kỹ sư, sinh viên và các em học sinh, hay có khi là bác xe ôm, cô hàng nước…

Ông tâm sự về một kỷ niệm rất vui khi mở tiệm sách này. Đó là chuyện có nhà văn Nguyễn Xuân Chiến (Huế) khi đọc trên báo chí đã lặn lội từ Huế vào Sài Gòn tìm đến tiệm sách của ông, qua nhiều lần tâm sự, chia sẻ với nhau về cuộc sống, giờ hai người đã thành bạn tâm giao. Từ đó, mỗi khi thu thập được nhiều sách ông Chiến lại lặn lội đưa vào đóng góp cho tiệm sách này, góp phần làm giàu tiệm sách.

Không chỉ những người già mê đọc kinh Phật hay Phật pháp, tiệm của ông còn thu hút giới trẻ. Một học sinh đến đây đọc sách chia sẻ: “Từ khi có tiệm sách này em rất vui. Mỗi khi có thời gian rảnh em lại ra tiệm ngồi đọc. Tiệm sách tuy hơi chật chội nhưng người chủ thoải mái, cởi mở và thân thiện vô cùng. Chắc hẳn đó là lý do mà chúng em chọn tiệm sách để thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng ở trường”.

Tuy không gian nhỏ, ông Cần đã trang bị những kệ sách, phân loại chúng theo những tiểu mục nhỏ để cho độc giả dễ tìm những thể loại mà họ quan tâm. Thấy tiệm sách ngày càng đông người lui tới, ông Cần thấy trong lòng rất vui. Ông vừa cười vừa nói: “Tôi thiết nghĩ, nếu người nào có ý định cần mở tiệm sách miễn phí như thế này, tôi sẵn sàng giúp. Vì tiệm ra mở ra là để làm những chuyện như thế!”.

Đúng như tâm niệm, ông Cần mở tiệm sách miễn phí giúp đời mà không hề tính toán về kinh tế. Khi được hỏi: “Chú có tâm niệm gì về cuộc đời qua tiệm sách miễn phí này của mình không?”. Ông nở nụ cười rất hiền: “Cũng có nhưng nhỏ nhoi thôi. Hãy cố sống vì mọi người, hãy sống thật tình người, hạnh phúc sẽ đến với ta thật… tuyệt vời. Cứ hy vọng sẽ có ngày đó”.

Từ câu chuyện của ông Cần chắc hẳn không ai sẽ bảo Sài Gòn hối hả, bon chen và ngột ngạt nữa. Ở đâu đấy, ta vẫn tìm thấy chút khoảnh khắc rất đỗi đáng yêu của người Sài Gòn. Không phải lòng tốt, sự hào sảng mà là nét đẹp trong văn hóa đọc đang dần “xếp” vào quên lãng.

Trò chuyện với ông Cần, người viết bài chợt nhớ lại cảnh vui khoảng chục năm về trước, cảnh tượng thường thấy trên xe, sân trường và nhiều nơi công cộng là các bạn trẻ, người lớn say sưa với các cuốn sách. Tuy nhiên, bây giờ hiếm thấy cảnh tượng người trẻ mải mê với những cuốn sách trên tay vì họ bận rộn với smartphone hoặc máy tính. Thậm chí hiện nhiều bạn còn cho rằng việc đọc những thông tin nóng hổi về thể thao, thời sự, chuyện hậu trường showbiz với những cái tít giật gân, khơi gợi sự tò mò, kèm hình ảnh sinh động trên điện thoại hay máy tính sẽ thích thú hơn nhiều so với những cuốn sách dày cộp, chữ nghĩa “đau đầu”.

Nhưng có lẽ, sẽ còn đau hơn khi biết rằng người Việt chỉ đọc không đến 01 cuốn sách/năm như một con số thống kê đưa ra khiến nhiều chuyên gia phải trăn trở. Và những tiệm sách như tiệm ông Nguyễn Ngọc Cần sẽ là một cứu cánh để nâng cao văn hóa đọc, bồi đắp tâm hồn con người giữa cuộc sống công nghiệp hiện đại, bộn bề áp lực này. 

Đọc thêm