Địa phương mong triển khai rộng phần mềm đăng ký khai sinh

(PLO) - Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016 – 2020, nhiều báo cáo chuyên đề đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu trung ương và địa phương. Nổi bật là tình hình triển khai thi hành Luật Hộ tịch liên quan đến đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, triển khai những nội dung mới, đột phá trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội
Phải kịp thời hướng dẫn, cung cấp biểu mẫu hộ tịch
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay đã và đang hoàn thành 7/8 nhiệm vụ lớn theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch ban hành kèm theo Quyết định số 50/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch của Bộ Tư pháp. 
Đặc biệt, kết quả triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và phần mềm cấp số định danh cá nhân tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM trong những ngày đầu tiên qua thông tin báo chí, dư luận xã hội là khá thuận lợi. 
Thảo luận của địa phương cho thấy, các địa phương đều đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hộ tịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang thì cho biết đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các ban, ngành tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan ở địa phương; tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức tư pháp, hộ tịch. Phú Thọ cũng đã rà soát đội ngũ cán bộ và đặt mục tiêu phấn đấu sớm đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo100% cán bộ đáp ứng yêu cầu của Luật Hộ tịch. 
Trong năm 2016, tỉnh sẽ triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch ở cả 3 cấp và xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch thống nhất trong địa bàn. Ông Quang đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế về lĩnh vực hộ tịch; sớm ban hành, công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch và sớm triển khai phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Là 1 trong 4 thành phố triển khai thí điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình điểm lại một số công việc đã triển khai như tập huấn nghiệp vụ, phần mềm đăng ký khai sinh cho đội ngũ cán bộ, giao Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch. 
Ông Bình cũng kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo hướng dẫn kịp thời, đầy đủ những nội dung mới của Luật Hộ tịch; tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và cung cấp đủ mẫu biểu của Bộ bởi số lượng cấp hiện còn ít, chưa kịp thời.
Cũng liên quan đến biểu mẫu hộ tịch, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan chia sẻ, theo hướng dẫn mới, có 5 biểu mẫu phải mua nhưng do vào thời điểm cuối năm 2015 nên Bộ Ngoại giao không kịp đặt và chuyển sang Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 
Bà Lan đề nghị cho phép sử dụng biểu mẫu cũ đến hết ngày 30/4/2016 để thu xếp nhận biểu mẫu mới. Bên cạnh đó, bà Lan mong muốn Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn tất xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, ứng dụng phần mềm đăng ký hộ tịch tại các Cơ quan đại diện. 
Sôi nổi triển khai 2 bộ luật lớn
Theo Q.Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú, công tác tổ chức các hoạt động tập huấn, giới thiệu, phổ biến, tuyên truyền về Bộ luật Dân sự (BLDS) để các cơ quan, tổ chức, địa phương và các tầng lớp nhân dân được tiếp cận kịp thời, đầy đủ nội dung cơ bản của BLDS là rất 
quan trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan liên quan tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; từ đó tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với BLDS. 
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định, việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn xã hội. Do đó, không chỉ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm mà tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi người dân đều phải hiểu biết, nắm được nội dung quy định của BLHS, nhất là những điểm mới trong chính sách hình sự, trên cơ sở này tích cực tham gia công tác phòng ngừa và chống tội phạm. Vì vậy, việc triển khai thi hành BLHS phải mang tính đồng bộ, sâu rộng và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), sau khi có Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an sẽ ban hành Kế hoạch triển khai BLHS trong lực lượng CAND cũng như tiến hành tổng rà soát các văn bản có liên quan đến BLHS; tổ chức tập huấn chung, tập huấn chuyên sâu trong lực lượng CAND; rà soát toàn bộ hệ thống giáo trình đang giảng dạy trong các trường của ngành CAND để sửa đổi, bổ sung. 
Bộ Công an cũng sẽ ban hành văn bản chỉ đạo rà soát các vụ án theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 về thi hành BLHS để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, rà soát đối tượng. Ông Ngọc Anh đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng tài liệu tập huấn chung trong toàn quốc…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, địa phương rất quan tâm đến rà soát các văn bản thuộc thẩm quyền địa phương nhằm thi hành hai bộ luật quan trọng và cam kết tỉnh sẽ đầu tư nguồn lực, kinh phí cho việc triển khai này. 
Cùng với việc bồi dưỡng tập huấn đội ngũ trực tiếp liên quan đến thi hành hai bộ luật, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch cụ thể và kiến nghị Bộ Tư pháp giúp giới thiệu những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự cho địa phương, đảm bảo việc tập huấn thiết thực, hiệu quả.

Đọc thêm