Địa phương thứ 2 được thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

(PLVN) - Chiều 19/6, với 445/451 đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là địa phương thứ 2, sau Hà Nội, được tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Một nội dung lớn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chính là vấn đề cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương các cấp ở thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm, bởi việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là vấn đề rất quan trọng, cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, nơi nào đủ điều kiện, được sự đồng thuận, thống nhất cao thì mới triển khai thực hiện.

Giải trình vấn đề này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin được tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định mỗi Ban của HĐND thành phố có không quá 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 2). 

Quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi Ban. 

Để tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở quận, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. 

Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm (khoản 1 Điều 2). 

Có ý kiến đề nghị rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nơi thực hiện thí điểm để có sự điều chỉnh cho phù hợp; bổ sung quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự. 

Tiếp thu các ý kiến nêu trên, UBTVQH đã cho rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp ở thành phố Đà Nẵng cho phù hợp với mô hình thí điểm. Đối với UBND quận và UBND phường, dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn ngay trong Nghị quyết của Quốc hội; bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự.

Như vậy, với Nghị quyết mới được thông qua này thì cả nước có 02 địa phương thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng). 

Việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm khác nhau là cần thiết vì thông qua đó, sẽ có cơ sở so sánh, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng mô hình, từ đó rút kinh nghiệm để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị phù hợp, áp dụng thống nhất, đồng bộ ở các địa phương.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.

Theo Báo cáo của UBTVQH, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó Nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. 

Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, xin phép Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. 

Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Đọc thêm