Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp: Làm gì để người nhiễm HIV không bị thiếu thuốc?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để đối phó với “gánh nặng kép” dịch bệnh, người nhiễm HIV bên cạnh việc cần tuân thủ và thực hiện nguyên tắc 5K thì nên chủ động thông báo cho cán bộ y tế, tình nguyện viên cộng đồng về sức khỏe của mình, dự liệu về diễn biến sức khỏe xấu có thể xảy ra, tình hình thuốc, sự thay đổi về địa điểm, số điện thoại liên hệ… để được hỗ trợ kịp thời trong tình thế bất khả kháng.
 Nhân viên phòng khám chuyên khoa HIV trực tại chốt để nhận thuốc cho bệnh nhân tại Đồng Nai.
Nhân viên phòng khám chuyên khoa HIV trực tại chốt để nhận thuốc cho bệnh nhân tại Đồng Nai.

Tại Diễn đàn “Duy trì điều trị HIV trong bối cảnh COVID-19” vừa được Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức, ông Lưu Khiết – Chủ tịch Mạng lưới quần thể dịch trẻ Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiếp cận với nguồn thuốc điều trị HIV (ARV) tại một số tỉnh, thành trong Nam vô cùng khó khăn, khiến người nhiễm HIV rất lo lắng, hoang mang khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng.

“Có người không có thuốc uống, trong khi việc uống thuốc đều đặn, hàng ngày đối với người nhiễm HIV là yêu cầu số 1. Nhiều bệnh nhân chuyển sang tình trạng nặng vì sức khỏe suy kiệt bởi thiếu thuốc. Ở các khu vực bị phong tỏa, mọi người phải san sẻ cho nhau từng viên thuốc. Tình trạng này còn đáng lo ngại hơn ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Vì sợ gia đình kỳ thị, họ phải lén lút tìm kiếm thuốc, uống thuốc, cộng thêm nỗi lo lây nhiễm COVID-19 nên tinh thần bị suy sụp nặng nề” - ông Khiết nói.

Ông Nguyễn Anh Phong – Phó Giám đốc Phòng khám Nhà Mình (TP HCM) cũng chia sẻ, bản thân người nhiễm chủ động tìm kiếm thuốc đã khó, cán bộ y tế, tiếp cận viên cộng đồng muốn mang thuốc đến cho họ cũng phải trải qua 4-5 chặng đường. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thuốc phải chuyển đến bằng đường bưu điện hoặc xe chở hàng, nhưng để đến được tay người bệnh ở các vùng bị phong tỏa cũng phải qua 3-4 lần trung chuyển, đến khâu cuối cùng các tiếp cận viên cộng đồng phải vào cuộc.

“Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vô cùng lớn, nhưng nỗi lo bệnh nhân không có thuốc điều trị đã lấn át cả sự sợ hãi. Vì sợ bệnh nhân bị kháng thuốc, chúng tôi không từ nan, tìm đủ mọi cách mang thuốc đến cho họ. Có bệnh nhân đã bật khóc khi đón nhận túi thuốc từ tay các tình nguyện viên cộng đồng” – ông Phong cho biết.

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để không bị “đứt gãy” nguồn thuốc ARV cho những người đang sống chung với HIV và dịch bệnh COVID-19”, TS Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải cố gắng sống an toàn với dịch bệnh. Cụ thể, phải cố gắng để bản thân không bị nhiễm, nếu nhiễm bệnh vẫn an toàn, đặc biệt với người nhiễm HIV nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là rất lớn nên càng phải đề cao cảnh giác.

Theo ông Cảnh, để đối phó với “gánh nặng kép” dịch bệnh, người nhiễm HIV bên cạnh việc cần tuân thủ và thực hiện nguyên tắc 5K thì nên chủ động thông báo cho cán bộ y tế, tình nguyện viên cộng đồng về sức khỏe của mình, dự liệu về diễn biến sức khỏe xấu có thể xảy ra, tình hình thuốc, sự thay đổi về địa điểm, số điện thoại liên hệ… để được hỗ trợ kịp thời trong tình thế bất khả kháng.

“Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị vì “dự phòng là điều trị, điều trị là dự phòng”, tuân thủ điều trị để hạn chế tỷ lệ kháng thuốc. Những ca dương tính với HIV mới thì nhanh chóng tiếp cận với điều trị. Những người cần điều trị dự phòng thì tiếp cận nguồn thông tin bổ ích về thuốc điều trị dự phòng và sớm sử dụng…” - TS Hoàng Đình Cảnh lưu ý.

Liên quan đến thuốc điều trị HIV từ nguồn bảo hiểm y tế, TS. Đỗ Thị Nhàn – Trưởng phòng Điều trị, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thông tin, trong năm 2022 sẽ có sự thay đổi lớn về nguồn thuốc điều trị HIV. Theo đó, tất cả bệnh nhân đang điều trị ARV từ nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu sẽ chuyển sang điều trị bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

Vì lẽ đó, người nhiễm HIV nên mua BHYT càng sớm càng tốt. Nếu không hiểu cặn kẽ về thủ tục, người bệnh có thể liên hệ với nhân viên y tế hoặc tiếp cận viên cộng đồng để được tư vấn, hướng dẫn mua thẻ BHYT. Trong trường hợp bị hết thuốc mà nằm trong khu vực bị phong tỏa, bệnh nhân có thể liên hệ với phòng khám tư nhân để hỗ trợ về thuốc, sau đó nhờ tư vấn điều trị ở phòng khám chuyên môn cao hơn…

“Trong hoàn cảnh “dịch chồng dịch” nhưng không ai bị đơn độc. Ngoài hệ thống Phòng khám Nhà Mình, chúng ta còn rất nhiều ngôi nhà khác, trong đó có Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Mọi người cần lấy ngay số điện thoại của phòng khám gần nhà, cơ sở y tế địa phương. Trong trường hợp không liên lạc được thì hãy tìm đến ngôi nhà lớn hơn. Và mục tiêu của chúng ta là: “Không để bị “đứt” thuốc bằng mọi giá” – lãnh đạo Phòng Điều trị, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khẳng định.

Đọc thêm