Dịch bệnh Covid-19 tại Pháp ghi dấu mốc mới

(PLVN) - Số người chết vì đại dịch Covid-19 tại Pháp ngày 12/5 đã tăng thêm 349 ca, lên thành 26.991 vào thứ ba, vượt qua Tây Ban Nha để trở thành quốc gia có số người tử vong cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Anh và Italia.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Reuters, dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 của Pháp đã bám sát Tây Ban Nha trong vài tuần, với số người tử vong vì dịch bệnh của cả 2 quốc gia đều trên 22.000 kể từ ngày 24/4 và số người tử vong của Tây Ban Nha đã ít hơn 100 so với Pháp trong vài ngày của tuần trước.

Theo Bộ Y tế Pháp, số người đang phải điều trị Covid-19 trong các bệnh viện ở nước này vào ngày 11/5 đã giảm từ 22.284 người xuống còn 21.595 người, tiếp tục xu hướng giảm liên tục kéo dài 4 tuần qua.

Số người được chăm sóc đặc biệt - thước đo chính về khả năng đối phó với đại dịch của hệ thống y tế - cũng tiếp tục xu hướng giảm, giảm 170 người, tương đương mức giảm 6,3%, xuống còn 2.542.

Vào đầu tháng 4, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, con số này ở Pháp lên đến hơn 7.000 người.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp ngày 12/5 đã tăng thêm 708 ca, lên thành 140.227 ca. Mức tăng của ngày 11/5 là 456 ca.

Nếu tính cả 37.988 trường hợp được cho là có thể mắc bệnh, tổng số trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận và có thể nhiễm bệnh ở Pháp đã tăng thêm 802 người, lên thành 178.225 người, đưa Pháp lên vị trí thứ 6 trên toàn thế giới về số người nhiễm bệnh Covid-19.

Tính đến ngày 12/5, số người chết vì dịch bệnh Covid-19 của Mỹ đang ở đứng ở mức 80.606 người, ở Anh là 32.065 người và Italia là 30.911. Tây Ban Nha theo sau Pháp với 26.920 người đã tử vong kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Vào ngày thứ 2 sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ trên toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tái khẳng định rằng họ sẵn sàng thắt chặt các hạn chế một lần nữa nếu cần thiết.

Điều phối viên về việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa của chính phủ Pháp Jean Castex cho hay, 36 giờ đầu tiên của việc nới lỏng phong tỏa đã diễn ra theo kế hoạch.

Theo ông Castex, thách thức lớn nhất trong việc duy trì giãn cách xã hội như một yếu tố chống lại sự lây truyền của virus là giao thông công cộng ở các khu vực đông dân cư.

“Chúng ta phải xem xét khả năng đảo ngược kết thúc việc phong tỏa. Nếu một số chỉ số xấu đi, chúng ta sẽ một lần nữa thắt chặt các biện pháp, có thể trên cơ sở khu vực”, ông Castex nói.

Vào cuối ngày 11/5, Chính phủ Pháp đã cấm tiêu thụ rượu dọc theo khu vực kênh Saint-Martin nổi tiếng ở phía đông Paris, nơi các nhóm thanh niên háo hức gặp với nhau, chống lại các quy định về giãn cách xã hội.

Chính phủ Pháp cũng đang duy trì việc đóng cửa các công viên nổi tiếng ở Paris như Jardin du Luxembourg, bất chấp lời kêu gọi của Thị trưởng Anne Hidalgo về việc mở cửa trở lại khu vực này cho người dân Paris – trong đó có nhiều người sống trong các căn hộ chật chội không có ban công hoặc sân thượng - nhiều không gian hơn để thư giãn. 

Chính phủ Pháp cho biết họ sẽ xem xét phong tỏa đất nước một lần nữa nếu số ca nhiễm bệnh mới hàng ngày lại tăng trên 3.000 ca. 

Trong 6 ngày qua, số ca nhiễm bệnh mới ở Pháp đã tăng trung bình khoảng 670 người mỗi ngày.