“Địch Công kỳ án” - Án lồng trong án

(PLVN) - Địch Công kỳ án mang đến một không khí mới, tạo nên sự sức hấp dẫn riêng và trở thành một trong những series trinh thám hấp dẫn với mọi đối tượng bạn đọc nói chung và bạn đọc trinh thám nói riêng. Điều gì khiến cho bộ tiểu thuyết trinh thám quan án của Robert van Gulik vẫn luôn hấp dẫn và thu hút bạn đọc thế kỷ 21 như vậy?
Các bạn trẻ say mê Định Công kỳ án
Các bạn trẻ say mê Định Công kỳ án

Làng xuất bản sách đón sự trở lại một cách trọn vẹn của series 16 tập “Địch Công kỳ án” của nhà Đông Phương học người Hà Lan Robert Van Gulik. Sách do Phuc Minh Books phối hợp với nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Dòng văn học trinh thám quan án có một đặc điểm rất thú vị, chủ yếu xuất phát ở phương Đông, nơi xã hội phong kiến tồn tại đến hàng nghìn năm. Xã hội mà Vua là Thiên tử, quan lại như phụ mẫu của dân và chịu trách nhiệm chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của con dân mình. “Địch công kỳ án” là một tác phẩm hư cấu, lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 - 700). Ông có tiếng là vị quan thanh liêm, vị thần thám tài ba lỗi lạc dưới thời dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên, đời nhà Đường - Chu.

Điều đặc biệt trong “Địch Công kỳ án”, là các “vụ án lồng trong án”. Từ một vụ án chính, sau đó, sẽ có từ ba đến bốn vụ án có thể có mang mối liên quan đến các vụ án chính. Và vụ án có sự xâu chuỗi nội dung, tình tiết cực kì logic và thuyết phục. 

Thuộc thể loại trinh thám quan án, bộ truyện mang đậm dấu ấn Trung Quốc với những cái chết kỳ lạ: những vụ mất tích bí ẩn, hổ tinh ăn thịt người, những hồn ma, lời nguyền chết chóc.... Mỗi tập truyện bao gồm nhiều vụ kỳ án nhuốm màu sắc liêu trai, ma quái, kích thích trí tò mò người đọc.

Có một điều đặc biệt phải kể tới ở đây đó là tác phẩm lại được viết bởi nhà Đông Phương học Robert Van Gulik - người Hà Lan. Bởi vậy, tác phẩm cũng vô cùng khác biệt so với những tác phẩm do chính người Phương Đông chấp bút. Mặc dù viết về phương Đông nhưng lại mang cái nhìn của phương Tây.

Xuyên suốt các tập truyện, người đọc vẫn có thể cảm thấy những vụ “Địch Công kỳ án" không chỉ là chuyện hư cấu từ ngàn năm trước mà còn vẽ nên những bức tranh nhân tình thế thái sống động. Những nét văn hóa - lịch sử thời nhà Đường dưới triều đại Võ Tắc Thiên trị vì được tác giả Van Gulik khéo léo lồng ghép giữa các vụ án. Thậm chí, tác giả còn đưa đến cả một cái nhìn bao quát về bộ máy quan lại thời Đường, dưới thời trị vì của nữ hoàng đế. 

“Địch Công kỳ án” cũng hàm chứa những giá trị nhân văn rất lớn: Kẻ thủ ác nhất định sẽ bị trừng phạt, công lý luôn luôn chiến thắng. Và có lẽ điều khiến độc giả hiện đại không thể không hứng thú và say mê, đó là lòng can đảm, nghĩa hiệp, niềm tin vững chắc vào công lý, rằng vào lúc cuối cùng, cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. Không đơn thuần chỉ là công lý, nhân vật Địch Công còn cho thấy cách giải quyết vấn đề, các vụ án luôn có sự cân nhắc song song giữa tình - lý qua từng tập truyện. Có những kẻ phạm tội vì bất đắc dĩ, vì chẳng đặng đừng…, có những kẻ lòng lang dạ sói, bất chấp vương pháp… Tất cả đều được ông đưa ra đánh giá và suy xét kĩ càng đưa đến phán quyết cuối cùng, sao cho mọi sự đều hợp tình hợp lý. 

Dù có phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, đương đầu với những hung thủ xảo quyệt hay sức ép của triều đình, đôi khi còn là sự không tín nhiệm của dân chúng, nhưng Địch Công và các thủ hạ vẫn luôn giữ tấm lòng trung hiếu, nhân nghĩa. Địch Công quyết không để kẻ ác lọt lưới nhưng vẫn luôn đối xử hết sức nhân văn với những phận người cùng quẫn trong xã hội.