Chưa thể chắc chắn về mức độ nguy hiểm của biến thể mới
Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong số ca mắc mới thì nhóm chưa tiêm vaccine tăng nhiều hơn so với những người đã tiêm, nhất là nhóm trẻ dưới 12 tuổi (trong tháng 1 chiếm 18,4% số ca mắc, tháng 2 là 24,3%).
Đặc biệt, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TPHCM. Biến thể Omicron đang thay thế dần biến thể Delta.
Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Kết quả giải trình tự gene ngẫu nhiên từ ngày 4/12/2021 đến 1/3/2022 cho thấy, 85% số mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính (93/109 mẫu) mang biến thể Omicron. Trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 của Omicron (86/93 mẫu). Tại TPHCM, biến thể Omicron cũng chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, số mắc COVID-16 trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Omicron.
Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, cho biết dựa trên khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền, khả năng "trốn thoát" chẩn đoán, "trốn thoát" miễn dịch, biến chủng Omicron được WHO xếp vào "nhóm biến thể đáng lo ngại". Các biến thể phụ của Omicron bao gồm: BA.1, BA.1.1, BA.2, BA.3 và các dòng phụ khác.
Hiện nay, Omicron đang là biến thể chiếm ưu thế và lây lan trên quy mô toàn cầu và chiếm 50% trong số các thể đã được giải trình tự gen.
TS. Vũ Quốc Đạt cũng cho biết Omicron có nhiều biến thể phụ, trong đó, biến thể phổ biến nhất trên quy mô toàn cầu là BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, thế giới ghi nhận thêm tỉ lệ mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.2 tăng nhanh.
Biến thể phụ BA.2 và BA.1 của Omicron khác nhau trong trình tự gen của virus, trong đó có khác biệt về một số amino axit và cấu tạo nên một số protein gai cùng một số protein khác. Đặc biệt, protein gai có ý nghĩa rất quan trọng khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cũng như điều chế vaccine. Vì vậy, các biến thể phụ này vẫn đang tiếp tục được theo dõi trong trường hợp chúng có ảnh hưởng tới khả năng chẩn đoán, xét nghiệm cũng như đối với các vaccine đang lưu hành hay không.
"Cho đến nay, các số liệu cho thấy biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron đang gia tăng nhanh hơn so với biến chủng phụ BA.1, do biến thể phụ BA.2 thừa hưởng đặc tính của biến thể phụ BA.1 về khả năng lây nhiễm rất nhanh. Biến thể BA.2 cũng được gọi là biến thể "tàng hình" vì có khả năng lây lan âm thầm mà chúng ta không biết hoặc khó phát hiện, tức là nó ẩn đối với các xét nghiệm đang sử dụng hiện nay", TS. Vũ Quốc Đạt chia sẻ.
Còn theo ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau biến thể Omicron, thế giới đã phát hiện thêm các biến thể phụ của Omicron. Tạm thời biến thể này đang gây bệnh nhẹ, chưa xuất hiện nhiều ca bệnh nặng đột biến, tuy nhiên đó là biến thể mới, thậm chí có thể ghi nhận các biến thể mới khác nữa nên chưa có điều gì chắc chắn về mức độ nguy hiểm của bệnh.
Không nên phân biệt biến thể nào gây bệnh nhẹ hơn hoặc nặng hơn
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, virus SARS-CoV-2 đã liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron. Thời gian gần đây, trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, trong đó có các biến thể phụ của biến thể Omicron. Điều đáng nói là các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm, do đó tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
Đến nay, WHO vẫn coi COVID-19 ở trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, vì vậy chúng ta vẫn cần duy trì các hoạt động ứng phó với đại dịch ở mức cao.
"Hiện nay, biến thể Omicron có thuận lợi là gây bệnh nhẹ, tỉ lệ chuyển nặng ít, nhưng mức độ lây lại rất nhanh. Chúng ta chưa thể lường trước được những thay đổi của virus này. Bên cạnh đó, hệ thống y tế của chúng ta cũng có mức độ đáp ứng nhất định, nếu số ca tăng quá nhanh, hệ thống y tế khó có thể đáp ứng được. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan mà vẫn phải chủ động thực hiện phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động làm tốt các biện pháp dự phòng như tiêm vaccine, đeo khẩu trang, vệ sinh thông thoáng nhà cửa...", ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
TS. Vũ Quốc Đạt cũng chia sẻ không nên đưa ra quan điểm biến thể nào gây bệnh nhẹ hơn biến thể nào gây bệnh nặng hơn. Mấu chốt quan trọng trong vấn đề lây và nhiễm bệnh là những đối tượng có nguy cơ cao như người mắc bệnh mãn tính, người có miễn dịch kém, người cao tuổi… Khi những đối tượng này mắc thêm COVID-19, dù bất kỳ biến thể nào cũng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng, dẫn tới tử vong.
Vì vậy, những đối tượng này cần phải được tiêm vaccine để bảo đảm tình trạng miễn dịch, nhất là nhóm người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch cần phải được tiêm thêm mũi bổ sung.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay sẽ vừa giúp làm giảm áp lực đối với hệ thống y tế, những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng vẫn được chăm sóc và điều trị bệnh. Hơn nữa, nếu làm chậm lại việc bị nhiễm bệnh, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để điều trị bệnh tốt hơn khi có loại thuốc có hiệu quả hơn, an toàn hơn.