Dịch “hạ nhiệt” vẫn nên tiêm phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Số ca mắc COVID-19 giảm xuống mỗi ngày là điều đáng mừng, nhưng tâm lý chủ quan bắt đầu xuất hiện. Thậm chí nhiều người không muốn cho con em tiêm phòng, kể cả khi chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 cho lứa tuổi từ 5 – dưới 12 đã triển khai rộng khắp.
Tiêm chủng cho trẻ từ 5 – 12 tuổi.
Tiêm chủng cho trẻ từ 5 – 12 tuổi.

Nhiều cha mẹ ngần ngại

Lý giải việc không muốn cho con gái 8 tuổi của mình tiêm phòng vaccine COVID-19, chị Hà Thị Liên (Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Con gái tôi còn nhỏ và thấp bé, yếu ớt hơn các bạn cùng trang lứa nên nếu tiêm tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Hơn nữa, tôi nghe mọi người nói trẻ em ở lứa tuổi này tỷ lệ mắc không cao, cũng không bị nặng như người lớn và trẻ lớn nên không cần thiết phải tiêm phòng”.

Giống như chị Liên, chị Lâm Thị Hằng (Tân Uyên, Lai Châu) cũng nhất định không đồng ý cho con tiêm phòng COVID-19 với lý do: Vaccine chưa được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của con trai sau này. Mặt khác, chị cho rằng dịch bệnh hiện nay đã “hạ nhiệt”, tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn nên cũng không phải lo lắng quá mức…

Tâm lý an tâm và chủ quan về dịch bệnh không chỉ có ở chị Liên, chị Hằng mà bao trùm lên đại bộ phận người dân. Cùng với xu hướng bình thường mới và mở cửa du lịch, không chỉ xem nhẹ việc tiêm phòng COVID-19, không ít người còn lơ là cả việc giữ khoảng cách, xịt khuẩn và đeo khẩu trang. Đường phố đông đúc, nhộn nhịp trở lại. Các quán ăn cũng vô tư ăn uống như chưa hề có dịch. Nhiều sự kiện với hàng trăm người tham dự (trong đó rất nhiều người không đeo khẩu trang) bắt đầu xuất hiện, dấy lên mối lo ngại dịch bệnh quay trở lại…

Ngăn ngừa tỷ lệ biến chứng hậu COVID-19

Về sự an toàn của vaccine, các chuyên gia y tế đã khẳng định rất rõ ràng nên chúng ta không nên quá lo lắng.

Đối với băn khoăn có nên tiêm vaccine COVID-19 cho lứa tuổi dưới 12 không, TS. BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong giai đoạn chủng Delta lưu hành, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp hơn so với người lớn nhưng đến khi số lượng người lớn được tiêm chủng ở mức cao thì số nhiễm, mắc bệnh ở trẻ nhỏ lại tăng cao hơn do chưa có được sự bảo vệ từ vaccine. Đặc biệt, khi chủng Omicron lưu hành thì tỷ lệ mắc ở trẻ em tăng rất cao so với giai đoạn trước đây. Đa số bệnh nhân trẻ em có triệu chứng nhẹ (chủ yếu là sốt cao và ho), các biến chứng nặng ít được ghi nhận so với người lớn, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Tuy nhiên, các bằng chứng tại một số quốc gia nơi lưu hành chủng Omicron ở giai đoạn sớm lại cho thấy tỷ lệ biến chứng hậu COVID-19 lại tăng cao (có nơi ghi nhận tỷ lệ này lên tới 20% số mắc). Đây chính là điểm đang quan ngại nhất bởi các biến chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc phát triển và học tập của trẻ em.

Trong khi đó, vaccine COVID-19 dù không chống được lây nhiễm nhưng vẫn đảm bảo việc giảm các triệu chứng nặng, tử vong, cũng như giảm nguy cơ hậu COVID-19. Ngoài ra, vaccine còn giúp trẻ phục hồi nhanh hơn sau nhiễm, cũng như giảm thời gian tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ vẫn cần thiết và nên được khuyến khích để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường sớm hơn.

Giải đáp băn khoăn trẻ dưới 12 tuổi đã là F0 và khỏi bệnh có cần tiêm vaccine COVID-19 không, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hô hấp nhi khoa Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, người bị mắc COVID-19 là do virus tự nhiên xâm nhập vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng tạo ra các kháng thể để chống lại virus, tuy nhiên kháng thể chỉ duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Khi con người đã nhiễm COVID-19 rồi thì đó là kháng thể cao nhất, là kháng thể tự nhiên hay miễn dịch tự nhiên. Kháng thể tự nhiên là tốt nhất, khi người ta đã có kháng thể tự nhiên sẽ không cần phải tiêm phòng.

Tuy nhiên, gần đây số người tái nhiễm xuất hiện khá nhiều. Khi xét nghiệm kháng thể thấy tụt xuống, các nghiên cứu cho thấy ít nhất 3 tháng sau kháng thể mới tụt xuống, rồi có nghiên cứu khẳng định 6 tháng, 8 tháng kháng thể mới tụt xuống. Về cá nhân, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ít nhất 3 tháng sau khi mắc COVID-19 bệnh nhân mới nên đi tiêm phòng.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, chúng ta cũng không biết sẽ gặp những biến chủng gì của virus SARS-CoV- 2. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại việc tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn là hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong và các ca bệnh nặng. Và trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi cũng không ngoại lệ…

“Khi trẻ đi tiêm có rất nhiều thủ tục. Trước tiên phụ huynh phải làm giấy cam kết, đồng ý cho con em mình tiêm chủng. Sau đó trẻ sẽ được khám xem sức khỏe thế nào, nếu đảm bảo mới tiến hành tiêm chủng nên các bậc cha mẹ cứ yên tâm bởi quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ. Để có kết quả tiêm chủng tốt nhất và giúp trẻ có tâm lý thoải mái khi tiêm, phụ huynh nên trao đổi với trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, đồng thời tuân thủ 5K trong suốt quá trình tiêm chủng để tránh lây lan dịch bệnh” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hô hấp nhi khoa Việt Nam khuyến cáo.

Trước lầm tưởng trong gia đình nếu người lớn tiêm phòng rồi và chưa bị COVID-19 thì con nhỏ (chưa tiêm phòng) cũng ít khả năng bị nhiễm bệnh, TS. BS Phạm Quang Thái phân tích, mặc dù những người được tiêm phòng vaccine ít nguy cơ mắc COVID-19 hơn, cũng như nếu mắc sẽ lây lan ít hơn so với người chưa được tiêm, nhưng vaccine chỉ bảo vệ cho từng đối tượng đã được tiêm, không như nhiều người nghĩ tiêm chủng có thể đem lại miễn dịch cộng đồng mạnh mẽ. Chính vì thế, một thành viên trong gia đình chưa được tiêm trong khi cả nhà đã tiêm thì thành viên đó vẫn cần được bảo vệ.

Đọc thêm