Dịch vụ khí hậu, tại sao không?

(PLVN) - Những năm gần đây, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương bị tổn thương nghiêm trọng. Do vậy, việc tiếp cận được với các thông tin khí hậu, khí tượng chính xác, kịp thời giúp các nhà quản lý định hướng sản xuất mùa vụ phù hợp, tính toán giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu suất. Nhưng số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin khí hậu tại Việt Nam hiện nay vẫn còn quá ít ỏi.
Thông tin khí hậu, khí tượng giúp các nhà quản lý định hướng sản xuất mùa vụ phù hợp.
Thông tin khí hậu, khí tượng giúp các nhà quản lý định hướng sản xuất mùa vụ phù hợp.

70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp

Ngành khí tượng thủy văn (KTTV) của Việt Nam đã ứng dụng nhiều thành quả khoa học công nghệ 4.0 nhằm phát triển các hệ thống dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh (CSA) nói riêng và các dịch vụ khí hậu nói chung. Những bản tin dự báo KTTV ngày càng chính xác hơn, kịp thời hơn, góp phần hạn chế mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Tổng cục trưởng KTTV Trần Hồng Thái: “Có thể khẳng định, các công nghệ hiện đại ngày nay có thể giúp phát hiện và dự báo trước được thời tiết trong thời hạn khoảng 10 ngày, cảnh báo thiên tai khoảng 3 đến 5 ngày. Đôi khi, có thể cảnh báo được các hiện tượng cực đoan tới thời hạn một tháng, giúp phục vụ kế hoạch sản xuất, xây dựng kế hoạch dài hạn”.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng cho biết “không phải bất cứ lúc nào, hiện tượng nào cũng có thể cảnh báo được, đặc biệt là các hiện tượng quy mô không gian nhỏ, thời gian ngắn như mưa lớn cục bộ, sạt lở đất và lũ quét”.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học phòng, chống thiên tai, các nghiên cứu phục vụ nâng cao hiểu biết và năng lực dự báo, cảnh báo các thiên tai ở Việt Nam còn hạn chế, các đầu tư chủ yếu tập trung vào nâng cao năng lực ứng phó, thích ứng với thiên tai. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai diễn biến ngày càng khó lường, các chuyên gia dự báo năm 2021 tiếp tục là một năm thiên tai có nhiều biến động, cực đoan, không theo quy luật. Các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, có thể bị tác động mạnh mẽ. Tại Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng xấp xỉ 14% GDP của cả nước và chiếm tới 70% dân số tham gia sản xuất. 

Trên thực tế, trong những năm gần đây, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Do vậy, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin khí hậu phục vụ ra quyết định ngày càng trở nên cần thiết.

Không chỉ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mà ngay cả cộng đồng dân cư cũng có nhu cầu sử dụng thông tin về khí hậu; từ số liệu, bản đồ, đến các loại bản tin theo ngày, tuần, tháng, mùa, năm và kịch bản BĐKH,… Đặc biệt trong nông nghiệp, các thông tin khí hậu, khí tượng sẽ giúp các nhà quản lý định hướng sản xuất mùa vụ phù hợp, giảm thiệt hại từ thiên tai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Cần xây dựng Khung dịch vụ khí hậu quốc gia

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ hội phát triển dịch vụ khí hậu nói chung và dịch vụ khí hậu nông nghiệp là rất rõ ràng. Tuy nhiên, dịch vụ khí hậu ở Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng, số lượng còn ít.

Đáng nói, vẫn chưa có các chính sách tạo “hành lang pháp lý” cho phát triển dịch vụ khí hậu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá cả quan trắc và dự báo vẫn đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, dù có nhu cầu ngày càng tăng từ phía người dân, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu vắng các hệ thống cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, hay các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dùng. 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH khẳng định: “Thông tin khí hậu đóng vai trò là số liệu đầu vào then chốt cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp như quy hoạch, lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh thời vụ, phòng chống thiên tai, chăm sóc cây trồng… Trước thách thức từ BĐKH, yêu cầu cung cấp thông tin khí hậu phục sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, thông tin cần được cung cấp đến người sử dụng chính xác và kịp thời, nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp trong sản xuất nông nghiệp”.

Đáng chú ý, năm 2009, Tổ chức Khí tượng thế giới WMO đã công bố “Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu - GFCS” với 5 mục tiêu chính: Giảm tổn thương của xã hội do nguy cơ liên quan đến khí hậu thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ khí hậu tốt hơn; thúc đẩy các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng; sử dụng thông tin và dịch vụ toàn cầu xuyên suốt quá trình ra quyết định; tăng cường sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng; tối đa hóa cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện có. 

Trên cơ sở đó, các quốc gia xây dựng “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia” (NFCS) nhằm hướng dẫn chi tiết phương pháp phát triển dịch vụ khí hậu theo “Chuỗi giá trị đến người dùng cuối cùng”. Cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò của người dùng, sự tham gia của các bên liên quan và duy trì tương tác hai chiều giữa người cung cấp dịch vụ - người sử dụng dịch vụ.

Như vậy, cộng đồng cũng có thể phối hợp, cung cấp thông tin cảnh báo về khí hậu cho các đơn vị chuyên trách và các cơ quan chức năng xử lý, góp phần nâng cao năng lực dự báo thiên tai cho ngành KTTV. 

Mặc dù “Khung quốc gia về dịch vụ khí hậu” đang là nội dung đáng quan tâm trong ngành KTTV nhưng theo tổ chức CARE Việt Nam, nội dung này hiện không nằm trong chiến lược phát triển ngành KTTV.

Do đó, các chuyên gia đề xuất cần đưa nội dung này vào Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của ngành nông nghiệp, Kế hoạch thích ứng quốc gia giai đoạn 2020 – 2030; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng khung; nghiên cứu bài học kinh nghiệm quốc tế và rà soát, đánh giá các mô hình về dịch vụ khí hậu đã thực hiện tại một số địa phương. 

Đề xuất lộ trình xây dựng NFCS Việt Nam

Để xây dựng NFCS Việt Nam, Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tập trung nghiên cứu một số nội dung cộng đồng đang quan tâm như xu thế biến đổi nhiệt độ giai đoạn 2021-2100 theo kịch bản BĐKH; các thông tin dự báo khí hậu hạn mùa, năm tích hợp với thông tin hướng đối tượng (phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể); mối tương quan giữa các cơ chế khí hậu với sự phát triển của nông nghiệp và an ninh lương thực; khai thác thông tin khí hậu quá khứ để phục vụ cung cấp thông tin khí hậu cho các ngành nghề trong xã hội; tư vấn, cung cấp thông tin về các tài nguyên khí hậu tiềm năng (năng lượng gió, bức xạ, nước,…) ở các khu vực cụ thể.

Đọc thêm