Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến.
Thực tế thời gian qua cho thấy, hệ thống VBQPPL đã và đang còn một số mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, cản trở phát triển. Vì vậy, cần có rà soát để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung; và đây là chuyện cấp bách. Trong lĩnh vực này, việc thống nhất quan điểm, phân cấp, phân quyền rõ ràng, có trách nhiệm sẽ góp phần làm tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ tập trung 23 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết 101/2023/QH15. Thủ tướng đã thành lập 2 Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Các Tổ công tác đã tổng hợp, phân loại thành 24 phụ lục tương ứng 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát theo Nghị quyết của Quốc hội. Các lĩnh vực đều “nóng” như: Đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý và sử dụng đất, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công - tư, xã hội hóa dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và một số lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được xác định là một đột phá chiến lược; và là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; trong đó tập trung rà soát các quy định pháp luật còn bất cập, những vấn đề vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đúng là hiện nay trong quản lý điều hành, ngoài hệ thống VBQPPL chồng chéo, còn có thực trạng tầng nấc trung gian, hình thức, không thực chất trong việc phải xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội. Do vậy mà ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất và đời sống người dân.
Thực tế cũng đã cho thấy, không phải ai cũng dám bước qua sự lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống VBQPPL. Tình trạng “đùn đẩy”, né tránh, vẫn diễn ra. Vì vậy càng cần thiết phải rà soát, để khắc phục những vấn đề này.