Theo đó, để tiến tới tự chủ, năm nay có nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho thí sinh như thời gian đăng ký sớm hơn, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng và sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký. Đồng thời, năm nay, nếu các trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay…
Chỉ thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, 2017 là năm thứ 3 của quá trình đổi mới tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29 nhằm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Nhìn một cách tổng thể thì chính sách tuyển sinh không phải mỗi năm đều đổi mới khác đi mà năm sau đều có sự kế thừa của năm trước. Chẳng hạn, trong quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định rõ một số điểm chỉ áp dụng cho năm 2017 như tỉ lệ tổ hợp truyền thống, điểm sàn... Đồng thời cũng có những quy định ghi rõ năm 2018 trở đi các trường phải làm gì.
Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, trong đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp thông tin về tỉ suất đầu tư cho 1 sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên hay tự xác định điểm sàn, tự xác định tổ hợp tuyển sinh... Quy chế tuyển sinh năm thứ 3 đổi mới đã tương đối ổn định. Vì vậy quy chế tuyển sinh vừa ban hành năm 2017 sẽ giữ ổn định cho các năm tiếp theo. Ngoài ra, năm nay có nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho thí sinh như thời gian đăng ký sớm hơn, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng và sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký.
Điểm mới năm nay là sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, giúp thí sinh tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào những trường, ngành mà mình yêu thích phù hợp với năng lực. Chỉ có thí sinh được điều chỉnh, còn các trường không được phép điều chỉnh. Việc thời gian đăng ký xét tuyển đại học sớm hơn giúp thí sinh có đích phấn đấu, chuẩn bị đồng thời các trường cũng nắm được tỉ lệ dự kiến thí sinh đăng ký vào trường mình để có kế hoạch tuyển sinh phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng không giới hạn số lượng nguyện vọng của thí sinh. Điều này, không chỉ giúp thí sinh trúng tuyển cao hơn mà quan trọng hơn là có thể chọn được ngành nghề mình yêu thích phù hợp với năng lực.
Đại học không còn là lựa chọn duy nhất
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển sớm hơn hai năm trước. Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong tổng số 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia có gần 73.9% thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH. Trong số đó, có 50% chỉ đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng (có 13% trong số này chỉ đăng ký 1 nguyện vọng), 30% đăng ký 3 đến 5 nguyện vọng. Từ 6 đến 10 nguyện vọng là 18%. Như vậy có 98% thí sinh đăng ký từ 1-10 nguyện vọng, 2% thí sinh còn lại đăng ký từ 11 nguyện vọng trở lên. Đáng chú ý có duy nhất 1 thí sinh đăng ký nhiều nhất là 48 nguyện vọng.
Mặt khác, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết năm nay, hầu hết chỉ tiêu của các trường được giải quyết trong đợt một. Đợt xét tuyển bổ sung không còn quá quan trọng với các trường. Bắt đầu từ năm 2017, các trường đại học được phép tuyển sinh quanh năm. Tuy nhiên, bà Phụng cho rằng, các trường chỉ tuyển 2 kỳ hoặc 3 kỳ là cùng, bởi phù hợp với lịch học tín chỉ của các trường là có 2 kỳ chính và một kỳ phụ.
Song thực tế, dưới góc độ một trường đại học, ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho biết năm 2016, trường tuyển được 61.5% so với chỉ tiêu đăng ký. Đây là con số thấp lần đầu tiên trong lịch sử của trường. Trước lo lắng của trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng có hai nguyên nhân khiến nguồn tuyển của các trường giảm.
Đó là số lượng thí sinh dự thi giảm tự nhiên. Trước đây, có năm, cả nước có tới 1,7 triệu thí sinh dự thi đại học thì giờ, con số này của cả nước chỉ còn khoảng trên 600.000 thí sinh. Mặt khác, phân luồng đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Nhiều thí sinh đủ điểm vào đại học nhưng đã lựa chọn học nghề. Theo bà Phụng, đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ cũng đang tiến tới quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Những trường không đảm bảo chất lượng sẽ giải thể hoặc sáp nhập. Trường top trung bình được giao quyền tự chủ. Trường top cao thì có thể được nhà nước đầu tư để trở thành đầu tàu phát triển.
Tiến tới để các trường đại học tự chủ, bà Phụng cho hay, tự chủ giai đoạn đầu nhiều người lo lắng vì có hiện tượng vượt rào. Nhưng chúng tôi tin đó chỉ là hiện tượng thời gian đầu. Khi thông tin minh bạch hơn, người tiêu dùng thông minh hơn, thì chính các trường sẽ phải lo cho chất lượng của mình, lo cho người học.
Đồng thời, khẳng định với báo chí, bà Phụng cho rằng, tỷ lệ ảo năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016, vì thế các trường không thể mang các kinh nghiệm năm trước để áp dụng cho năm nay trong việc phòng “ảo”.
Bà Phụng cũng cho rằng, do năm nay, các trường đã tự tìm đến phối hợp với nhau, cùng tạo nhóm để xét tuyển. Hiện nay nhóm các trường phía Bắc đã có 57 trường đăng ký tham gia, nhóm các trường phía Nam có 72 trường nên các trường cần tránh việc gọi nhiều hơn so với chỉ tiêu theo kiểu lọc ảo năm ngoái, vì điều này sẽ khiến các trường đối mặt với nguy cơ tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu năm nay các trường tuyển vượt chỉ tiêu, chắc chắn Bộ sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn.