Những triển vọng hợp tác
Tại cuộc họp báo, ông Maxim Golikov – Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam - cho biết, Việt Nam hiện là đối tác chính của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2014 Việt Nam đứng thứ 3 trong số các đối tác thương mại của Nga ở ASEAN, chiếm 17,5% tổng kim ngạch thương mại và dẫn đầu trong số các nước ASEAN về xuất khẩu vào Nga.
Trong đó, theo số liệu của cơ quan hải quan Nga, năm 2014 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nga đạt 3.748,4 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 94,4% so với năm 2013. Tổng xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đạt 1.425,9 triệu USD, còn nhập khẩu là 2.295,5 triệu USD. Nga chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam các loại máy móc và thiết bị, kim loại, sản phẩm dầu khí; nhập khẩu các mặt hàng như máy móc và thiết bị, hàng dệt may, giày dép. Trong nửa đầu năm 2015, thặng dư thương mại của Việt Nam với Nga đã vượt quá mức 120 triệu USD.
Nga vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, với 100 dự án có giá trị gần 2 tỉ USD. Trong đó, dầu khí là lĩnh vực hợp tác dẫn đầu trong quan hệ kinh tế song phương, điển hình là hoạt động của doanh nghiệp liên doanh Vietsovpetro. Ngoài ra, 2 nước cũng đang tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 tại Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực cung cấp kỹ thuật hàng không của Nga cho Việt Nam được đánh giá là lĩnh vực mới triển vọng. Nga hiện có một số nhà cung cấp tiềm năng như Công ty Máy bay dân dụng Sukhoi, Công ty Cổ phần Trực thăng Nga… Nga cũng đang đề nghị mở rộng hoạt động của doanh nghiệp liên doanh sửa chữa máy bay trực thăng Biên Hòa, thành lập trên cơ sở này một trung tâm đào tạo, cung cấp cho Việt Nam các máy bay trực thăng, bao gồm cả máy bay trực thăng vận tải. Các hoạt động hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế… đều có những triển vọng khả quan.
Mới đây nhất, hồi tháng 5 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu và Việt Nam đã được ký kết tại Kazakhstan, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là việc thuế của 90% dòng hàng sẽ về 0% hoặc giảm đáng kể, cho phép khắc phục các rào cản kỹ thuật trong thương mại và là một công cụ quan trọng nhất để hỗ trợ phát triển thương mại. “Nga dự định sẽ tiếp tục tăng số vốn và tính hiệu quả trong việc hỗ trợ cho các đối tác chiến lược của mình, mà Việt Nam chính là nước có vị trí quan trọng nhất” – ông Golikov khẳng định.
Điểm sáng hợp tác quốc phòng
Về hợp tác quốc phòng, ông Golikov cho hay đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Nga. Mối quan hệ hợp tác này hiện đang phát triển rất tốt và có triển vọng sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
Nói rõ hơn về vấn đề này, trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, ông Sergey Verba – Trưởng đại diện Tập đoàn Rostec cho biết, trong thời gian qua, Tập đoàn này đã cung cấp nhiều thiết bị cho Việt Nam, cả về dân sự lẫn quân sự. Tập đoàn này cũng đã hợp tác rất hiệu quả với Bộ Quốc phòng Việt Nam thông qua công ty con “Rosoboronexport” - công ty duy nhất ở Nga có quyền xuất khẩu vũ khí và các thiết bị quân sự ra nước ngoài, bao gồm các thiết bị, phụ tùng, linh kiện đến vũ khí hoàn chỉnh.
Rosoboronexport đã xuất khẩu sang Việt Nam một số mẫu vũ khí, giúp hiện đại hóa máy móc thiết bị cho Quân đội nhân dân và xây dựng các công trình quốc phòng của Việt Nam. Trong thời gian tới, ông Verba khẳng định Tập đoàn Rostec luôn sẵn sàng đàm phán để hợp tác cùng phát triển với Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
Ông Verba cũng cho rằng quân đội Việt Nam là một trong những quân đội được trang bị vũ khí hiện đại có thể nói đứng trong top đầu ở Đông Nam Á. “Tôi được biết rằng Việt Nam đã chi một lượng ngân sách đáng kể để hiện đại hóa quân đội của mình. Tôi cũng rất vui mừng được biết rằng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển quốc phòng, mua sắm vũ khí và nâng cao khả năng tác chiến của quân đội Việt Nam và chúng tôi cũng rất hy vọng vào sự hợp tác lâu dài với Việt Nam” – ông cho hay.