Đắm tàu Wilhelm Gustloff: Thảm họa thảm khốc nhất lịch sử hàng hải thế giới

(PLO) - Vụ đắm tàu cho đến nay vẫn là một kỷ niệm đau buồn đối với người Đức khiến cho 9.300 người thiệt mạng. Đây được xem là vụ tai nạn tàu thuỷ bi thảm nhất trong lịch sử nước Đức và là tai họa khốc liệt nhất trong lịch sử hàng hải của nhân loại.
Con tàu Wilhelm Gustloff của Đức.
Con tàu Wilhelm Gustloff của Đức.

Ban đầu là tàu chở khách

Năm 1937, Adolf Hitler đã cho người làm con tàu dài 208m, nặng 25.000 tấn và hoạt động như tàu du lịch hàng đầu của Đức. Con tàu do xưởng đóng tàu Blohm & Voss thực hiện và được đặt bởi hãng Hamburg-South America Line. Được biết, một lãnh đạo đảng Quốc xã Đức có tên là Wilhelm Gustloff, bị ám sát ở Thụy Sĩ vào năm 1936. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh bản thân ông dành cho đất nước, người ta đã lấy tên ông làm tên cho con tàu. 

Đầu tiên, tàu Wilhelm Gustloff là tàu chở khách cho Mặt trận Lao động Đức, cung cấp các hoạt động giải trí và văn hóa cho công chức và công nhân Đức, bao gồm các buổi hòa nhạc, du lịch trên biển, và các chuyến đi nghỉ khác.

Hay nói cách khác, con tàu được sử dụng như một công cụ quan hệ công chúng. 2 năm sau đó con thuyền đã chu du khắp Đại Tây Dương và Địa Trung Hải và  Biển Bắc. Đến tháng 5/1939, bốn tháng trước khi Thế chiến II bắt đầu, nó được trưng dụng để phục vụ cho các nhu cầu của vào Hải quân Đức (Kriegsmarine) với nhiều vai trò khác nhau và chủ yếu vận chuyển vật tư y tế.

Trưng dụng phục vụ hải quân

Sau đó, ngày 22/9/1939, ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, tàu Wilhelm Gustloff  tiếp tục đóng vai trò như một bệnh viện nổi phục vụ quân đội cho đến năm 1940. Bắt đầu từ ngày 20/11/1940, người ra đã tháo bỏ các thiết bị y tế và sơn lại con tàu, từ màu tàu bệnh viện - màu trắng với một sọc màu xanh lá cây theo chiều dài của con tàu và dấu gạch chéo màu đỏ trên boong, sang màu xám- theo chuẩn tàu hải quân. 

Tàu Wilhelm Gustloff sau đó đã được chuyển sang làm một doanh trại nổi cho nhân viên hải quân tại cảng Baltic. Những người đầu tiên được chữa trị ở bệnh viện nổi này là 685 lính Ba Lan bị đánh bại. Sau đó, nó tiếp tục phục vụ ở khu vực Vịnh Danzig trong nhiều tuần và cứu hộ nhiều người dân trên biển Baltic của Đức nhưng lại bị Liên Xô kiểm soát, trở lại Đức hoặc khu vực kiểm soát của người Đức. 

Tiếp theo đó, con tàu cũng phục vụ cho chiến dịch Na Uy tại Oslo để chữa trị cho các bệnh nhân và người bị thương. Vào ngày 2 /7/1940 , tàu rời Oslo và hướng về Stettin, mang theo 563 người bị thương trở về Đức. Một lần nữa, vào ngày 20/10/1940, tàu Gustloff đến Oslo mang 414 người bị thương trở lại Swinemünde, Đức. Có thể nói, chỉ trong 2 năm, con tàu đã mang lại những lợi ích to lớn cho quân đội hải quân Đức khi phục vụ 4 chuyến đi và chuyên chở được tổng số 3.151 người bị thương và bị bệnh trở lại Đức.

Ông Wilhelm Gustloff, người anh hùng của nước Đức, được lấy làm tên của con tàu.

Ông Wilhelm Gustloff, người anh hùng của nước Đức, được lấy làm tên của con tàu.

Thảm họa ập đến

4 năm tiếp theo, con tàu nằm yên một chỗ ở cảng Gotenhafen. Chiến tranh thế giới bùng nổ, Đức và Liên Xô giao tranh khiến cho người dân phải tìm đường tị nạn ở những nơi khác. Vào tháng Giêng năm 1945, khi quân đội Liên Xô tiến vào Đông Phổ, Đức quốc xã đã thực hiện chiến dịch Hannibal nhằm di tản số lượng lớn nhân viên quân sự Đức và thường dân ra khỏi khu vực đó.

Con tàu lại trở thành một phần của hoạt động sơ tán hải quân có quy mô lớn nhất trong lịch sử Đức, cứu hộ và vận chuyển hàng triệu người tị nạn, chiến sĩ, bệnh nhân, người bị thương và những người chạy trốn lực lượng Hồng quân Liên Xô tại Đông Phổ. Những người lên chuyến tàu định mệnh này chỉ muốn chạy trốn khỏi những khổ đau do chiến tranh mang lại. Tuy nhiên, đau khổ lại càng khổ đau, tàu bị trúng 3 quả ngư lôi của tàu ngầm Hồng quân Liên Xô trên biển Baltic. 

Trong tổng số 10.582 hành khách và toàn bộ thủy thủ mà con tàu Wilhelm Gustloff đã mang theo có: 173 người của lực lượng vũ trang hải quân phụ, 918 nhân viên của Sư đoàn Đào tạo tàu ngầm số 2, 373 phụ nữ làm trợ lý cho hải quân, 162 thương binh và 8.956 dân thường, ngoài ra còn có cả trẻ em bị bệnh và bị thương và người già. Mặc dù được biết, con tàu thiết kế chở tối đa 1.865 người, nhưng thực tế nó vẫn có khả năng mang nhiều hơn nữa trong những chuyến hải trình ngắn. 

Ngày 30 tháng 1 năm 1945, con tàu rời cảng Gotenhafen và được tàu khách Hansa và hai tàu ngư lôi khác hộ tống. Tuy nhiên, Tàu Hansa và một tàu phóng ngư lôi gặp trục trặc về cơ khí và không thể tiếp tục đi, nên để Tàu Wilhelm Gustloff tiếp tục hành trình chỉ với một tàu ngư lôi Lowe hộ tống.

Vào ngày khởi hành, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, sức gió cấp 7, nhiệt độ là -10 độ C và có tuyết, băng đóng thành từng mảng trên biển khiến con tàu di chuyển khó khăn. Dưới thời tiết lạnh thấu xương đó, bị rơi xuống nước thì việc sống sót gần như là không thể. 

Chiếc tàu có bốn thuyền trưởng, 3 dân sự và 1 quân sự. Ban đầu, họ không thể thống nhất được đường đi nước bước để con tàu có thể đi đến nơi một cách an toàn nhất.  Đầu tiên, Thiếu tá Wilhelm Zahn, một sỹ quan tàu ngầm, đưa ra phương án đi theo vùng nước nông gần bờ và không bật đèn chiếu sáng, nhưng Đại úy Friedrich Petersen, quyết định đi theo vùng nước sâu. Khi ông được thông báo bằng radio rằng có một đoàn tàu hộ tống phá mìn của Đức đang tới, ông quyết định bật đèn lái tàu sang màu đỏ và xanh lá cây để tránh một vụ va chạm trong bóng tối, nhưng chính điều đó lại làm cho tàu Wilhelm Gustloff dễ dàng bị phát hiện trong đêm và thảm họa đã xảy đến với con tàu.

Tai nạn thảm khốc

 Vào  khoảng 9 giờ tối, khi  tàu Wilhelm Gustloff rời bến và đi được khoảng 13 dặm ngoài khơi bờ biển của Pomerania. Tàu ngầm Liên Xô S-13, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Alexander Marinesko đã phát hiện và phóng 3 quả ngư lôi tấn công tàu Wilhelm Gustloff. Được biết ban đầu, tàu của Liên Xô dự định bắn 4 quả ngư lôi, nhưng quả thứ 4 đã không phát nổ, phải gỡ khỏi bệ bắn. Quả ngư lôi đầu tiên trúng vào mũi tàu khiến nó bị lệch sang phải, ngay lập tức tàu đã cho phóng pháo sáng và kêu gọi cứu trợ.

Quả ngư lôi thứ 2 trúng ngay vào phần dưới của con tàu là bể bơi. Quả thứ ba trúng ngay trước phần giữa tàu, vào phòng máy, đúng khu vực ống khói, và từ đó làm tàu mất điện. Con tàu đã gửi điện kêu cứu về cảng, và cố quay mũi tàu về. Tuy nhiên, bi kịch tàu Gustloff lúc này chỉ mới bắt đầu.

Được biết, nhiệt độ ở biển Baltic tại thời gian này trong năm thường là khoảng 4 ° C. Tuy nhiên, đây là một đêm đặc biệt lạnh, với nhiệt độ không khí chỉ còn từ -18°C đến -10°C  và băng tảng bao phủ dầy đặc trên bề mặt biển. 

Sau khi 3 quả ngư lôi phát nổ, nhiều người đã chết ngay lập tức và một số bị rơi xuống biển cũng không thể sống sót. Tất cả mọi người bắt đầu hoảng loạn, la hét, họ chà đạp nhau, tranh giành nhau tàu cứu sinh và áo phao, mọi nỗ lực cứu hộ của lực lương trên tàu hoàn toàn vô hiệu. Khi tàu bị nghiêng, nhiều người bị trượt ra khỏi tàu và chết lạnh trong dòng nước băng giá. Những người cứu hộ cũng ưu tiên hàng đầu cho phụ nữ và trẻ em nhưng số cứu được không thấm vào đâu so với con số không thể cứu. 

Chưa đầy 45 phút sau khi bị tấn công, Tàu Wilhelm Gustloff nghiêng hẳn về một bên, rồi chúc mũi tàu xuống dưới nước, tới lúc nghiêng 36 độ, thì trượt thẳng xuống nước, ngập trong 44 mét nước. 90 phút sau bị bắn, con tàu bị chìm dưới sóng biển Baltic.

Mặc dù là một nỗ cứu vớt, nhưng  chỉ 1.239 người được cứu sống sót. Trong đó, tàu ngư lôi T-36 cứu được 564 người; ngư lôi thuyền Lowe cứu được 472 người, Tàu dò mìn M387: 98 người; Tàu dò mìn M375: 43 người; Tàu dò mìn M341: 37 người, tàu hơi nước Göttingen: 28 người; Tàu phát hiện ngư lôi (Torpedofangboot) TF19: 7 người; Tàu hàng Gotland chở hang: 2 người, và tàu tuần tra V1703 (Vorpostenboot) đã cứu được 1 em bé. Còn lại, hơn 9.000 người đã chết trong dòng nước băng giá vào đêm đêm đó. 

Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có tai nạn đắm tàu nào có số người chết lớn như tàu Wilhelm Gustloff. Hơn 9000 người chết chỉ trong một đêm, chỉ tượng tượng cũng cảm thấy rùng mình. Có lẽ, đây sẽ mãi là nỗi đau của người Đức trong Thế chiến thứ 2. Năm 1955, một bộ phim Đức có tựa đề là “Nacht fiel über Gotenhafen”, ” được công chiếu nói về sự kiện thảm khốc trên và nhằm tưởng nhớ tới những người xấu số không may đã thiệt mạng trên con tàu định mệnh./.

Đọc thêm