Điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa: Thay đổi để nâng cao hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các điểm trường thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi để mô hình điểm trường tiếp tục phát huy hiệu quả, giảm gánh nặng trong điều kiện mới.
Cô trò tại một điểm trường ở Nam Trà My, Quảng Nam.
Cô trò tại một điểm trường ở Nam Trà My, Quảng Nam.

Có thể thay thế bằng trường nội trú

Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi còn hơn 26.000 điểm trường lẻ đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc với 13.838 điểm trường; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 4.944 điểm trường; Tây Nguyên 3.852 điểm trường; Đồng bằng sông Cửu Long 2.200 điểm trường… Tỉnh Hà Giang có 2.114 điểm trường; tỉnh Sơn La 2.309 điểm trường; các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Gia Lai còn từ 1.040 - 1.477 điểm trường, thuộc nhóm các tỉnh có nhiều điểm trường lẻ đang hoạt động nhất toàn quốc.

Số lượng điểm trường lẻ còn rất lớn, đồng nghĩa với số lượng giáo viên cần có để duy trì (nếu chỉ tính tối thiểu 1 giáo viên/điểm trường). Cùng với đó là chi lương cho thầy cô, trong khi hiệu quả dạy và học không cao. Những năm trước, giao thông vùng DTTS và miền núi rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, các gia đình chưa có xe động cơ để đưa đón con hàng ngày. Lúc đó, mở các điểm trường lẻ không chỉ để phổ cập cho học sinh tới tuổi đến trường, mà còn xóa mù chữ cho người lớn.

Tuy nhiên, những năm qua, riêng về giao thông, tỷ lệ đường bê tông, nhựa hoặc rải sỏi đá từ thôn đến trung tâm xã đã phổ biến. Khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học và THCS gần nhất của đồng bào DTTS lần lượt là 2,2km và 3,7km, giảm lần lượt so với năm 2015 là 2,5 km và 3,6 km. Đây là những điều kiện thuận lợi để phụ huynh đơn giản hóa việc đưa đón con hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại. Bên cạnh đó, khi sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính, học sinh có môi trường, điều kiện học tập như nhau và tốt hơn hẳn so với điểm lẻ.

Và như thế, có thể nói, ở nhiều vùng miền, điểm trường lẻ đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi đời sống phát triển. Số còn lại ở những thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ vẫn cần thiết duy trì điểm trường lẻ. Có như vậy, các địa phương mới có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện công bằng trong học tập cho mọi trẻ em.

Giải pháp nào cho sự thay đổi?

Hiện nay, cả nước đã có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; cấp huyện có 256 trường được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố. Trường phổ thông dân tộc bán trú mới được thành lập ở 28 tỉnh, với 1.097 trường. Được biết, với chủ trương đổi mới phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, sẽ là cơ sở pháp lý và sự bảo đảm về đầu tư của Nhà nước để thúc đẩy mô hình trường chuyên biệt cho học sinh vùng DTTS và miền núi trong 10 năm tới.

Thế nhưng, việc xóa điểm trường lẻ sẽ làm tăng số lượng học sinh bán trú ở trường chính. Trong khi không phải trường nào cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng học sinh bán trú. Và khi nhà trường vẫn phải thực hiện quy trình quản lý và chăm sóc học sinh như các trường bán trú, khối lượng công việc của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên sẽ nặng nề hơn. Bởi thế, khi phát triển mô hình này sẽ cần những giải pháp chính sách phù hợp.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: “Là người phát triển mô hình trường nội trú từ những ngày đầu, đến nay tôi thấy mô hình này vẫn được tiếp tục phát triển ở các vùng DTTS và miền núi. Tôi cho rằng giải pháp với những điểm trường nhỏ quá mình nên xóa đi để gộp lại về điểm trường chính, trường nội trú để tránh lãng phí là rất chính xác. Tôi đã đi nhiều nơi, có nhiều điểm trường chỉ có vài ba em học sinh lớp hai, lớp ba - việc đưa các em về ở trường bán trú dân nuôi sẽ tốt hơn nhiều”.

“Do vậy, nếu những trường điểm nhỏ thì dồn về trường bán trú dân nuôi - đấy là một phương thức. Phương thức thứ 2 là, đường sá tốt rồi thì vận động xã hội hóa tặng cho học sinh xe đạp để các em có thể đến trường học nếu nhà gần. Như vậy từng bước một chúng ta sẽ xóa các điểm trường vì để duy trì sẽ rất tốn kém. Phương thức thứ 3, ở nước ngoài tôi chứng kiến trong một lớp có cả học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 và giáo viên có phương pháp dạy một lớp có nhiều trình độ khác nhau. Muốn vậy chúng ta phải tập huấn giáo viên để họ biết cách dạy nhiều trình độ trong một lớp. Cứ như vậy, từng bước một chúng ta sẽ xóa được các điểm trường nhỏ”.

Cùng với đó, theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, đối với trường nội trú là phải giáo dục toàn diện. Nhưng hiện nay Bộ thiết kế việc dạy ở trường nội trú giống như là phổ thông là không đúng, mà nên đẩy mạnh dạy kỹ năng sống, dạy nghề hướng nghiệp, các chương trình văn hóa, văn nghệ...

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần quan tâm hơn đến chế độ chính sách đối với các cán bộ, giáo viên dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. “Tôi đã nghe một số hiệu trưởng trường dân tộc nội trú phản ánh vấn đề rằng hiện nay dù có một số chế độ phụ cấp nhưng chưa đủ, cần có sự động viên cao hơn nữa cho các thầy cô dạy ở các trường nội trú”- PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Đọc thêm