Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam (VN) chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)”, Diễn đàn tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết 52-NQ/TW (NQ 52) của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN4.0 của VN, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Các yếu tố nền tảng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, cuộc CMCN 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó có VN. Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập,..
Theo Trưởng ban Kinh tế TW, để VN không bỏ lỡ cuộc CMCN 4.0 này, ngoài những nỗ lực tự thân của mình, VN cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các DN quốc tế với tinh thần “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”...
Trên tinh thần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để định hướng cho phát triển tổng thể nền kinh tế dựa trên cơ sở phát triển và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của VN. Hiện Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ trưởng cho biết, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của VN được xây dựng gồm 03 yếu tố nền tảng: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cùng với đó là 3 nhóm giải pháp: Áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực DN; Cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển.
Cần đột phá trong tư duy, chính sách
Khẳng định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những định hướng quan trọng mà NQ 52 của Bộ Chính trị đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng CĐS đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của CMCN 4.0 thì CĐS mới thực sự tăng tốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS mở ra cơ hội lớn cho VN, nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng DN, từng tổ chức, từng người dân, đến mọi lĩnh vực. “VN muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh”- Bộ trưởng khẳng định và cho rằng với văn hóa của người VN chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hạt nhân cho quá trình chuyển đổi đó chính là các DN công nghệ số, DN ICT VN.
“CĐS quốc gia bao gồm CĐS Chính phủ, CĐS DN và CĐS xã hội. Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu. NQ 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong CĐS…”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các ĐMST. Các nước như VN chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả DN đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận. Với tinh thần và quyết tâm của NQ 52, là “Đảng đi trước làng nước theo sau”, chúng ta tin tưởng rằng công cuộc CĐS quốc gia sẽ giúp VN vượt lên…”- Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng quả quyết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
“Tầm nhìn chiến lược nhưng hành động cụ thể, rất khẩn trương…”
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành NQ 52 về chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước đó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế, hạ tầng đến nhân lực, khoa học, công nghệ để phát triển nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh với tầm nhìn chiến lược nhưng hành động cụ thể, rất khẩn trương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong cuộc CMCN 4.0 vai trò chủ đạo và tiên phong là của DN.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chủ động ứng phó với những mặt tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trong đó có cơ chế quản lý rủi ro. Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người để sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, thiết thực hơn. “Quyết liệt hơn nhưng thiết thực, đúng vào những thứ đang cần. Không cần quá “đao to búa lớn”, không cần tranh luận nhiều về các khái niệm mà cần làm nhiều từ những hành động rất cụ thể như đã làm trong 1 năm vừa qua”- Phó Thủ tướng đề nghị.