(PLO) - Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề “Hội nhập và phát triển bền vững”, được tổ chức ngày 27/8 ở Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, đã diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia.
Khác với tất cả các kỳ diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức trước đây, diễn đàn lần này chỉ diễn ra 1 ngày và chỉ tập trung vào chủ đề hội nhập, không bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Cách làm việc này được ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm UBKT Quốc hội nhắc lại trong phát biểu khai mạc.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn đều ủng hộ chương trình làm việc mới này, cho rằng, nó rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và những biến động của kinh tế thế giới gần đây, đặc biệt là Trung Quốc, đang ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.
Sau bài tham luận mang tính đề dẫn của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú - một điểm khác của diễn đàn năm nay: đại diện cơ quan Chính phủ đề dẫn thay vì chuyên gia kinh tế – các diễn giả lần lượt bình luận về những thành tựu cũng như tồn tại của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, cũng như những thách thức và cơ hội trong thời gian tới.
Hầu hết các diễn giả đều đồng thuận rằng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau một thời gian hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt sau gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là có nhưng chưa tương xứng với cơ hội.
Phân tích về nguyên nhân, nhiều diễn giả cho rằng, Việt Nam mới chỉ chú trọng trên bàn đàm phán nhằm “tích cực hội nhập” với thành tích là ký được rất nhiều hiệp định thương mại, nhưng nội bộ trong nước không thực sự “đổi mới”, thậm chí thiếu quan tâm để có thể tận dụng những cơ hội mà hội nhập mang lại.
TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, việc Việt Nam ký kết lên đến 15 hiệp định thương mại, tương đương cường quốc kinh tế như Trung Quốc, cao nhất trong khối nước ASEAN là có vấn đề.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ví dụ: từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đàm phán 6 Hiệp định quy mô lớn, sẵn sàng đứng nhất ASEAN về chỉ số này nhưng trong nước lại không đồng bộ. Có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 60% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ.
"Chúng ta lo đàm phán nhưng không lo chuẩn bị, đàm phán cứ đàm phán nhưng những người ở nhà thì không chuẩn bị, không có ý thức chuẩn bị" - ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Để tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập, các đại biểu nhất trí là hội nhập phải gắn bó mật thiết với cải cách trong nước. Thậm chí, theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách, đổi mới cần diễn ra trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa.
Chia sẻ về kinh nghiệm hội nhập, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia cho rằng, Việt Nam trong giai đoạn này cần thực hiện những cải cách sâu rộng, toàn diện.
Một số chuyên gia, trong đó có TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trong hội nhập, Việt Nam cần sử dụng các hàng rào phi thuế quan, điều mà các nước khác vẫn làm.
Diễn đàn cũng thảo luận về vấn đề nông nghiệp và nông dân trong hội nhập, coi đây là nhóm lĩnh vực, đối tượng đông đảo nhất, nhưng lại thiệt thòi nhất khi nền kinh tế hội nhập quốc tế do không được quan tâm thích đáng.
Tuy nhiên, TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT lại cho rằng, chính nông nghiệp lại đạt được nhiều thành tựu nhất, tận dụng tốt nhất quá trình hội nhập vừa qua, rằng chính việc phải tự thân vận động đã giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh toàn cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng có cái nhìn tích cực về thành quả của hội nhập. Ông Lưu cho rằng, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng thông qua hội nhập, từ thể chế đến thực tiễn kinh tế - xã hội, Việt Nam đều đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quốc hội và Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hàng nghìn đạo luật, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh cho thể chế kinh tế thị trường. Hội nhập cũng giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn quốc tế, tiếp thu các công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng: “Nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế thì sao có được Khu kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hóa này với tổng mức đầu tư lên đến 9 tỷ USD, hay làm sao có được sự tư vấn và công nghệ quản lý đẳng cấp quốc tế như tại chính Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn mà chúng ta đang có mặt tại đây”.
Bên lề Diễn đàn, tại hành lang Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, các đại biểu và diễn giả cũng tranh thủ trao đổi chuyên môn và trả lời phỏng vấn báo chí.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ đầu tư Quần thể du lịch FLC Sầm Sơn trao đổi với ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Các chuyên gia kinh tế bình luận sôi nổi về các phát biểu của nhau.
Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trao đổi với bàn Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về khả năng WB tài trợ phát triển cho Thanh Hóa.
Các phóng viên tranh thủ phỏng vấn chuyên gia bên lề Diễn đàn.
Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế thuộc Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn. Đây là một quần thể du lịch lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và mới được khánh thành đầu tháng 7 vừa qua.