TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 8%

(PLO) - Là nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần xử lý để tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn…
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 vừa diễn ra tại Thanh Hóa ngày hôm qua (27/8)
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 vừa diễn ra tại Thanh Hóa ngày hôm qua (27/8)
Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững”, Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 vừa diễn ra tại Thanh Hóa ngày hôm qua (27/8) đã dành phần lớn thời gian đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO và bàn thảo về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trước các hiệp định thương mại đã và đang đàm phán ký kết.
Cơ hội từ hội nhập
Theo nhận định của WB, là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%. 
Bên cạnh TPP, 21 thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã hình dung về một Khu vực thương mại tự do toàn diện của châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), một sáng kiến đã được khôi phục mạnh mẽ trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo năm 2014. Các mô hình cho thấy một sáng kiến bao gồm 9 nền kinh tế trong APEC không phải thành viên của TPP có thể gia tăng thêm 7% GDP thực của Việt Nam.
WB cũng cho rằng Việt Nam đã chủ động ứng dụng các hiệp định thương mại – bao gồm cả việc gia nhập WTO – như một cách định hướng và ràng buộc quá trình cải cách chính sách thương mại trong nước. Hiện Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã ký kết FTA với nhiều nước, bao gồm các thành viên ASEAN, các nước trong khối ASEAN+, bao gồm cả “người khổng lồ” Trung Quốc và Ấn Độ - cũng như Liên minh Châu Âu. 
“Ít nhất trong ASEAN, ba FTA kết hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đã mang lại thành công cho quá trình tự do hóa thương mại hàng hóa: thuế suất khá thấp, trung bình 9% cho sản phẩm công nghiệp, 17% cho nông sản và rất nhiều dòng sản phẩm được miễn thuế, mặc dù mức thuế quan cao nhất (lớn hơn 15% giá trị hàng hóa) vẫn tồn tại với 26% dòng thuế…”- ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB dẫn chứng.
Ngăn chặn những bước lùi
Tuy nhiên, đại diện WB cũng cảnh báo Việt Nam còn nhiều vấn đề cần xử lý trong các lĩnh vực như dịch vụ và đầu tư, cả hai đều quan trọng để tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Mặc dù Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khá đáng kể trong những năm qua nhưng môi trường kinh doanh vẫn tồn tại tình trạng không rõ ràng, có thể ngăn cản ít nhất là một vài hoạt động có lợi. 
Theo đánh giá của WB, phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. 
Về thương mại, WB cho rằng mặc dù Việt Nam đã thực hiện tự do hóa thuế quan đối với hàng hóa sau khi gia nhập WTO nhưng từ đó đến nay đã có những bước lùi. “Chúng ta thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế là cắt giảm thuế quan, những biện pháp bảo hộ khác phi thuế quan coi như không thực thi gì cả… Những bất cập từ chính sách cần được sửa ngay!”- TS Trần Du Lịch đề nghị.
Theo khuyến cáo của WB, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tập trung vào các hàng rào chính thống cũng như phi chính thống đối với thương mại và đầu tư vào dịch vụ. “Mặc dù ASEAN cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ trong khu vực, trọng tâm dồn vào các hàng rào chính thống, và ngay cả như vậy thì việc thực thi cũng không thống nhất. Tới đây, sự tập trung cần chuyển từ những giới hạn rõ ràng tới những vấn đề mang tính thách thức hơn, như phối hợp và hài hòa trong cách điều hành. 
Do mức độ quan trọng của các ngành dịch vụ đối với triển vọng phát triển trong trung hạn của Việt Nam, đất nước sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tăng cường thúc đẩy quá trình tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ với quy mô rộng khắp trong ASEAN…” - ông Sandeep Mahajan đưa ra khuyến nghị. 
“Chúng ta không nên quá quan tâm đến con số tăng trưởng thêm 8%. Mà nhìn chung là tác động của TPP là tích cực và rất lớn. Điều quan trọng đối với Việt Nam là mở cửa thị trường, trong đó có thị trường Mỹ và cơ hội xuất khẩu nông sản và tạo thêm việc làm cho các DN Việt Nam…”- Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victor Kwakwa phát biểu.

Đọc thêm