Diện mạo mới của huyện đảo Lý Sơn nhờ nguồn vốn chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện đảo Lý Sơn - huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc đã khoác lên mình một diện mạo mới. Trong hành trình phát triển ấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành điểm tựa vững chắc, đóng vai trò đòn bẩy quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cán bộ NHCSXH huyện Lý Sơn hướng dẫn người dân cách sử dụng và quản lý sổ vay vốn hiệu quả.
Cán bộ NHCSXH huyện Lý Sơn hướng dẫn người dân cách sử dụng và quản lý sổ vay vốn hiệu quả.

Hành trình tận tâm giúp dân thực hiện khát vọng thoát nghèo

Chúng tôi bắt đầu hành trình ra huyện đảo Lý Sơn từ cảng Sa Kỳ, vượt sóng hơn 2 tiếng đồng hồ để đến với hòn đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi nằm giữa trùng khơi. Trên những con đường bê tông rộng rãi, bằng phẳng, khung cảnh một vùng quê giữa biển khơi hiện lên sống động, yên bình, trù phú, và đang đổi thay từng ngày.

Diện mạo mới ấy là kết quả của sự đồng lòng từ các cấp, các ngành, từ cán bộ, đảng viên đến người dân, trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ người dân vùng khó khăn như Lý Sơn vươn lên ổn định cuộc sống.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Lý Sơn cho vay vốn ưu đãi giúp dân kịp thời vào vụ sản xuất hè thu.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Lý Sơn cho vay vốn ưu đãi giúp dân kịp thời vào vụ sản xuất hè thu.

Câu chuyện của bà Võ Thị Hoanh ở thôn Tây, xã An Hải là minh chứng sống động cho hiệu quả của nguồn vốn ấy. Hơn 4 năm trước, gia đình bà thuộc diện cận nghèo, chồng làm thuê trên tàu biển, các con còn đang đi học, cuộc sống bấp bênh, lo toan từng bữa ăn, manh áo.

Đúng lúc khó khăn nhất, bà nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình từ cán bộ tín dụng chính sách để vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Lý Sơn, đầu tư cải tạo 1.500m² đất trồng hành và tỏi - hai loại cây chủ lực của đảo. Nhờ nguồn vốn này, bà mua giống, khoan giếng lấy nước tưới, chuyển sang sản xuất chuyên canh. Kinh tế gia đình dần đi vào ổn định.

Không dừng lại ở đó, khi chính thức thoát nghèo, bà Hoanh tiếp tục được tiếp cận gói tín dụng 100 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư mua sắm ngư cụ đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, gia đình bà đã vươn lên mạnh mẽ: có nhà mái bằng khang trang, con cái được học hành đầy đủ, cuộc sống không còn chật vật như trước.

Tiếp nối là câu chuyện của gia đình chị Bùi Thị Dung cũng sinh sống tại thôn Tây, xã An Hải là một minh chứng tiêu biểu cho tinh thần vượt khó và khát vọng làm giàu bền vững trên quê hương biển đảo. Sau nhiều năm chật vật trong cảnh thiếu trước hụt sau, chị Dung đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Khoản vay ấy được gia đình chị đầu tư bài bản vào việc mua giống hành, tỏi và phân bón, phục vụ sản xuất trên 2.000m² đất nông nghiệp. Nhờ sự chăm chỉ, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, chị Dung đã từng bước làm chủ kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng. Những mùa vụ bội thu liên tiếp không chỉ giúp gia đình chị cải thiện đời sống, mà còn tạo điều kiện tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất.

Hiệu quả đồng vốn chính sách lan tỏa trong cuộc sống

Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Đảng NHCSXH huyện Lý Sơn, ông Trần Văn Nam cho biết: "Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng mỗi lần nhìn thấy thôn xóm khởi sắc, người dân no đủ hơn nhờ nguồn vốn của NHCSXH, chúng tôi lại thấy công việc mình làm thật ý nghĩa. Vui nhất là khi có nhiều hộ dân chủ động làm đơn xin thoát nghèo - một tín hiệu cho thấy họ đã đủ tự tin vươn lên”.

Ông Trần Văn Nam - Giám đốc NHCSXH huyện đảo Lý Sơn

Ông Trần Văn Nam - Giám đốc NHCSXH huyện đảo Lý Sơn

Thật vậy, với phương châm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, NHCSXH Lý Sơn đã kiên trì thực hiện sứ mệnh đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng người cần, đúng thời điểm. Ngay từ khi thành lập năm 2002, ngân hàng đã huy động mọi nguồn lực tài chính từ Trung ương đến địa phương, đồng thời triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP.

Qua 22 năm đồng hành cùng người dân, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện đã đạt 164 tỷ đồng, tăng gần 162 tỷ đồng so với năm đầu tiên, trong đó riêng nguồn vốn ủy thác địa phương đóng góp 23 tỷ đồng.

Những con số này là minh chứng rõ nét cho việc các cấp ủy, chính quyền ở Lý Sơn đã thấm nhuần tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách. Việc thống nhất nguồn vốn ngân sách Nhà nước về một đầu mối quản lý NHCSXH không chỉ giúp dòng vốn được chuyển tải kịp thời mà còn phát huy hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.

Chỉ sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp cho 10.547 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn gần 360 tỷ đồng đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/4/2025 đạt 164 tỷ đồng, tăng 75,098 tỷ đồng so với năm 2014, với 2.211 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho 840 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 1.862 lao động được tạo việc làm từ Qũy Quốc gia về việc làm, lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 1.950 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 17 căn nhà cho đối tượng có thu nhập thấp.

Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp lực giúp 840 hộ thoát nghèo, 1.862 lao động được việc làm, cụ thể tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm theo từng năm từ 0,5-1%.

Những con số ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi, đồng thời cũng ghi nhận từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách đã bền bỉ chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng bản, xa xôi hẻo lánh; đồng thời luôn thực hiện việc “3 bám” (bám dân, bám xóm, bám đối tượng) để “3 cùng” (cùng làm, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả).

Giám đốc NHCSXH huyện đảo Lý Sơn thường xuyên “ba cùng” với cán bộ tín dụng bám sát , gắn bó với cơ sở.

Giám đốc NHCSXH huyện đảo Lý Sơn thường xuyên “ba cùng” với cán bộ tín dụng bám sát , gắn bó với cơ sở.

Có thể khẳng định từ một huyện có nhiều khó khăn nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín, lan tỏa khắp hòn đảo tiền tiêu, thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Nếu như hơn mười năm trước, Lý Sơn còn là một hòn đảo xa xôi với muôn vàn thiếu thốn, thì nay, diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Những ngôi nhà kiên cố, trường học khang trang, khách sạn mọc lên san sát; cầu cảng, đê biển, đường sá được đầu tư đồng bộ. Tất cả tạo nên một Lý Sơn hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ đặc trưng.

Các chương trình tín dụng chính sách đã trở thành đòn bẩy then chốt trong chiến lược giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ góp phần củng cố an ninh nơi biển đảo tiền tiêu, Lý Sơn ngày nay còn vươn lên thành điểm sáng kinh tế giữa trùng khơi.

Cuộc hành trình của tín dụng chính sách tại Lý Sơn vẫn đang tiếp diễn. Trong giai đoạn mới, NHCSXH huyện đảo tiếp tục dốc toàn lực thực hiện tốt Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Với niềm tin và quyết tâm, dòng vốn chính sách sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, đồng hành cùng người dân Lý Sơn chinh phục hành trình thoát nghèo, làm giàu và xây dựng quê hương ngày một trù phú hơn.

Đọc thêm