Diện mạo mới của Luật Cạnh tranh sẽ như thế nào?

(PLO) - Cần thận trọng khi suy đoán sức mạnh thị trường căn cứ vào thị phần, cần quy định chi tiết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là những ý kiến nổi bật được đưa ra góp ý cho dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi. Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình ra Quốc hội vào ngày 25/5 tới đây. 
Những vụ việc tập trung kinh tế như của Thế giới di động và Trần Anh trong năm 2017 sẽ phải có hồ sơ xin phép Ủy ban Cạnh tranh quốc gia theo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Những vụ việc tập trung kinh tế như của Thế giới di động và Trần Anh trong năm 2017 sẽ phải có hồ sơ xin phép Ủy ban Cạnh tranh quốc gia theo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Thị phần có đồng nhất với sức mạnh thị trường?

Chia sẻ về các vấn đề liên quan đến thị phần và sức mạnh thị trường, ông Terry Calvani, nguyên Chủ tịch Uỷ ban thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) cho biết, ở Mỹ, khi mới thực hiện Luật Cạnh tranh, các nhà quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế luôn nghĩ đến quy định về thị phần đầu tiên, sử dụng thị phần như một tiêu chí để thực hiện luật này. Thị phần được dùng làm căn cứ để đánh giá những cấu trúc của ngành, lĩnh vực sẽ thay đổi như thế nào nếu xảy ra hiện tượng DN chiếm được thị phần lớn. 

“Việc này là hoàn toàn sai lầm” - nguyên Chủ tịch FTC bày tỏ, đồng thời kể lại một câu chuyện cho thấy việc một DN Mỹ sơ bộ bị điều tra cho thấy có sự vi phạm pháp luật Mỹ nếu căn cứ vào thị phần (do có thị phần cao vượt ngưỡng quy định), gây ra những đáng ngại cho các DN khác tham gia vào cùng lĩnh vực. 

Tuy nhiên, khi FTC tiến hành điều tra kỹ hơn thì thấy, dù DN này có thị phần cao nhưng không cần vốn lớn cũng không đòi hỏi gì về kinh nghiệm quản lý; Kỹ năng hay trình độ lao động cũng không có gì đặc biệt khi chỉ cần 1 tháng là các DN liên quan có thể gia nhập thị trường. 

Do đó, theo ông Terry Calvani, nếu chỉ nhìn vào thị phần thì không có tính chính xác vì trong trường hợp nêu trên, rõ ràng, không xuất hiện bất kỳ một rào cản nào cho việc gia nhập thị trường của mọi DN khác. Ông này cũng đưa ra ý kiến, rằng, nếu chỉ sử dụng suy đoán thị phần để làm căn cứ xác định sức mạnh thị trường thì cần có những suy đoán khác để bác bỏ tiêu chí này bởi DN có thể có thị phần rất cao nhưng không có sức mạnh thị trường thực sự. Hoặc suy đoán thống lĩnh thị trường căn cứ vào ngưỡng thị phần 30% là rất thấp. 

Ngoài góp ý về việc cần bớt lệ thuộc vào khái niệm thị phần, ông Terry Calvani còn đưa ra vấn đề về quy định liên quan đến hành vi lạm dụng thống lĩnh thị trường. Theo ông, trong những điều khoản liên quan đến tác động hạn chế cạnh tranh cần cân nhắc đến quy định “định giá nhằm hủy diệt đối thủ” vì cần cân nhắc xem trong tương lai họ có ý định tăng giá trở lại để bù đắp tổn thất không. Nếu DN này không tăng giá thì khách hàng sẽ hưởng lợi, điều này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường. “Đây là một điều quan trọng, nếu không quy định trong luật thì cũng nên quy định trong văn bản dưới luật” - ông Terry đề nghị. 

Ủy ban cạnh tranh Quốc gia “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Theo Dự án Luật sửa đổi, Ủy ban này sẽ trực thuộc Bộ Công thương (BCT). Do đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, bởi các ý kiến cho rằng sẽ khó có tính độc lập nếu UB này trực thuộc BCT vì “anh vừa quản lý lại vừa đóng vai trò phán xử” - đại diện một hiệp hội quy kết. Điều này dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến tính độc lập của Ủy ban này. 

Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng DN cũng bày tỏ lo ngại việc quy định DN phải nộp hồ sơ thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế là hình thức giấy phép con trá hình, gây khó khăn cho DN… 

Theo đó, với quy định này, muốn hoàn thành việc tập trung kinh tế, DN cần 9 loại giấy tờ. Sau khi nộp hồ sơ, DN có 15 ngày để Ủy ban này đề nghị sửa đổi bổ sung hồ sơ, 30 ngày thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế, 90 ngày để thẩm  định chính thức. Sau đó, nếu cần tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực tập trung kinh tế thì có thể kéo dài thêm 15 ngày nữa. 

Bày tỏ phản đối quy định nêu trên, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, đây là hành vi cản trở tập trung kinh tế, “giống như giấy phép con trá hình đối với DN”. Theo vị đại diện này, việc tập trung kinh tế là hoạt động bình thường của mọi DN, diễn ra trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, ở mọi quốc gia khác nhau, không thể vì các quy định hành chính mà làm khó DN khi họ đã có những kế hoạch đầu tư.

Trước ý kiến này, Thứ trưởng BCT Trần Quốc Khánh khẳng định, thiết kế của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ hoàn toàn đảm bảo cho cơ quan này thực hiện cùng lúc 2 chức năng. Đặc biệt, để đảm bảo sự độc lập cho việc xét xử, Ủy ban  này sẽ có 15 ủy viên, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Trong việc xét xử, 15 ủy viên sẽ hoàn toàn tuân theo các quy định pháp luật chung của Nhà nước.  

Đọc thêm