Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Bạc Liêu

(PLVN) - Thông qua đợt diễn tập, đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin của tỉnh, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin các đơn vị có thêm kinh nghiệm trong việc giám sát an toàn thông tin, sẵn sàng xử lý sự cố khi có cuộc tấn công trong thực tế vào hệ thống đang vận hành...

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, sáng nay, 10/10, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Tham gia diễn tập hơn 40 đại biểu là Chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham gia tại diễn tập được chia làm 2 đội: Đội phòng thủ và đội tấn công (đội tấn công gồm 6 nhóm tấn công).

Các nhóm tấn công thực chiến trên 3 hệ thống thực đang cài đặt và vận hành tại Trung tâm dữ liệu tỉnh. Đồng thời, các đội tấn công rà soát phát hiện được một số điểm yếu còn tồn tại trên website, từ điểm yếu này kẻ tấn công có thể lợi dụng để xâm nhập khai thác thông tin trái phép trên website; Đội phòng thủ kịp thời phát hiện các dấu hiệu tấn công, khai thác hệ thống và đã triển khai các biện pháp kỹ thuật theo quy trình phòng thủ, ứng cứu xử lý sự cố với sự tham gia của các nhóm chuyên trách an toàn thông tin và quản trị hệ thống.

Kết quả diễn tập cho thấy, hiện tại một số hệ thống, hạ tầng về an toàn, bảo mật thông tin tại Trung tâm dữ liệu tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa được trang bị các giải pháp an toàn bảo mật tiên tiến, dẫn đến khâu phòng thủ chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của thực tiễn; Các hệ thống công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ theo quy định.

Các đại biểu tham gia tại diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022.

Các đại biểu tham gia tại diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022.

Phát biểu buổi diễn tập, ông Bùi Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh, Trưởng ban Tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022 cho biết: “Đây là lần diễn tập đầu tiên, mục đích của diễn tập lần này là tạo điều kiện để các thành viên đội ứng cứu sự cố của tỉnh, cán bộ chuyên trách CNTT tại các đơn vị có cơ hội giao lưu học hỏi, tiếp cận được với những giải pháp kỹ thuật tấn công và phòng thủ mới nhất. Qua đó từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho các đợt diễn tập tiếp theo...”.

“Cuộc diễn tập giúp cho đội ứng cứu, cán bộ CNTT Sở ngành nâng cao kinh nghiệm xử lý sự cố, có thêm kinh nghiệm, sẵn sàng xử lý sự cố khi có cuộc tấn công trong thực tế vào hệ thống đang vận hành. Đồng thời kịp thời phát hiện các điểm yếu, lỗ hổng còn tồn tại về công nghệ, quy trình, con người để kịp thời xử lý, đề xuất các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống”, ông Bùi Thanh Toàn nhấn mạnh.

Thông qua đợt diễn tập lần này, đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin của tỉnh, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin các đơn vị có thêm kinh nghiệm trong việc giám sát an toàn thông tin, sẵn sàng xử lý sự cố khi có cuộc tấn công trong thực tế vào hệ thống đang vận hành. Đồng thời kịp thời phát hiện các điểm yếu, lỗ hổng còn tồn tại về công nghệ, quy trình, con người để kịp thời xử lý, đề xuất các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống đang vận hành, đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ Công bố Ngày Chuyển đổi số tỉnh 10/10, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã ban hành nhiều các văn bản để thúc đẩy lĩnh vực này, như: Chỉ thị của Tỉnh ủy về “chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện.

Chuyển đổi số được thúc đẩy đã tạo được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đã thành lập gần 450 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và khóm, ấp với gần 3.000 thành viên. Bước đầu triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm