Một đầu mối thống nhất quản lý thông tin đất đai
Dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin đất đai được thiết kế để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ TN&MT, đề xuất xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình quản lý và vận hành tập trung tại cấp Trung ương theo hướng kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu. Theo đó, cơ quan TN&MT, công chức địa chính xã, phường, thị trấn được truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia để tác nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Cơ sở dữ liệu đất đai sẽ được tập hợp, tổ chức và sắp xếp để vận hành theo mô hình, phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ); cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.
Các báo cáo định kỳ và đột xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; dữ liệu đất đai sẵn có; số liệu điều tra, khảo sát… sẽ là những hình thức thu thập và cập nhật thông tin, dữ liệu đất đai theo mô hình mới này. Đặc biệt, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu đất đai có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, dữ liệu do các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai. Nếu được chấp nhận, dữ liệu đất đai này sẽ được Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.
Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai nằm trong lộ trình hiện đại hóa công tác quản lý đất đai của Bộ TN&MT. Theo Tổng cục Quản lý đất đai, giai đoạn 2015- 2016 sẽ tập trung hoàn thiện môi trường nền tảng về xây dựng cơ sở dữ liệu và chiến lược phát triển hệ thống thông tin đất đai. Giai đoạn 2017- 2018 là giai đoạn xây dựng và hoàn thiện các công cụ để vận hành hệ thống giao dịch điện tử trên cơ sở điện tử hóa nghiệp vụ hành chính đất đai. Giai đoạn 2018-2020 sẽ vận hành ổn định hệ thống thông tin đất đai trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao khả năng khai thác, chia sẻ và cung cấp thông tin đất đai.
Đến năm 2030, phát triển hạ tầng thông tin không gian quốc gia hiện đại, đạt trình độ của các nước phát triển trong khu vực hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Tổng cục Quản lý đất đai cũng đề xuất, lựa chọn mô hình hệ thống, cấu trúc hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu và trên một phần mềm thống nhất cả nước để quản lý.
17 thủ tục hành chính về đất đai thực hiện bằng phương thức điện tử
Trong dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT đề xuất 17 thủ tục hành chính thực hiện bằng phương thức điện tử, bao gồm:
Thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất; đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý; đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền SDĐ, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở;
Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề; gia hạn SDĐ; xác nhận tiếp tục SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn SDĐ; chuyển đổi quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”; thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất; cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng;
Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng; xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền SDĐ và xử lý quyền SDĐ đã thế chấp, để thu hồi nợ; đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền SDĐ nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định;
Đăng ký biến động đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển đổi công ty; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền SDĐ; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty…;
Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền SDĐ sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền SDĐ; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi chứng chỉ định giá đất; thẩm định năng lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm thủ tục hành chính về đất đai cũng được quyền lựa chọn phương thức giao dịch với cơ quan nhà nước theo phương thức truyền thống và phương tiện điện tử, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai không chỉ thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; mà còn bảo đảm sự rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và thuận tiện cho khai thác và sử dụng.