Điệp Sơn - Hành trình để đi bộ trên biển

(PLO) - Điểm đến lần này PLVN xin gửi tới các bạn chính là hòn đảo Điệp Sơn thuộc vịnh Vân Phong - Nha Trang thông qua những trải nghiệm của chị Vũ Như Trang, một người đam mê và nhiều kinh nghiệm đi du lịch đảo. 
Điệp Sơn - Hành trình để đi bộ trên biển

"Say mê với các hòn đảo, đặc biệt các hòn đảo hoang sơ và lỡ lời hứa với con trai là sẽ cho con đi 20 hòn đảo nên giờ phải nghiên cứu để thực hiện dần dần lời hứa của mình. Chia sẻ với các bạn một số đảo đẹp mà mình và gia đình đã tới. Trước tiên là Điệp Sơn, hòn đảo đẹp, hoang sơ, đáng để đặt chân tới.

 
 
 
 
Mô tả ảnh
Mô tả ảnh

Điệp sơn thuộc vịnh Vân Phong - Nha Trang. Hòn đảo này vẫn còn rất hoang sơ chưa có dịch vụ du lịch và để tới đảo thì chỉ mất công chứ chi phí khá thấp.

Từ Nha Trang bạn phải tới cảng Vạn Giã để đi tàu ra đảo. Khoảng cách là 60km, có các cách sau để tới:

1. Xe buýt: Có tuyến của Công Ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang 058.3526169. giá vé 25 ngàn đồng/ khách. 30 phút có 1 chuyến và thời gian di chuyển là 120p. Lộ trình như sau: 

86 Trần Phú → Trần Quang Khải → Nguyễn Thiện Thuật → Quang Trung → Đường 2/4 → Bến Xe Phía Bắc → Sao Mai Anh → Quốc Lộ I A → Chợ Lương Sơn → Du Lịch Long Phú → Ngọc Diêm → Chợ Tân Đảo → Ba Hồ → Tân Thủy → XD Toàn Thắng → Chợ Ninh Lộc → Cầu Cháy → Ngã Ba Trong → Đường Đinh Tiên Hoàng → Kho Bạc Ninh Hòa → Chợ Ninh Hòa → Bưu Điện Ninh Hòa → QLIA Tượng Đài → Ngã 2 Dốc Lết → Chợ Lạc An → Ngã 3 Đá Bàn → Trạm Thu → Phí Ninh An → Cổng Xuân Đông → Ngã 3 Xuân Sơn → Chợn Tân Đức → UBND Thị Trấn Vạn Giã → Chợ Vạn Gĩa.

Tuy nhiên xe khá đông và nhiều điểm dừng, nhà mình lại có trẻ con nên không khả thi.

2. Xe máy: Đây là cách mà khá nhiều bạn chọn đến Điệp Sơn. Giá thuê xe là 80 ngàn đồng/ ngày đổ thêm 50 ngàn đồng tiền xăng là bạn có thể vi vu thoải mái. Đường đến Vạn Giã đẹp, dễ đi và phong cảnh 2 bên cũng rất đẹp, có cánh đồng muối ở bên phải đường (tuy không to lắm nhưng cũng đủ để check in). Thời gian đi khoảng 2 tiếng (nếu không chụp ảnh lâu). Bên cạnh đó bạn có thể ghé vào mấy quán ở Ninh Hòa để thưởng thức nem chua. Ngon bá cháy!

3. Taxi: Nếu bạn rủng rình tiền 1 chút có thể thuê 1 chuyến taxi để tới đây. Mình có hỏi qua hình như là 800 ngàn đồng/ 2 chiều. Thời gian đợi là 5 tiếng.

4. Theo tour: Cách này thì thuận tiện nhất nhưng chi phí thì hơi cao mà không thoải mái vì phải theo lịch trình. Nhưng mình liên hệ với bên tổ chức tour để đi cùng xe. Nhà mình 2 người lớn và 1 trẻ con vé là 70ngàn đồng/người. Xe khá tốt và trên xe còn được anh hướng dẫn viên thuyết minh cho một số thông tin.

Vạn Giã - Điệp Sơn

Cảng Vạn Giã khá nhỏ. Trong cảng chỉ bán vé thuyền gỗ để sang đảo. Nếu bạn muốn đi cano thì phải ra phía quán nước bên cạnh, ngay gốc cây xoài.

1. Tàu gỗ: 50 ngàn đồng/ khách/ lượt. Thời gian đi khoảng 45 - 60 phút. Nếu các bạn đi vào buổi sáng thì đi tàu gỗ cũng hay vì buổi sáng biển lặng sóng êm ru, ngắm cảnh trên tàu cực đẹp, nước biển xanh một màu rất khó tả. Buổi chiều có gió, sóng to nên đi tàu gỗ các chị em bị say xe, say sóng thì nên cẩn thận.

2. Cano 100 ngàn đồng/ khách. Thời gian di chuyển 15 phút. Đi cano cũng thích vì được trải nghiệm cảm giác mạnh, cano đi nhanh, gió lộng mà vèo cái là tới nơi. (Vì nhà mình tới cảng hơi muộn nên chọn cách đi cano)

3. Ghe của ngư dân. Nhiều bạn cũng chọn cách này để sang đảo khi phải đợi tàu gỗ hoặc cano quá lâu. Giá thuê ghe là 300 ngàn đồng/6 người (nếu ít người hơn vẫn 300 ngàn đồng, nếu các bạn khéo mặc cả biết đâu lại được giảm giá)

Ở bến cảng bán khá nhiều đồ ăn, bún cá, bánh mì, cơm... có cả nho xanh Ninh Thuận, dưa hấu quả bé xíu mà siêu ngon, ngô nướng 10 ngàn đồng được những 3 bắp to.

Điệp Sơn

Tàu sẽ đưa bạn tới bến cảng của đảo lớn nhất còn gọi là hòn Bịp. Ngay cạnh con đường xuyên biển đã có một hộ dân kinh doanh du lịch. Gọi là kinh doanh du lịch chứ thực sự thì họ mới dựng được 1 cái nhà, vài bộ bàn ghế nhựa, 10 phòng tắm tráng, nhà vệ sinh và một cái chòi để trèo lên chụp ảnh.

Vì thích quá nên nhà mình ôm nhau lao ngay ra "thủy đạo". Nước trong veo, thi thoảng có đàn cá bé bé bơi ngang qua chân, Gấc nhìn thấy rú ầm lên như đã bắt được cả đàn. Con đường từ hòn Bịp tới hòn giữa dài khoảng 800m mất 30 phút đi bộ là sang được đảo thứ 2 (vừa đi vừa chơi ạ). Khi mình tới nước vừa phải chỗ cao nhất tới đầu gối. Con đường rộng mấy chục m thôi còn 2 bên nước cũng kha khá sâu thuyền bè neo đậu và đi lại được. 

Con đường thứ 2 từ đảo giữa sang đảo nhỏ chỉ khoảng 500m, không đẹp bằng và mực nước sâu hơn 1 chút. Đảo nhỏ này có một bãi cực kỳ đẹp, nằm nhô ra hẳn biển và nước thường xuyên lưu thông nên sạch và như Maldives. Rất tiếc 1 công ty ngọc trai đã mua đứt hòn đảo này nên cơ hội để ra bãi này là không thể.

Sau 3 tiếng chạy, đi bộ, nằm, nhảy nhót, chụp ảnh, đuổi nhau, bắt ốc ở đảo giữa, nắng gắt, nước lên cao nhà mình về khu nhà đón khách lúc đầu để tắm nước ngọt, thay quần áo. Giá 10 ngàn đồng/lần tắm. Ở quán này cũng phục vụ một số đồ ăn như mỳ tôm, cơm với mấy món đơn giản, cơm rang... nước uống và cả lều cho khách có nhu cầu ngủ lại qua đêm.

Vào làng

Trên Điệp Sơn chỉ có khoảng 80 hộ dân sinh sống tụ họp vào 1 chỗ bằng phẳng nhất đảo. Trên đảo chưa có điện nên làng bé bé chẳng có tiếng tivi hay nhạc nhẽo gì chỉ có tiếng sóng biển nhẹ nhẹ và tiếng ồn ồn của mấy thanh niên chơi bi-a ở đầu xóm. 

Có 2 cách để bạn đi từ thủy đạo vào làng. 

- Đi bộ: khoảng hơn 1km nhưng toàn đi trên cát, nắng, ko bóng cây (thấy anh chủ quán nói vậy nên nhà mình không chọn cách này)

- Đi ghe: 20 ngàn đồng/ người đi ghe từ thủy đạo vào làng, bạn cứ nhờ anh chủ quán hoặc ngay cầu tàu là có thuyền đợi sẵn ở đó.

Trong làng không nhà nghỉ, khách sạn nhưng có bán các mặt hàng như hoa quả, nước uống, bánh kẹo và bạn có thể ở nhờ nhà bất cứ người dân nào. Dân ở đây hiền, thân thiện và rất nhiệt tình nhưng nghèo. Thường dân phượt ở lại qua đêm sẽ ngủ lều ở bờ biển, nếu ở nhờ nhà dân họ sẽ trả 100 ngàn đồng/ người/ đêm.

Ngay đầu làng có nhà cô Tặng nhận nấu ăn mình có chụp lại số điện thoại để các bạn tiện liên hệ. Bạn phải đặt trước vì ở đây không có tủ lạnh, không dự trữ, bảo quản được đồ ăn. Mình đặt suất ăn 100 ngàn đồng/ người cũng khá đầy đặn: Mực nướng (ngon và tươi), trứng rán, hàu giá xào ( con hàu giá chứ ko phải hàu xào với giá đỗ hì hì ngon cực) rau và 1 vài món khác, ăn xong có nước trà để uống, xoài và dưa lê tráng miệng (dưa lê ngọt lắm).

 

Sau khi ăn cơm xong, nghỉ ngơi tại nhà cô Tặng, có võng và sàn nhà cô trải chiếu, gối sẵn cho khách nhà mình đi 1 vòng quanh làng, xuống bãi tắm chơi tiếp. Bạn Gấc thích bãi tắm này vì cát đẹp, nước trong veo và sóng nhẹ chứ không ào ào như sóng ở các nơi khác. Ngay gần bãi tắm có 1 khu vui chơi của trẻ con, tất cả đều bằng gỗ, tre...do ngư dân tự làm để phục vụ mấy chục cháu học sinh toàn là con cháu họ hàng với nhau trên đảo. Xích đu, cầu thăng bằng... Gấc chơi mãi ko chán. 

Lúc đầu mình định ở lại qua đêm nhưng thấy tcon bị cháy nắng đỏ như tôm luộc, sợ đêm sốt thì trở tay không kịp nên mình rời đảo lúc 5h chiều. 

Tổng chi phí của chuyến đi như sau

Vé xe ôto: 3x 70 ngàn đồng = 210 ngàn đồng

Tàu lên (cano) chiều đi: 100 ngàn đồng x 3 = 300 ngàn đồng

Tàu chiều về : 100 ngàn đồng x 3 = 300 ngàn đồng

Ăn: 200 ngàn đồng

Ghe để vào làng: 60 ngàn đồng

Xe oto chiều về: 210 ngàn đồng

= 1 triệu 280 ngàn đồng

* Lưu ý:

- Nên đi vào ngày trong tuần vì cuối tuần thường khá đông

- Từ 8h đến 12h trưa là thủy đạo nước đẹp nhất. Lúc mình về 5h chiều là đường đã lộ hẳn lên mặt nước. Tuy nhiên nước cũng theo mùa, trước khi đi bạn nên hỏi cô Tặng xem nước thế nào, có thuận lợi không.

- Xin đừng xả rác sau khi chơi và thăm quan. Hiện tại mình đã thấy trên đảo, đặc biệt là bãi biển đã có rác của khách du lịch để lại. Mong các bạn có ý thức để đảo luôn sạch và luôn đẹp!"