Tiểu sa mạc giữa lòng đồng bằng Việt Nam

(PLO) - Đối với những người con của vùng đất Gio Linh (Quảng Trị), hình ảnh Đồi Cát Vàng chính là một phần ký ức khó quên trong cuộc đời mỗi người. Bởi nơi ấy ghi dấu bao kỷ niệm về thời đạn bom hay những tháng ngày tuổi thơ lam lũ, leo đồi cát rát bỏng chân để chơi trò cút bắt hay ngóng đợi ai về. 
Tiểu sa mạc giữa lòng đồng bằng Việt Nam

Từng được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” (sáng tác năm 1973) bằng những câu lục bát chất chứa nghĩa tình:

Anh về Quảng Trị... Gio Linh 

Trèo lên dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang 

Bời bời cỏ lút đồng hoang 

Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn 

Tả tơi mấy ấp khu dồn 

Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!

...

Cụm từ “chang chang nắng cồn” thân quen ấy chính là hình ảnh nói về địa danh Đồi Cát Vàng – một địa điểm được ví như là “tiểu sa mạc giữa lòng đồng bằng”, nằm giữa địa bàn 2 thôn Nhĩ Hạ và Nhĩ Trung (thuộc xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), cách quốc lộ 1A khoảng chừng 10km. 

Nhiều thế kỷ qua, nơi đây vẫn như một trang nhật ký sống, lưu giữ những ký ức thời gian của bao thế hệ người dân quê. 

Những bãi đá quặng với vẻ đẹp ngyên sơ dưới chân các đồi cát

Những bãi đá quặng với vẻ đẹp ngyên sơ dưới chân các đồi cát

Theo lời của những bậc tiền bối, Đồi Cát Vàng vốn xuất hiện từ rất lâu mà đến nay các nghiên cứu vẫn chưa có thông số thời điểm cụ thể. Trước đây đồi cát này rất cao, khoảng chừng 40m và kéo dài hơn 200m, được chia làm nhiều ngọn đồi xếp cạnh nhau, với hai kiểu màu cát đan xen là trắng và vàng mơ. 

Nhưng qua thời gian, dưới sự tác động của con người và ảnh hưởng của thiên nhiên đã khiến độ cao bị bào mòn đáng kể. Giờ ngọn đồi cao nhất chỉ còn khoảng tầm chưa tới 30m.

Những năm tháng chiến tranh, Đồi Cát Vàng trở thành địa điểm tập kích của bà con dân làng. Cũng nhờ bức tường thành vững chãi ấy nòng súng của quân xâm lược đã bị cản ngăn, những hoạch định thôn tính vùng đất phía Đông Gio Linh của kẻ thù cũng sớm bị đập tan. 

Hòa bình lập lại, nơi này lại trở thành “thắng cảnh” của xã nhà, là khu vui chơi đặc biệt của đám trẻ với những trò chơi gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ, như thi leo đồi cát, trượt cát, hay đuổi bắt nhau... 

Không những thế, Đồi Cát Vàng cứ như một trung tâm thư tín để liên lạc kết nối thông tin. Người ta tiễn nhau cũng lên đồi cát để quan sát người đi đã đến nơi nào, hay khi ngóng chờ ai về cũng lên đồi cát để trông cho rõ.

Những ngày hè oi ả, cát nóng bỏng chân pha thêm mùi gió Lào khô ráp, nhưng các mạ, các chị vẫn lặng lẽ xách đôi quang gánh băng qua bãi cát dài để tới hồ nước ngầm gần cạnh đồi cát, múc từng thùng nước trong vắt về sử dụng bởi nước ở đây không bị nhiễm phèn lại có vị ngọt mát.

Vào những đêm trăng thanh, mọi người lại tập trung lên đỉnh đồi ngồi nhâm nhi bát nước chè xanh chuyện trò rôm rả, xua đi bao mệt nhọc của một ngày dài lao động chăm chỉ. Gió từ biển Cửa Việt thổi vào mát rượi. Ngoài xa kia, ánh đèn từ đảo Cồn Cỏ tỏa chiếu thành những vệt sáng vàng mờ ảo, loang cả một góc trời.

Chiều xuống mênh mang ở Động Cát Vàng

Chiều xuống mênh mang ở Động Cát Vàng

Tuy được ví là “tiểu sa mạc”, thế nhưng sa mạc này lại không hề khô cằn như cách gọi mà vẫn giữ được một độ ẩm nhất định. Cây cối ở đây vẫn thuộc vào dạng xanh tươi, trù phú. Dưới chân đồi cát, những hàng cây phi lao và tràm đủ kích cỡ được bà con cẩn thận trồng xung quanh để chống nạn cát bay mỗi khi trời trở gió.

Đối với người dân nơi đây , Đồi Cát Vàng chính là biểu tượng của quê hương và luôn được mọi người ưu ái quảng bá mỗi khi có bạn bè khác xứ đến thăm chơi. 

Và rồi cũng chính bởi sự gắn bó thân thuộc đó mà dù ở xa quê, hễ có dịp trở về ai nấy  cũng cố gắng tìm về nơi chôn giấu bao ký ức xưa, nằm lắng nghe tiếng nhựa sống đang ươm mầm trong thớ đất cằn khô mùi gió nắng.