Điệp trùng điều kiện kinh doanh

(PLO) - Luật quy định rất rõ thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh  nhưng các bộ, thậm chí UBND các tỉnh vẫn vô tư ban hành điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp…
Nhiều ý kiến cho rằng quy định tối thiểu về số xe khách đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải là không hợp lý. (Ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến cho rằng quy định tối thiểu về số xe khách đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải là không hợp lý. (Ảnh minh họa)
Song không có thể đơn giản rà soát rồi trình Thủ tướng bãi bỏ “giấy phép con” như trước đây thi hành Luật Doanh nghiệp, vì giờ đây các cơ quan ban hành ra các loại điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã có nhiều kinh nghiệm hơn… Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh - Kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức  hôm qua 6/4.
Tại sao lại thế?
Nói về thực trạng ĐKKD, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM  ngán ngẩm: Có đến 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng ĐKKD. Ngoài ra còn hàng ngàn “công văn điều hành hàng năm”… “Không phải tôi mà bất cứ ai đọc cũng tự hỏi: Tại sao lại thế? Rất nhức đầu. Không hiểu được chứ không phải là khó hiểu. Không có/thiếu luận cứ khoa học và thực tiễn…”- ông nhận xét. 
Nếu như trước đây quy định về ĐKKD được quy định trong Luật DN thì hiện tại, theo ông Cung, những quy định này nằm trong Luật Đầu tư. “Về nội dung, hình thức không có gì mới nhưng có chiều sâu hơn. Thông điệp mà Luật Đầu tư đưa ra, đó là kinh doanh có điều kiện là hạn chế quyền tự do kinh doanh” - ông Cung nói. Ông Cung cũng dẫn ra Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, trong đó đặc biệt lưu ý các ĐKKD chỉ vì 4 lý do: quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Một ví dụ được nguyên Thư ký Tổ công tác thi hành Luật DN trước đây đưa ra là điều kiện về số lượng xe mà DN kinh doanh vận tải hành khách phải có, đối với DN ở Hà Nội và TP. HCM tối thiểu là 20 xe, ngoài Hà Nội, TP.HCM là 10 xe, còn miền núi và vùng khó khăn là 5 xe. “Tại sao lại là 20, 10 hay 5?  Nếu chỉ có 18 xe thì có ảnh hưởng gì đến quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội, hay sức khỏe cộng đồng?”.  
Đáng tiếc, có đến hàng ngàn ĐKKD hiện hành như vậy vẫn đang tồn tại và nguy hiểm hơn khi rất nhiều ĐKKD đã bãi bỏ trước đây nay được khôi phục, như giấy phép hoạt động in là một ví dụ. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại hội nghị của các DN ngành in mới đây về Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, nhiều DN phát biểu rằng họ rất ngỡ ngàng khi Chính phủ ban hành Nghị định này bởi với việc xóa bỏ các ĐKKD trước đây, ngành in đã có bước phát triển, nhiều DN đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Khó!
Theo quy định, ĐKKD chỉ được quy định tại các luật, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được quy định ĐKKD. “Đây không phải là điều mới. Luật DN 2000, 2005 cũng đã quy định tương tự, khác biệt lần này là quy định ở Luật Đầu tư…”- ông Cung nhận xét.
Thực tế được Viện trưởng CIEM đưa ra là trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tất cả đều được quy định bởi thông tư, tức là do các bộ ban hành, số lượng các ĐKKD nay cũng phải đến hàng ngàn. Kết quả rà soát của Bộ Tư pháp cũng cho thấy không chỉ các bộ ban hành quy định về ĐKKD mà UBND một số tỉnh cũng ban hành ĐKKD. Có đến 19 quyết định của UBND tỉnh đã bị Bộ Tư pháp “thổi còi”.
Đáng chú ý, trong các ĐKKD ở thông tư thì có thông tư do Luật giao thẩm quyền cho bộ ban hành (số này rất ít), số còn lại nằm ở thông tư không được Luật chỉ định ban hành. “Như vậy tất cả các ĐKKD hiện đang được quy định ở các thông tư đương nhiên hết hiệu lực?”- TS Cung đặt câu hỏi và trả lời bằng thực tế các ĐKKD này vẫn tồn tại hơn chục năm nay. Ông Cung cũng chỉ ra một thực tế trước đây thông tư được “đôn” lên thành nghị định, thành luật nhưng nay người ta chẳng thèm để ý điều đó.
“Đúng là các ĐKKD chẳng khác gì trước đây, nhưng bây giờ các bộ, ngành đã có “kinh nghiệm đầy mình” để đối phó rồi!”- TS Lê Đăng Doanh phát biểu. Theo ông, cần phải chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và Nghị quyết 19 của Chính phủ vừa ban hành là cơ hội để Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với VCCI rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ các ĐKKD trái pháp luật.
Thế nhưng theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, cơ chế hiện tại khó hơn trước đây thi hành Luật DN bởi các cơ quan quản lý chức năng đã có kinh nghiệm hơn, họ cài cắm thẩm quyền ban hành ĐKKD ngay trong luật, nghị định, “có khi không phải là ĐKKD đâu mà chỉ là một thông báo nhưng vẫn phải thực thi”. Lý do thứ hai là trước đây có Tổ công tác thi hành Luật DN đầy tâm huyết và chia sẻ tư duy, còn hiện nay Bộ KH&ĐT cũng có Tổ công tác và ông Tuấn thừa nhận mình cũng được là thành viên nhưng “chưa thấy họp lần nào”(!?).

Đọc thêm