Theo đăng ký của các Sở GD-ĐT trên cả nước, năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia, kể cả các thí sinh tự do. So với năm 2016, số lượng thí sinh đăng ký dự thi năm nay cao hơn 55.000 thí sinh. Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%.
Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là lần đầu tiên môn Lịch sử lọt top đầu môn thi được nhiều thí sinh lựa chọn với hơn 350.000 thí sinh, tiếp đến là Địa lý hơn 347.000, Giáo dục công dân hơn 308.000. Số liệu giảm dần ở các môn Hóa, Vật lý, Sinh.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, các thí sinh Hà Nội cho biết, đây là phương án an toàn vì qua kỳ thi thử, các em thấy tổ hợp các môn khoa học tự nhiên khó hơn so với bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Toán. Thời gian mỗi câu chỉ được hơn 1 phút phải tính toán ra được kết quả đúng, nếu kéo dài thời gian làm ở câu trước thì các câu sau không kịp. Trong khi đó, bài thi Lịch sử tưởng khó “ăn” điểm nhưng lại dễ hơn nhiều.
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm nay kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ có nhiều thay đổi, bởi các môn thi xã hội trong đó có Địa, Sử chuyển sang thi trắc nghiệm, không phải thi tự luận phải học thuộc dài dòng như trước. Bên cạnh đó xuất hiện các bài thi tổ hợp, thí sinh được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi và cũng có thể thi cả 2 để lấy điểm nào cao nhất sử dụng xét tuyển. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ cũng bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới có chứa các môn thi xã hội, nhiều trường bổ sung thêm các môn thi mới như giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển làm tăng cơ hội đỗ ĐH cho các em. Chính vì vậy, việc lựa chọn môn thi của các em tất yếu thay đổi.
Ở góc độ khác, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội nhấn mạnh, trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh quyết liệt, khi chọn nghề, các em phải cân nhắc đến năng lực học tập của bản thân, nhu cầu của thị trường lao động thời điểm tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các em khá lo sợ mình bị điểm kém nên lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội để tăng điểm số của mình. Các môn xã hội chú trọng học bài, nắm vấn đề và nhớ nội dung trọng tâm là có thể làm được bài. Hơn nữa, ở tổ hợp khoa học xã hội, các môn thi có kiến thức gần gũi đời sống nên dễ nhớ hơn.
Lý giải về điều này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, năm trước, chủ yếu thí sinh chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán- lý- hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn- sử- địa (khối C cũ), nên số thí sinh đăng ký dự thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017 có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp.
Với quy định như vậy, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào ĐH, thí sinh cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp. Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc cũng giúp cho thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn. Đó chính là những lý do số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên nhiều (trong khi thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên vẫn giữ ổn định như các năm trước).